• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đột phá đối ngoại của chính quyền Trump: Hệ lụy quan hệ Mỹ-Nga

Thế giới 16/11/2016 10:22

(Tổ Quốc) - Cải thiện quan hệ Mỹ-Nga dưới thời Donald Trump sẽ có hệ lụy quan trọng đối với quan hệ quốc tế Á-Âu.  

Ngày 14/11 vừa rồi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có cuộc điện đàm, trong đó thảo luận về mối quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai. Trước đó, ông Putin cũng đã gửi điện chúc mừng ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11.

Ông Trump từng là một “fan” hâm mộ Tổng thống Nga Putin. Chí ít, ông đã sử dụng tính quyết đoán của Tổng thống Nga để chê trách các đối thủ chính trị của mình trong quá trình tranh cử.

Trong cuộc điện đàm, hai bên không chỉ thống nhất quan điểm trong đánh giá về thực trạng mối quan hệ Nga-Mỹ không được thuận lợi hiện nay mà còn bày tỏ mong muốn cùng làm việc tích cực để bình thường hóa quan hệ song phương và hợp tác trong hàng loạt vấn đề. Ông Putin và ông Trump nhấn mạnh tầm quan trọng phải xây dựng cơ sở tin cậy cho mối quan hệ song phương bằng cách phát triển hợp tác về kinh tế thương mại. Hai bên cùng chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải thống nhất các nỗ lực trong cuộc chiến chống kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, đồng thời thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Syria. 

Liệu Mỹ-Nga dưới thời Donald Trump có hợp tác để sớm giải quyết cuộc xung đột thảm khốc ở Syria?

Phát biểu với báo giới tại Moskva ngày 14/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga sẵn sàng làm việc khẩn trương để cải thiện quan hệ với chính quyền mới tại Nhà Trắng. Ông cho rằng với chính quyền sắp mãn nhiệm Barack Obama, hai nước khó có thể khôi phục đối thoại đầy đủ trong lĩnh vực hợp tác quân sự. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoai giao Ryabkov cho biết Moskva không biết nhiều về các kế hoạch chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump, đồng thời thừa nhận thực tế rằng luôn tồn tại khác biệt giữa những cam kết tranh cử với các chính sách mà người đắc cử sẽ thực hiện khi lên nắm quyền. 

Theo đánh giá của tạp chí có uy tín của Mỹ Chính sách Đối ngoại (FP), chính sách Nga của Mỹ đã thất bại. Trong khi bề ngoài phải hứng chịu sự cô lập ngoại giao và kinh tế do các biện pháp trừng phạt quốc tế mà Mỹ đứng đầu, Moskva đã thành công trong việc thách thức một loạt lợi ích của Mỹ, nhất là ở Ukraine, Syria và không gian mạng. Vì thế đưa ra một đường hướng mới về Nga nên là một ưu tiên hàng đầu đối với Tổng thống Donald Trump. Về thỏa thuận kiểm soát vũ hạt nhân cũng có bước thụt lùi.

Donald Trump sẽ phải thuyết phục Vladimir Putin hợp tác khi cần thiết về những việc như ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khi giới hạn không gian để Nga hành động ở những nơi mà lợi ích của nước này phần lớn trái ngược với của Mỹ, như ở Syria.



Chính sách mới của Mỹ cần gắn việc xây dựng một mạng lưới các tương tác, cả mang tính hợp tác lẫn cạnh tranh, đem lại sự cân bằng có lợi nhất cho các lợi ích quốc gia của Mỹ. Thay vì bắt đầu hành động để đánh bại hoặc biến đổi nước Nga, Mỹ nên có một đường hướng mới đối phó với một nước Nga của hiện tại.

Moskva vẫn có đủ sức mạnh để định hình môi trường an ninh ở châu Âu. Trong lĩnh vực này, nhiệm vụ cho Donald Trump trong việc định hình chính sách của Mỹ sẽ là bảo vệ các đồng minh châu Âu trước hành động của Nga trong ngắn hạn trong khi đặt nền móng cho một khuôn khổ an ninh châu Âu bền vững hơn, với sự tham gia của Nga, trong dài hạn.

Những hệ lụy quan trọng

Những thảo luận này sẽ đi đến đâu vẫn là một câu hỏi mở. Nhưng chính quyền tiếp theo sẽ có nhiều cơ hội hơn hẳn trong việc làm giảm căng thẳng và xây dựng một trật tự an ninh ổn định ở châu Âu bằng cách lắng nghe những lợi ích an ninh chính đáng của Nga trong khu vực.



Theo FP, Mỹ cũng cần làm việc với Nga ở châu Á, cùng với các nước lớn theo đuổi những liên minh linh hoạt trong quan hệ với Trung Quốc theo những cách không làm nguy hại đến lợi ích cốt lõi của Mỹ. Nga có thể là một trong những đối tác này nếu Mỹ có thể tránh buộc Kremlin phải rơi vào một thế phụ thuộc trên thực tế về thương mại và chiến lược vào Bắc Kinh. 

Một sự cải thiện quan hệ Mỹ-Nga dưới thời Donald Trump sẽ đêm lại một số hệ lụy quan trọng đối với quan hệ quốc tế trên lục địa Á-Âu:

Một là, các cuộc xung đột Ukraine và Syria có thể hướng tới giải pháp chính trị.

Hai là, cấm vận Nga sẽ được nới lỏng, tiến tới bãi bỏ; Nga sẽ có điều kiện tiếp cận thị trường tín dụng và kỹ thuật cao phương Tây.

Ba là, Nga sẽ có điều kiện cải thiện quan hệ với EU, NATO và hướng Tây với châu Âu, thay vì hướng Đông, với Trung Quốc.

Bốn là, nhờ cải thiện quan hệ với Mỹ và châu Âu, động lực của quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nga với Trung Quốc sẽ bị suy yếu so với lúc Nga bị cấm vận, tuy hai nước vẫn quan tâm duy trì. Nga có thể lại theo đuổi những dự án địa-chính trị/kinh tế của mình trên lục địa Á-Âu cũng như có một quan điểm chính trị, ngoại giao cân bằng hơn, chứ không phải “a dua” với Trung Quốc như trường hợp Tổng thống Nga phê phán phán quyết của Toà trọng tài PCA khi có mặt ở Trung Quốc dự Hội nghị G-20 Hằng Châu tháng 9 vừa rồi.

Quá trình cải thiện quan hệ Mỹ-Nga không dễ dàng. Nhưng Điện Kremlin đã chìa cành ô liu với chính quyền Trump. Mà ông Trump dường như cũng không bỏ qua cơ hội để thiết lập quan hệ minh hữu với “người hùng” của mình. Sẽ có nhiều kịch hay để xem./.

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ