• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dòng chảy thương mại Mỹ tại châu Á: Động lực chính là an ninh?

Thế giới 13/01/2022 21:15

(Tổ Quốc) - 2021 là năm chuyển tiếp đối với chính sách thương mại của Mỹ. Đại diện thương mại Robert Lighthizer dưới chính quyền Trump đã được thay thế bởi bà Katherine Tai, một luật sư thương mại cấp cao hiểu biết nhiều về Trung Quốc.

Trong khi việc bổ nhiệm bà Tai báo hiệu rằng Tổng thống Joe Biden đang nghiêng về cách tiếp cận đa phương, thì dưới sự lãnh đạo của bà, Mỹ vẫn duy trì nhiều chính sách 'cứng rắn với Trung Quốc' từ thời Trump.

Thế khó từ nội bộ chính quyền Mỹ

Giống như Trump, Biden đã phải vật lộn để tạo ra một cách tiếp cận hiệu quả trong quan hệ với Trung Quốc. Nhiều vụ kiện của WTO đã thúc đẩy Trung Quốc cải cách các khía cạnh riêng lẻ trong chế độ thương mại của mình, nhưng WTO không có hành động nào thuyết phục được Bắc Kinh thay đổi các vấn đề cơ bản, đó là buộc phải chuyển giao công nghệ và giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Cuộc chiến thương mại căng thẳng cũng không làm giảm bớt lo ngại của Mỹ về sự đi lên của quân đội và công nghệ Trung Quốc.

Bước ngoặt mới của ông Biden đối với vấn đề Trung Quốc là đặt sự kết nối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương lên ưu tiên hàng đầu. Sau khi nhậm chức, bà Tai đã gặp một số bộ trưởng thương mại các nước thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, các quan chức chính phủ và các bên liên quan trong ngành để tăng cường các mối quan hệ thương mại và kinh tế của Mỹ trong khu vực, cũng như đánh giá sự quan tâm của họ đến khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương được công bố gần đây. Tuy nhiên, sự tham gia có ý nghĩa của Mỹ trong khu vực đang phải đối mặt với một số thách thức, từ cả bên trong và bên ngoài chính quyền Mỹ.

Trong suốt năm 2021, ông Biden đã vấp phải sự phản đối của Quốc hội trong việc ban hành chương trình nghị sự trong nước và những thách thức quân sự từ việc rút khỏi Afghanistan. Do đó, việc đưa ra chính sách thương mại châu Á, theo truyền thống thuộc quyền của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), lần này đã được chia sẻ với Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại. Hậu quả của việc này là thay vì hướng tới một khuôn khổ chính sách duy nhất, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, và bà Tai, mỗi người ủng hộ các chiến lược khác nhau và có phần cạnh tranh về việc gắn kết với Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Dòng chảy thương mại Mỹ tại châu Á: Động lực chính là an ninh? - Ảnh 1.

Trung Quốc đang có vị thế lớn về giao thương tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: East Asia Forum.

Sự cạnh tranh giữa các chương trình nghị sự của Blinken, Raimondo và Tai có thể dẫn đến việc "nói nhiều, làm ít" và sau đó phải lên đến cấp tổng thống để giải quyết. Trong khi bà Tai dự kiến sẽ đồng dẫn dắt sự phát triển của khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương với ông Raimondo, sự khác biệt giữa họ về thương mại số có thể là vấn đề đầu tiên cần được hòa giải.

Trong khi Mỹ tiếp tục thống trị nền tài chính thế giới, thì Trung Quốc có thể sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ trong hoạt động thương mại với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tất cả các thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một số nước không phải thành viên (bao gồm Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan) đều giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ vào năm 2020. Điều này nhấn mạnh thách thức mà chính sách ngoại giao kinh tế của Mỹ ở châu Á phải đối mặt.

Khi kinh tế không đủ tạo động lực gắn kết

Sự kết nối thành công về mặt kinh tế của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương phần lớn đang dựa vào khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, với kênh hợp tác này, các nước tham gia không có lợi thế hơn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ. Do đó, có thể họ sẽ ưu tiên CPTPP hơn vì đã có hiệu lực thi hành và mang lại lợi ích rõ ràng cho các thành viên, cho dù không có Mỹ. Và khi Trung Quốc đang đề nghị muốn gia nhập CPTPP, các nước thành viên sẽ được hưởng từ việc hạ thấp các rào cản đối với thị trường rộng lớn của Trung Quốc.

Sau khi kí kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022), Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9 năm 2021, khẳng định mình là quốc gia ủng hộ tự do hóa thương mại ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Còn Mỹ đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng gia nhập CPTPP và ủng hộ khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương như một giải pháp thay thế.

Hiện tại, đối trọng mạnh nhất của Mỹ đối với Trung Quốc, và triển vọng tốt nhất cho khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, là nằm trong lĩnh vực an ninh.

Năm 2021, chính quyền Biden nhất quyết đưa các vấn đề xã hội vào các hiệp định thương mại. Bà Tai cam kết thực hiện chính sách thương mại 'lấy người lao động làm trung tâm', một chính sách thúc đẩy vai trò của tầng lớp trung lưu và nâng cao tiêu chuẩn lao động ở nước ngoài. Theo đó, các quan chức chính quyền Biden đã nói rằng biến đổi khí hậu, quyền của người lao động và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ là trọng tâm của khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Các yếu tố của chương trình nghị sự về kinh tế số đang hấp dẫn châu Á, nhưng liệu khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể phát triển mạnh mẽ như một diễn đàn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tiêu chuẩn lao động hay không thì vẫn còn là vấn đề đáng nghi ngờ. Nếu không có những nhượng bộ thương mại đáng kể của Mỹ, thì các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương có rất ít động lực để đưa ra các cam kết cứng rắn về khí hậu và lao động theo cơ chế này, dù nhiều nước vẫn có thể bị thu hút bởi sự an toàn của nó.

Có lẽ sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm 2022, ông Biden sẽ có cái nhìn mới mẻ về chương trình nghị sự thương mại khu vực còn đang gặp khó của mình. Hoặc ông có thể quyết định chuyển sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương sang lĩnh vực an ninh để thực sự đối trọng được với Trung Quốc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ