(Tổ Quốc) - Quyết định rút khỏi JCPOA của Tổng thống Donald Trump là một bước đi nữa trong việc dỡ bỏ cấu trúc mà Mỹ và Anh xây dựng sau khi thế chiến II kết thúc.
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA (Kế hoạch hành động toàn diện chung), theo sau các quyết định rời khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và TPP (hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương). Trong khi đó, NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) có thể vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng chỉ khi được thương lượng lại. Nhiều đòn giáng khác cũng đã được thực hiện nhằm vào các đồng minh châu Âu tại các thời điểm khác nhau.
Tiếp theo, các cuộc đàm phán sắp tới với Triều Tiên cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các đồng minh của Mỹ tại châu Á, khi đảm bảo được an ninh cho Mỹ còn lợi ích của Hàn Quốc và đặc biệt là của Nhật Bản có thể bị xem nhẹ.
Từ bỏ sức mạnh trong liên minh
Theo National Interest (NI), cho đến nay, Mỹ đã từ bỏ một cách nhanh chóng và không do dự vai trò lãnh đạo trong hệ thống liên minh toàn cầu. Các đồng minh lâu dài đang bị bỏ rơi và chưa biết phải làm gì trong một trật tự thế giới mới khi chiến lược “Ưu tiên nước Mỹ” đã biến thành “chỉ có nước Mỹ”.
Sự chuyển dịch chiến lược trên được cho là một tín hiệu hướng về sự cô lập, nơi các cam kết quốc tế được đánh giá bằng những gì có thể mang lại cho Mỹ. Không có minh chứng nào cho những điều trên rõ hơn việc những diễn biến về JCPOA đang ảnh hưởng sâu sắc đến liên minh Đại Tây Dương. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập năm 1949 để bảo vệ hệ thống phương Tây và được kết nối với nhau bằng các giá trị chung và sự chia sẻ đủ mạnh để vượt lên những khác biệt lợi ích về kinh tế và thương mại.
NATO đang ngày càng khó cân bằng lợi ích và lập trường của các nước thành viên. |
Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết đã loại bỏ đi tính cấp thiết của liên minh này và NATO đang trở nên yếu hơn. Điều này trở nên rõ ràng hơn vào năm 2003, khi hai đồng minh lớn tại châu Âu, Pháp và Đức, cho biết không tham gia vào hoạt động do Mỹ dẫn đầu chống lại Saddam Hussein của Iraq.
Và hiện tại, với việc ra khỏi JCPOA, Mỹ đã để các đồng minh châu Âu của mình ở lại với những lựa chọn khó khăn và phá hủy sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương hướng về mục tiêu chung.
Châu Âu trước hai ngã rẽ
Châu Âu đang đứng trước hai con đường: hoặc duy trì JCPOA hoặc theo sau quyết định của Mỹ - bất chấp điều này có thể đưa họ đến đâu. Khi châu Âu tiếp tục cam kết với JCPOA, Mỹ sẽ áp đặt một loạt các hạn chế kinh tế và thương mại đối với châu Âu và các công ty châu Âu liên quan đến Iran. Nếu châu Âu không tuân thủ những hạn chế này thì Mỹ sẽ thấy các đồng minh châu Âu của mình không còn ở cùng hệ tư tưởng nữa và có thể gạt họ sang một bên.
Cái giá kinh tế từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các doanh nghiệp châu Âu sẽ rất cao, trong khi hệ lụy chính trị sẽ diễn ra sâu hơn. Châu Âu sẽ cảm thấy họ bị lạnh nhạt.
Hoa Kỳ chỉ đơn giản là đưa ra các đề xuất và muốn các đồng minh luôn luôn làm như mong muốn của Mỹ, bất chấp có đe dọa lợi ích, quan điểm và chính sách của châu Âu hay không. Đây không phải là điều liên minh châu Âu muốn - thay vào đó họ sẽ mong đợi sự tham vấn bình thường và có xem xét đến lập trường của họ. Một nguy cơ từ việc Mỹ rút khỏi JCPOA là liên kết mạnh mẽ về các giá trị chung và sự chia sẻ sẽ bị vứt bỏ. Người châu Âu biết rằng NATO chưa bao giờ là một đối tác bình đẳng dù trước đó Mỹ đã đi một chặng đường dài để xây dựng điều này. Có lẽ những ngày này đã kết thúc.
Về lựa chọn thứ 2, các nước châu Âu có thể quyết định đi theo Hoa Kỳ và áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran. Điều này sẽ khiến các công ty châu Âu rơi vào tình trạng không tôn trọng thỏa thuận với Iran và sẽ từ bỏ nhiều cơ hội đầu tư trong hiện tại và tương lai. Châu Âu có thể quyết định rằng, cái giá chính trị và kinh tế để tách rời khỏi quan hệ đối tác với Hoa Kỳ là quá cao và quá nguy hiểm. Một bước đi như vậy sẽ báo hiệu sự đồng thuận của châu Âu như là một bên phụ thuộc vào hành động của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ. Chính người châu Âu, Mỹ, các quốc gia trên khắp Trung Đông và các cường quốc lớn như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ nhìn nhận điều này như vậy.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Châu Âu càng trầm trọng hơn vì họ đang là một sức mạnh cân bằng. Nếu châu Âu ngả về Hoa Kỳ, các bên ký kết JCPOA khác sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì liên kết kinh tế và thương mại với Iran khi Mỹ và châu Âu kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu và đang là trụ sở của các tổ chức tài chính toàn cầu nhất.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ đẩy Iran và nước Mỹ một lần nữa ra ngày càng xa. Còn nếu châu Âu vẫn tiếp tục duy trì JCPOA, sức mạnh kinh tế kết hợp của châu Âu, Trung Quốc và Nga có thể cản trở Mỹ. Nếu điều này thành công, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1945 Mỹ đã không thể áp đặt ý chí của mình trên phần còn lại của thế giới. Người ta tự hỏi liệu các nhà hoạch định chính sách ở Washington có nhận ra điều này hay không.
Trong cuộc chơi quyền lực toàn cầu, Iran và các đối tác khác của JCPOA hiểu điều này rất rõ. Họ sẽ tăng cường thúc đẩy châu Âu hướng đến việc ở lại JCPOA– điều sẽ gia tăng sự tức giận của nước Mỹ.
Ngoại giao truyền thống cho thấy, một số thỏa hiệp sẽ được tìm kiếm trong hậu trường. Nhưng ngoại giao truyền thống dường như không có chỗ đứng trong chương trình nghị sự của ông Trump. Ngay cả khi thành công dẫn tới một thỏa hiệp mới giữa Mỹ và châu Âu, thái độ của châu Âu đối với cuộc chiến Iraq năm 2003 và vấn đề Iran chỉ ra rằng, theo cách nào đó, một liên minh Đại Tây Dương đang suy sụp.