(Tổ Quốc) - Chi tiêu trung bình của mỗi khách du lịch ở Nhật Bản vẫn giảm mặc dù đồng yên suy yếu đáng kể trong bối cảnh hiện nay.
Chi tiêu trung bình của du khách giảm
Theo hãng Nikkei Asia, mặc dù chi tiêu của du khách quốc tế đến Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục nhưng dữ liệu thống kê lại cho thấy khách du lịch ngày càng có ý thức hơn về ngân sách và các doanh nghiệp có nguy cơ rơi trở vào "bẫy kinh doanh" với lợi nhuận thấp.
Mức chi tiêu của du khách là một trong những yếu tố tác động đến tăng trưởng của du lịch.
Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, chi tiêu của du khách nước ngoài từ tháng 1-3/2024 ở nước này đạt khoảng 1,75 nghìn tỷ yên (11,2 tỷ USD). Con số này đã tăng 73,3% trong năm nay và cao hơn 52% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước đại dịch Covid-19 xảy ra. Vì vậy, trong năm 2024, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài có khả năng sẽ phá vỡ kỷ lục so với mức 5,3 nghìn tỷ yên vào năm 2023.
Tuy nhiên, dữ liệu mới đây ghi nhận chi tiêu trung bình của mỗi du khách lại sụt giảm ngay cả khi đồng yên đang suy yếu. Cụ thể, du khách nước ngoài chi trung bình 234.524 yên vào năm 2022, 212.764 yên vào năm 2023.
Trước đại dịch Covid-19, chi tiêu trung bình mỗi du khách đạt đỉnh điểm là 176.167 yên vào năm 2015. Ghi nhận chi tiêu của du khách từ tháng 1- 3/2024 chỉ cao hơn khoảng 20% so với con số đó, mặc dù đồng yên đang mất giá đáng kể.
Từ đỉnh điểm năm 2015 đến năm 2019, trước khi bùng phát dịch bệnh Covid-19, chi tiêu trung bình của mỗi du khách không thay đổi hoặc giảm đi do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm ít quan tâm đến việc mua hàng, mức độ hài lòng thấp hơn do lượng khách du lịch quá đông và thiếu các lựa chọn trong các lĩnh vực như giải trí, du lịch thiên nhiên.
Sự chậm lại về mức chi tiêu gần đây của du khách cũng có thể được nhìn thấy trong dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội. Tăng trưởng thực tế theo quý được điều chỉnh theo mùa ở mức chi tiêu của du khách nước ngoài từ 2023 đến 2024 lần lượt là 60,5%, 22,9%, 2,1%, 31,1% và 11,6%.
Khi đồng yên suy yếu, Nhật Bản đang trở thành điểm đến cho khách du lịch tiết kiệm.
Du khách lựa chọn các dịch vụ giá rẻ hoặc miễn phí
Theo mức so sánh quý 1 trong năm 2023 với cùng kỳ năm 2019, chi tiêu chỗ ở đã tăng cả về số lượng và tỷ lệ phần trăm trên tổng chi tiêu. Chi tiêu cho ăn uống tăng về số lượng nhưng chiếm tỷ trọng tương đương trong tổng chi tiêu. Đáng chú ý, mua sắm đã giảm đáng kể về mặt tỷ lệ phần trăm.
Đặc biệt, chi tiêu cho giải trí và dịch vụ - vốn dĩ là điểm yếu của du lịch Nhật Bản so với châu Âu và Mỹ - ngày càng gia tăng về quy mô nhưng cũng chỉ chiếm chưa đến 10% tổng chi tiêu. Nói cách khác, khách du lịch đang chi một phần đáng kể ngân sách cho chỗ ở nhưng không nhiều cho các hoạt động mua sắm, giải trí và thư giãn.
Điều này phù hợp với các xu hướng cụ thể hơn nhìn thấy trong thực tế. Ở lĩnh vực bán lẻ, nhiều sản phẩm được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng là những mặt hàng tương đối rẻ như bánh mì và kẹo ở cửa hàng tiện lợi cũng như đồ ăn nhẹ được bán tại các cửa hàng giảm giá.
Khách du lịch cũng thường tìm đến những nơi có thể tận hưởng trải nghiệm miễn phí. Chẳng hạn như các khu mua sắm và đền thờ ở Kyoto; và cửa hàng tiện lợi gần Núi Phú Sĩ đã trở thành "thỏi nam châm" thu hút khách du lịch với hy vọng chụp được bức ảnh hoàn hảo.
Một số khách du lịch cũng lựa chọn phương tiện di chuyển tiết kiệm như đi tàu cao tốc Shinkansen và các giao thông công cộng khác hoặc sử dụng lại vé cáp treo trượt tuyết.
Vào mùa xuân năm 2023, chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra các mục tiêu phát triển du lịch nội địa. Nhật Bản đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đạt tổng mức chi tiêu 5 nghìn tỷ yên, cụ thể chi tiêu cho mỗi du khách là 200.000 yên và mở rộng số lượng khách đến các khu vực ít người qua lại.
Vào tháng 1/2024, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhắc lại các mục tiêu từng được tuyên bố lần đầu tiên vào năm 2016, khi xu hướng "mua bùng nổ" đạt đến đỉnh điểm.
"Để hỗ trợ sự phát triển các khu vực địa phương, chúng tôi đặt mục tiêu đón 60 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm Nhật Bản và kỳ vọng doanh thu du lịch có thể đạt 15 nghìn tỷ yên vào năm 2030", Thủ tướng Fumio Kishida nói.
Điều đó có nghĩa là mức chi tiêu trung bình 250.000 yên/du khách nước ngoài phải được đáp ứng. Mục tiêu này ngày càng trở nên xa vời ngay cả khi đồng yên ngày càng suy yếu trong năm nay.
Thống kê chi tiêu của khách du lịch không bao gồm số liệu từ hành khách trên tàu du lịch chỉ đạt 31.947 yên/người trong quý đầu tiên của năm 2024 - thấp hơn nhiều so với số liệu cả năm vào năm 2023 và 2019.
Bên cạnh đó, hành khách đi tàu du lịch thường không chi nhiều tiền tại các cảng ghé qua vì sử dụng theo gói du lịch tàu cung cấp thức ăn và chỗ ở./.