(Tổ Quốc) - Trung Quốc đã bác bỏ khả năng tham gia đàm phán một thỏa thuận kiểm soát vũ khí ba bên cùng với Hoa Kỳ và Nga, theo Newsweek.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cảnh báo về "sự bất ổn và không chắc chắn ngày càng tăng trong lĩnh vực an ninh chiến lược quốc tế", đặc biệt đề cập tới cách một "quốc gia lớn nhất định rút khỏi một hiệp ước và cơ chế quốc tế sau khi xây dựng sức mạnh hạt nhân và tên lửa của riêng mình".
Nhận xét này được đưa ra khi Tổng thống Donald Trump cố gắng đưa Bắc Kinh tham gia vào các thỏa thuận không phổ biến vũ khí mới khi Washington từ bỏ các thỏa thuận trước đó với Moscow.
Lo ngại việc Mỹ rời đi trước
Ông Lu cho rằng những động thái như vậy "đã tác động đến sự ổn định toàn cầu, làm xói mòn niềm tin chiến lược lẫn nhau giữa các nước lớn và làm suy yếu cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế". Ông nói rằng "Trung Quốc và Nga đều tin rằng họ cần tăng cường lập kế hoạch hợp tác chiến lược, tuân thủ chủ nghĩa đa phương, kiểm tra chặt chẽ xu hướng tiêu cực và chống lại tác hại của chủ nghĩa đơn phương".
"Đối với các cuộc đàm phán ba bên về kiểm soát vũ khí, lập trường của Trung Quốc là rõ ràng," ông Lu nói thêm. "Tiền đề và cơ sở cho các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên hoàn toàn không tồn tại và Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia vào".
Các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015. (Nguồn: Quân đội Trung Quốc/Newsweek)
Nhà Trắng vào tháng 2 đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF), một thỏa thuận cấm Hoa Kỳ và Nga triển khai tên lửa trên đất liền với tầm bắn từ 310 - 3.420 dặm. Washington lập luận rằng tên lửa Novator 9M729 của Moscow đã vi phạm các hạn chế của thỏa thuận trên, trong khi đó, các quan chức Nga bác bỏ điều này và phản bác rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Lầu Năm Góc ở Đông Âu có thể được sử dụng tấn công, điều đó vi phạm hiệp ước.
Mặc dù Trung Quốc không phải là một bên tham gia thỏa thuận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang vào thời điểm đó gọi động thái của Hoa Kỳ là "đáng tiếc" và cảnh báo rằng điều này có thể "gây ra một loạt hậu quả bất lợi". Khi được hỏi liệu Trung Quốc có tham gia INF mới hay không, ông Geng cho biết một động thái như vậy "liên quan đến một loạt các vấn đề phức tạp bao gồm các lĩnh vực chính trị, quân sự và pháp lý, kéo theo mối quan ngại từ nhiều quốc gia" và "một điều bắt buộc tại thời điểm này là phải duy trì và thực hiện hiệp ước hiện tại thay vì tạo ra một hiệp ước mới".
Kể từ đó, chính quyền Trump đã đề nghị họ cũng có thể xem xét để Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) hết hiệu lực và thay vào đó, tìm kiếm một thỏa thuận ba chiều với Moscow và Bắc Kinh. New START là phần tiếp theo của hiệp ước START ban đầu được ký kết năm 1991 bởi Hoa Kỳ và Liên Xô và được mở rộng vào các hạn chế đối với kho vũ khí hạt nhân của cả hai nước.
Mỹ - Trung giữa leo thang thương mại
Theo Newsweek, hiện tại, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang rơi vào một cuộc chiến thương mại ngày càng sâu rộng, gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới và Bắc Kinh, nơi được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân ít hơn đáng kể so với Moscow và Washington, đã tỏ ra ít quan tâm đến việc đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí tiềm năng. Mặc dù ông Trump tuyên bố đã đối thoại với các quan chức Trung Quốc, những người "rất muốn trở thành một phần" của START ba bên, ông Geng nói với các phóng viên hồi đầu tháng này rằng Trung Quốc "sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào đối với thỏa thuận giải trừ hạt nhân ba bên".
Phía Trung Quốc cũng cho biết thêm rằng "Nga cũng tin rằng Hoa Kỳ nên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế của nước này, và họ hoàn toàn hiểu lập trường của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên".
Quan hệ giữa Mosow và Bắc Kinh đã phát triển gần hơn trong những năm gần đây và cả hai nước đều có quan hệ không quá suôn sẻ với Mỹ.
Trong một động thái ngày càng cho thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng trong những tuần gần đây, ông Trump đã đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà ông đã ký với Iran, cùng với Trung Quốc, EU, Pháp, Đức, Nga và Vương quốc Anh. Các bên ký kết khác đã tiếp tục ủng hộ thỏa thuận, nhưng cho đến nay, châu Âu đã phải vật lộn để thực hiện các nỗ lực nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt của Washington về việc làm suy yếu nền kinh tế của Tehran và trừng phạt những bên cố gắng giao dịch với nước này.