• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Đồng thuận" lớn nhất Mỹ-Trung về COVID-19: Tác dụng ngược tới giải quyết khủng hoảng?

Thế giới 18/03/2020 11:07

(Tổ Quốc) - Cả hai nước đều "thống nhất" với nhau ở một điểm, dịch bệnh bùng phát không phải là lỗi của mình.

Trong một cập nhật trên Twitter vào cuối ngày 16/3, Tổng thống Donald Trump cho hay, chính quyền Mỹ sẽ hỗ trợ cho những ngành công nghiệp "đặc biệt bị ảnh hưởng bởi virus Trung Quốc". Trước đó, một số nghị sỹ Đảng Cộng hòa cũng liên hệ dịch bệnh COVID-19 với Trung Quốc – nơi ca nhiễm virus đầu tiên được phát hiện. Bản thân ông Trump trong các bài phát biểu trước quốc gia từng gọi COVID-19 là loại "virus nước ngoài".

Một số chính phủ, đặc biệt là Bắc Kinh coi những động thái như trên là một nỗ lực để đổ lỗi cho Trung Quốc vì dịch bệnh bùng phát, đồng thời bỏ qua bất kỳ trách nhiệm nào mà giới chức Mỹ nên gánh chịu vì cách họ đối phó với virus.

Cũng trong ngày 16/3, số lượng ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã vượt qua con số ghi nhận tại quốc gia châu Á. Thực tế, châu Á đang phải đối mặt với lo ngại về khả năng dịch bệnh tái bùng phát do những ca bệnh "ngoại nhập" đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Nhiều nước châu Á đã áp dụng cách li hoàn toàn đối với bất kỳ người nào trở về từ nước ngoài.

CNN nhận định, với việc liên tục nhấn mạnh vào nguồn gốc Trung Quốc của COVID-19, Tổng thống Trump có thể đã rơi vào "bẫy" của Bắc Kinh. Chỉ vài tuần trước, chính quyền Trung Quốc còn phải đối mặt với sự giận dữ của người dân vì bị cáo buộc che giấu thông tin ban đầu và xử lý tình huống chậm trễ; tuy nhiên, ngay cả khi đó, Bắc Kinh vẫn không phải hứng chịu chỉ trích đáng kể nào từ bên ngoài, ngay cả từ những đối thủ như ông Trump hay các quan chức Cộng hòa Mỹ.

"Đồng thuận" lớn nhất Mỹ-Trung về COVID-19: Tác dụng ngược tới giải quyết khủng hoảng? - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang tại sân bay Hong Kong (ảnh: getty)

Hàng triệu người dân Trung Quốc đã chung vai vượt qua giây phút khó khăn nhất và thành công kiềm chế dịch bệnh cho tới thời điểm hiện tại. Những nỗ lực của họ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận trong khi một số nước khác lấy đó làm bài học kinh nghiệm.

"Thừa thắng xông lên", Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để phần nào đảo ngược các thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus.

Tuần trước, sau một thông tin của giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Mỹ (CDC) Robert Redfield rằng, một số ca tử vong vì cúm mùa tại Mỹ hóa ra lại bị nhiễm COVID-19, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lijian Zhao viết trên Twitter, "có thể chính quân đội Mỹ đã đưa dịch bệnh vào Vũ Hán". Ông Zhao cũng yêu cầu Mỹ phải: "Minh bạch! Công khai dữ liệu! Mỹ nợ Trung Quốc một lời giải thích". Người phát ngôn còn dẫn lại một tweet khác viết chỉ ra, công bố của ông Redfield phù hợp với "nhận định của các nhà khoa học Nhật Bản về việc virus bắt nguồn từ Mỹ nhưng đã bị che giấu".

Ông Zhao và các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối đưa ra bằng chứng cho những tuyên bố của mình, nhưng ngay cả như vậy thì mục đích của họ cũng đã đạt được. Tạo ra sự bất đồng và nghi ngờ xung quanh nguồn gốc của virus sẽ góp phần làm giảm những chỉ trích dành cho Trung Quốc về cách họ đối phó với dịch bệnh trong thời gian đầu – cũng giống như ông Trump đổ lỗi Trung Quốc sẽ hướng sự chú ý của mọi người ra khỏi việc phê phán những phản ứng chậm chạp của chính quyền Mỹ trước COVID-19.

Cùng lúc, người phát ngôn Trung Quốc còn đưa ra một lời khuyên được đánh giá là rất đúng đắn đối với mọi chính phủ trong thời điểm này khi đăng tải một câu thành ngữ của người Trung Quốc là: "Hãy tự vấn lương tâm mình khi gặp phải khó khăn".

Cái giá phải trả cho COVID-19 về cả nhân mạng và thiệt hại kinh tế là cực kỳ to lớn và gần như chắc chắn sẽ trở nên tệ hại hơn. Sẽ dễ dàng hơn nếu giới chức các nước đổ lỗi cho người khác – cho dù đó là Trung Quốc hay một quốc gia láng giềng hoặc thậm chí là cộng đồng nhập cư – thay vì tự mình gánh vác trách nhiệm.

Tuy nhiên, giống như Trung Quốc từng tìm cách trả lời mọi lời chỉ trích của người dân về cách đối phó dịch bệnh và liệu sự lây lan có thể được kiềm chế tốt hơn nếu chính quyền xử lý nhanh chóng ngay từ đầu, thì giờ đây Mỹ và các nước khác cũng nên đối mặt trực tiếp với những hệ quả từ mức độ phản ứng khác nhau trước dịch bệnh của mình.

"Đồng thuận" lớn nhất Mỹ-Trung về COVID-19: Tác dụng ngược tới giải quyết khủng hoảng? - Ảnh 2.

Trung Quốc đã vượt qua được đỉnh dịch và số ca nhiễm mới giảm mạnh mỗi ngày (ảnh: SCMP)

Tác động nguy hiểm

Tổng thống Trump từ lâu đã thể hiện một lập trường cứng rắn trước Trung Quốc trong vấn đề kinh tế. Những phản đối của ông về tình hình thương mại và sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc cũng như nỗ lực nhấn mạnh vào nguồn gốc COVID-19 có thể giúp làm giảm bớt phần nào những chỉ trích mà ông sẽ phải trải qua nếu kinh tế tuột dốc vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, trước khi điều trên thành hiện thực, thì một bộ phân người Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thực sự bởi vì thái độ của chính quyền Trump.

Những người Mỹ gốc Á, đặc biệt là người Mỹ gốc Trung trong thời gian gần đây đã phải hứng chịu làn sóng phân biệt đối xử và kỳ thị ngày càng gia tăng vì COVID-19. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều nước châu Âu.

Virus không có quốc tịch và bản thân WHO cũng đã tránh việc đặt tên có liên quan tới vùng hoặc quốc gia cho các chủng virus mới. Ban đầu, do virus chỉ tập trung ở Trung Quốc, việc gọi đó là "virus Trung Quốc" hoặc "virus Vũ Hán" còn có thể chấp nhận được; tuy nhiên giờ đây tâm dịch đã chuyển sang châu Âu, thậm chí còn đang đe dọa bùng phát tại Mỹ.

Nghị sỹ Ted Lieu, một người Mỹ gốc Đài Loan cảnh báo: "Người Mỹ gốc Á sẽ phải đối mặt với nhiều kỳ thị hơn" vì tuyên bố của Tổng thống Trump. "COVID-19 giờ dây là một virus Mỹ, virus Italy, virus Tây Ban Nha", ông Lieu nói. "Chúng ta đều bị ảnh hưởng và việc chúng ta cần phải làm hợp tác với nhau".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ