(Tổ Quốc) - Trung Quốc nhuần nhuyễn tận dụng “thú vui” của công dân nước mình để đạt được các mục tiêu chính trị quan trọng.
Đối với các quốc gia châu Á, khách du lịch đến từ Trung Quốc có thể là một nguồn thu giá trị đối với nền kinh tế địa phương, tuy nhiên, những rủi ro và hệ quả đi kèm luôn cần phải được cân nhắc. Là quốc gia với hơn 1 tỷ dân và nằm trong danh sách những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, khách du lịch đến từ Trung Quốc có thể dễ dàng chiếm tới 50% tổng số du khách quốc tế hàng năm tại một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch và văn hóa có thể trở thành những công cụ ngoại giao sắc bén, các nước châu Á đều tỏ ra cẩn trọng, tránh việc ngành công nghiệp du lịch quốc gia bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường du khách Trung Quốc.
Theo tạp chí Jing, tại thời điểm hiện tại, một số nước láng giềng Đông Á của Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực nhằm đa dạng hóa công nghiệp du lịch của mình. “Chính sách mới hướng nam” của hòn đảo Đài Loan bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có cả du lịch – đã tỏ ra bước đầu thành công khi lượng khách quốc tế tăng kỷ lục trong năm 2016, mặc dù tỷ lệ khách du lịch đến từ Đại lục giảm sút. Hàn Quốc – một địa điểm du lịch ưa thích khác của khách Trung Quốc – cũng đã bắt đầu thực thi một chính sách du lịch hướng tới sự đa dạng hơn. Thậm chí ngay cả Hong Kong cũng đang từng bước tăng cường quảng bá du lịch tại các quốc gia khác, bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc.
Du khách Trung Quốc trên quảng trường Tôn Dật Tiên, nhìn ra tòa tháp 101 tại Đài Bắc |
Về phía Trung Quốc, thị trường du lịch ra nước ngoài luôn đóng một vai trò kinh tế - chính trị quan trọng. Trong sáng kiến “Nhất đới nhất lộ” của mình, phát triển du lịch luôn được Bắc Kinh nhấn mạnh là một trong những lợi ích cho tất cả các quốc gia liên quan. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chưa bao giờ ngần ngại sử dụng các biện pháp như, cảnh báo du lịch, bình luận tiêu cực từ truyền thông, khuyến cáo cho công ty tổ chức tour…, để kiểm soát luồng công dân nước mình đến quốc gia khác du lịch – nhằm phục vụ cho các mục đích đối ngoại của Bắc Kinh.
Cùng điểm qua một số ví dụ điển hình về việc Trung Quốc đã sử dụng du lịch như một công cụ đối ngoại “nhuần nhuyễn” như thế nào:
Đài Loan
Bắc Kinh được cho là đã tiến hành giới hạn số khách du lịch Trung Quốc đến Đài Loan. Mặc dù không công khai, nhưng số lượng các tour du lịch từ Đại lục đến hòn đảo này đã giảm sút rõ rệt. Bắc Kinh đưa ra khuyến cáo khách du lịch nước mình tránh xa Đài Loan trong thời gian “tình hình chính trị không ổn định”. Tuy nhiên, tổ chức Dịch vụ du lịch quốc tế - một cơ quan thuộc nhà nước đã nhanh chóng giới thiệu tour Đài Loan được Chính phủ “bật đèn xanh”, bao gồm những địa phương có lập trường chính trị “thân thiện” và “phù hợp” hơn với chính sách Một Trung Quốc của Bắc Kinh.
Hàn Quốc
Hàn Quốc có lẽ là một trong những nơi mà Trung Quốc luôn muốn thể hiện “sức mạnh” trong vai trò một nhà nhập khẩu văn hóa và du lịch địa phương lớn nhất. Quyết định triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa THAAD của Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc “bất mãn”. Không công khai bất kỳ hình thức trả đũa nào trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, tuy nhiên, những động thái của Trung Quốc đối với Hàn Quốc đã nói lên tất cả. K-pop gần như bị cấm, và truyền thông trong nước liên tục nhận định rằng THAAD sẽ khiến người dân Trung Quốc tránh du lịch đến Hàn Quốc. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi, một số báo cáo gần đây của Hàn Quốc thậm chí còn gợi ý Chính phủ đem vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
K-pop bị hạn chế tại Trung Quốc |
Nhật Bản
Mặc dù năm qua Nhật Bản không phải là một mục tiêu quan trọng cho du lịch Trung Quốc, tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã có một số tác động lên vai trò ngày càng tăng của du khách Trung Quốc đối với kinh tế Nhật Bản, nhằm “trả đũa” một số công ty và địa phương tại Nhật Bản bị cho là đối xử không công bằng với người Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là việc truyền thông Trung Quốc từng “tổng tấn công” tập đoàn khách sạn APA của Nhật Bản, liên quan đến vụ sách lịch sử đặt trong các phòng khách sạn. Các công ty du lịch Trung Quốc được Tổng cục Du lịch nước này yêu cầu gạch tên các khách sạn thuộc hệ thống APA khi xây dựng tour. Ngoài ra, báo chí Trung Quốc cũng lên án việc một số địa điểm du lịch Nhật Bản đã cố gắng “dạy dỗ khách du lịch Trung Quốc cách cư xử” – được coi là một hành động xỉ nhục đối với nhiều người dân nước này.
Hệ thống khách sạn APA của Nhật Bản bị truyền thông Trung Quốc "đánh" tơi tả |
Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua những mâu thuẫn về quần đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản - từng dẫn đến các cuộc biểu tình chống Nhật và tẩy chay hàng hóa Nhật tại Trung Quốc trong quá khứ. Sau một thời gian khá “im ắng”, Senkaku lại trở thành tiêu điểm khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cam kết sẽ bao gồm cả vấn đề này trong một hiệp ước phòng thủ giữa Mỹ và Nhật Bản. Liệu điều này có đe dọa đến làn sóng khách Trung Quốc đang bùng nổ tại Nhật Bản? Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Malaysia
Mối quan hệ đang ngày được thắt chặt giữa Malaysia và Trung Quốc trong thời gian gần đây, đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng khách Trung Quốc đến quốc gia Đông Nam Á. Đây được đánh giá là một sự an ủi lớn cho nền kinh tế - chính trị Malaysia, đặc biệt sau vụ scandal tài chính 1MDB và những sức ép từ phía Trung Quốc lên chính phủ Malaysia về thảm họa máy bay MH370 đã khiến 153 người Trung Quốc mất tích.
Philippines
Mặc dù sở hữu những bãi biển đẹp như trong mơ, cơ hội mua sắm chi phí vừa phải và có khoảng cách địa lý không quá xa so với Trung Quốc, nhưng trong quá khứ, Philippines chưa bao giờ là một lựa chọn hàng đầu cho du khách Trung Quốc. Mọi việc đang dần thay đổi kể từ khi ông Duterte trở thành Tổng thống, và thực hiện một loạt những nỗ lực nhằm kéo xích hơn nữa khoảng cách chính trị giữa hai quốc gia.
Quan hệ Trung Quốc - Philippines được củng cố có lợi cho ngành du lịch cả hai quốc gia |
Năm 2016, lượng khách Trung Quốc đến Philippines đạt mức tăng kỷ lục. Theo cơ quan Kinh tế và Phát triển quốc gia Philippines, mỗi ngày có đến 1.400 đơn xin visa Philippines từ khách Trung Quốc, tăng hơn 3 lần so với thời kỳ hai nước còn chưa hâm nóng mối quan hệ.
(Theo Jing)