(Tổ Quốc) - Theo SCMP, Chính phủ Mỹ vừa áp lệnh trừng phạt đối với 33 công ty và thực thể Trung Quốc, đánh dấu tín hiệu cho quan hệ thấp nhất giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
"Hàng chục thực thể và công ty Trung Quốc, trong đó có cả gã khổng lồ phần mềm Qihoo 360 Technology nằm trong danh sách trừng phạt đầu tiên vì hỗ trợ mua sắm các thiết bị được quân đội Trung Quốc sử dụng", Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố vào ngày 22/5.
"Trừng phạt bổ sung của Mỹ nhằm ngăn chặn các công ty và tổ chức không được phép tiếp cận công nghệ của Mỹ làm ảnh hưởng đến lợi ích của Washington", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết trong một tuyên bố.
Các trừng phạt gần đây đang đẩy quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang căng thẳng, báo hiệu cho mối quan hệ đang ở mức thấp nhất kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước kéo dài. Các mâu thuẫn về công nghệ và an ninh mạng, thậm chí là dịch bệnh cũng đã đẩy quan hệ hai nước tiếp tục căng thẳng.
Trong trường hợp nhiều công ty và thực thể bị trừng phạt thì việc tiếp cận công nghệ Mỹ và hợp tác với các công ty Mỹ đóng vai trò rất quan trọng với Trung Quốc. Quá trình thông hành giấy phép xuất khẩu phần mềm và phần cứng sẽ trở nên khó khăn hơn. Sáng kiến mới nhất của Washington nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh căng thẳng trong thời điểm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu nhiều rủi ro vì đại dịch cũng như chiến tranh thương mại kéo dài.
Qihoo 360 hiện là một trong số các gã khổng lồ công nghệ lớn nhất và ra đời sớm nhất ở Trung Quốc, trong đó phát triển các phần mềm chống virus và trình duyệt web. Công ty này lần đầu tiên có mặt tại Mỹ là vào năm 2011 và được giữ bí mật vào năm 2015. Việc Mỹ trừng phạt đối với Qihoo 360 sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động lâu dài ở Mỹ. Hiện các quan chức đại diện của công ty chưa đưa ra bình luận về phản ứng này.
Trước đó, Washington cũng áp lệnh trừng phạt đối với Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia.
Hầu hết các công ty Trung Quốc chịu trừng phạt của Mỹ lần này đều nằm trong mảng trí tuệ nhân tạo và nhận diện, cũng là những lĩnh vực mà các công ty sản xuất chip của Mỹ như Nvidia và Intel hiện đang tập trung đầu tư rất mạnh.