(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại phiêu lưu trước thềm bầu cử Mỹ sắp tới.
Tờ South China Morning Post đăng tải, giới phân tích Trung Quốc tỏ ra không tin tưởng vào khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau trước bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, theo họ, người đứng đầu nước Mỹ có thể sẽ theo đuổi những động thái chính trị mang nặng tính phiêu lưu ngay trước khi bỏ phiếu bắt đầu vào tháng 11.
Hôm chủ nhật (16/8), trang NBC News đưa tin, ông Trump đang lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Putin và cập nhật về hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc. Đây được coi là một nỗ lực của đương kim tổng thống Mỹ nhằm gia tăng tỷ lệ chiến thắng trong chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới.
Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Briend chia sẻ với NBC, ông Trump không yêu cầu gặp gỡ với ông Putin tại Mỹ; tuy nhiên hy vọng nhà lãnh đạo Nga sẽ ký kết một thỏa thuận trước khi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) 2010 sẽ hết hiệu lực vào năm sau.
Tuần trước, ông Trump đã "kịp thời" nhận lấy một phần công trạng sau khi Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tuyên bố đạt được một thỏa thuận mang tính cột mốc là thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường. Đổi lại, Israel hủy bỏ sáp nhập vùng lãnh thổ Bờ Tây bị chiếm đóng.
Theo một số nhà phân tích quan hệ đối ngoại Trung Quốc, những động thái của ông Trump trong chính sách ngoại giao có thể gây ra tình trạng phản tác dụng. Tuy nhiên, nếu hai bên (Nga và Mỹ) có được những tiến bộ trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân, điều đó vô hình chung sẽ làm gia tăng áp lực lên Bắc Kinh. Cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc từng nhiều lần từ chối tham gia quá trình đàm phán ba bên.
Giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân, đồng thời là một cố vấn cho chính phủ Trung Quốc là Shi Yinhong nhận định, một số lượng lớn cử tri Mỹ - đặc biệt là những người ủng hộ Đảng Dân chủ, không muốn tổng thống của họ quá thân cận với Nga.
"Gần như chắc chắn hai ông Trump và Putin sẽ không thể gặp nhau kịp trước tháng 11", ông Shi nói. "Và rất khó để dự đoán liệu hai nước có đi tới được một thành tựu lớn về kiểm soát vũ khí hay không; tuy nhiên cũng không thể loại trừ khả năng họ đạt được một chút ít tiến triển".
"Bằng việc chứng tỏ sức hút của bản thân trong vai trò một nhà lãnh đạo thế giới cũng như các năng lực đàm phán thỏa thuận, ông Trump đặt ra mục tiêu là ghi được những điểm ngoại giao; từ đó làm chệch hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi màn trình diễn nghèo nàn của chính quyền trong việc xử lý các vấn đề nội bộ như đại dịch virus corona mới", học giả cấp cao Chen Fengying từ Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, đánh giá.
Cũng theo bà Chen, Bắc Kinh không nhất thiết phải đứng ngoài lề các cuộc đàm phán giữa Moscow và Washington, đặc biệt trong bối cảnh căng thăng trong quan hệ hệ song phương đang không ngừng gia tăng, bao gồm những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, các lệnh trừng phạt sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014 cũng như thông tin rằng Nga trao thưởng cho các tay súng Afghanistan giết được binh lính Mỹ…
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, đặc phái viên đặc biệt của Mỹ về kiểm soát vũ khí, Marshall Billingslea và thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov có cuộc họp tại Vienna, Áo trong tuần này liên quan tới quá trình thảo luận hiệp ước START mới. Còn giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh là Zhu Feng nhận xét, nếu các cuộc đàm phán đạt được tiến triển, Mỹ chắc chắn sẽ gia tăng các nỗ lực để lôi kéo Trung Quốc tham gia.
"Mỹ và Nga sẽ không thể đạt được một hiệp định START mới chỉ trong một năm, bởi vì có quá nhiều các chi tiết kỹ thuật cần phải được giải quyết", ông Zhu nhấn mạnh. "Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ cảm thấy áp lực ngay cả khi Moscow và Washington chỉ đạt được một phần hiệp định bởi vì hai nước sẽ kỳ vọng Trung Quốc đi theo khung làm việc tương tự".
Trung Quốc liên tục từ chối tham dự các cuộc đàm phán ba bên với Nga và Mỹ. Lý do Bắc Kinh đưa ra là, sẽ không công bằng do kho vũ khí hạt nhân của họ quá nhỏ so với hai cường quốc còn lại.
Hiệp ước START mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague giữa Mỹ và Nga, chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2/2011 và dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2/2021 nhưng có thể được kéo dài tới năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
START mới thay thế cho các hiệp ước về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó (như Hiệp ước Moscow, START I và START II). Hiệp ước quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.