• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch bãi biển mùa cao điểm ở Anh "chững lại" vì ô nhiễm

Thế giới 29/08/2022 19:45

(Tổ Quốc) - Nhiều bãi biển của Anh bất ngờ thông báo dừng đón khách trong dịp lễ tháng 8 vì ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo CNN, biển Longrock nằm ở phía tây nam nước Anh, là một phần trên bờ biển Penzance (Anh) và được mệnh danh là nơi gặp gỡ giữa bầu trời và đại dương, gắn liền với các di tích từ thời tiền sử.

Du lịch bãi biển mùa cao điểm ở Anh "chững lại" vì ô nhiễm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Ngành du lịch nước Anh cho biết biển Longrock rất bình dị, an toàn và thân thiện cho mọi gia đình bởi vùng nước nông và người dân địa phương xung quanh Penzance cực kỳ ưa thích bãi biển này. Tuy nhiên, đến tuần trước, du khách đã ít đến đây hơn. Longrock là một trong 100 bãi biển xung quanh nước Anh đang trở nên ô nhiễm nghiêm trọng bởi lượng nước thải thô xả ra biển quá nhiều trong mùa hè du lịch cao điểm.

Chỉ riêng ở Cornwall, 14 trong số 80 bãi tắm đã bị cấm do nước thải xả ra gây ô nhiễm các vùng biển. Và biển Longrock, nằm ở phía tây Cornwall đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng tuần này với báo động ô nhiễm ở mức cao nhất vào ngày 26/8, đúng dịp kỳ nghỉ lễ tháng 8. Trước đây, thông thường người dân sẽ đổ xô đến biển tranh thủ nghỉ ngơi vào thời điểm này của năm. Nhưng năm nay, mọi chuyện đã khác.

Bên cạnh đó, biển ở Brighton và Hove cũng là điểm đến nổi tiếng nhất của người dân London hiện vừa thông báo đóng cửa vào cuối tuần cao điểm tháng 8. Theo tổ chức từ thiện Surfers Against Sewage, bờ biển phía nam nước Anh đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giám đốc điều hành Hugo Tagholm cho biết bãi biển ở Brighton và Hove dường như bị ảnh hưởng liên tục vì ô nhiễm.

Nghiên cứu mới đây của Surfers Against Sewage (SAS) - một tổ chức từ thiện bảo tồn Biển cho biết lượng nước thải chảy qua 171 bờ biển của Anh, trong đó Longrock luôn xếp vị trí đầu tiên của xếp hạng kể từ tháng Năm. Từ lâu, theo CNN, lượng nước thải xả ra các bãi biển không phải là sự cố mới. Vào năm 2018, đảo Boracay ở Philippines đã đóng cửa mất 6 tháng cũng vì sự cố này. Và năm nay, vụ tràn nước thải cũng đã khiến các bãi cát của Long Beach, California phải đóng cửa.

Ở Anh, vấn đề này đang trở nên quá phổ biến. Ông Rachel Wyatt, Giám đốc chính sách thuộc Hiệp hội Bảo tồn Biển của Vương quốc Anh cho biết. "Chúng tôi có hệ thống thoát nước khá cũ kỹ từ thời Victoria và nước thải từ các gia đình cũng như cơ sở kinh doanh thường chỉ được vận chuyển trong một đường ống. Khi khối lượng các đường ống trở nên quá nhiều, thay vì xử lý nước thải từ hộ gia đình và đường phố thì lại bơm ra sông và biển.

Mặt khác, Anh đã rơi vào đợt hạn hán nghiêm trọng trong mùa hè năm nay, cho đến tuần trước lại ghi nhận những trận mưa xối xả. Và kết quả? Những bãi biển đẹp như tranh vẽ, giờ đây trở nên ô nhiễm nghiêm trọng vì nước xả lũ – hiện tượng mà Giáo sư Chris Whitty, Giám đốc Y tế của Vương quốc Anh gọi là "vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng gia tăng" trong một bài báo chung vào tháng Sáu.

Trong bài báo, Giáo sư Whitty và các cộng sự đã nhấn mạnh, việc xả nước thải nên hạn chế. Thay vào đó, Anh lại đang chứng kiến việc này ngày càng gia tăng. Trong một báo cáo vào năm 2021, thống kê cho thấy chỉ 14% các con sông ở Vương quốc Anh đủ tiêu chuẩn sinh thái tốt.

Các tác động của môi trường

Theo CNN, số liệu do Cơ quan Môi trường Anh công bố trong tháng Ba ghi nhận các công ty cấp nước đã xả nước thải chưa qua xử lý liên tục vào các tuyến đường thủy của Anh trong năm 2021. Cornwall và Devon, hai trong số những bãi biển được ưa chuộng ở Anh hiện cũng luôn rơi vào tình trạng này. Cơ quan môi trường phân tích 24% lượng nước thải trên khắp nước Anh không được kiểm soát trong năm ngoái.

Trong tháng Bảy, cơ quan môi trường của Anh cho rằng tình trạng gây ô nhiễm từ các công ty nước đang gây sốc, tồi tệ hơn nhiều so với những năm trước và đơn giản là không thể chấp nhận được. Đối phó với tình trạng này, báo cáo cũng nêu rõ ra các xu hướng bền vững phải cải thiện hoặc tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện xả nước thải đã qua xử lý. Chủ tịch Cơ quan Môi trường Vương quốc Anh Emma Howard Boyd thậm chí còn lên tiếng phải đưa ra hình phạt cao nhất có thể nếu vẫn tiếp tục vi phạm những điều này.

Người phát ngôn của Công ty cấp nước South West Water cam kết sẽ giám sát các cơn bão tràn qua vào cuối năm nay và công ty sẽ đầu tư 330 triệu bảng Anh (387 triệu USD) vào 3 năm tới để kiểm soát lượng nước thải.

Cơ quan Môi trường Anh ban hành mức phạt hơn 138 triệu bảng Anh đối với các công ty cấp nước kể từ năm 2015 nếu vi phạm. Cơ quan này cũng khuyến cáo rằng tất cả các vụ xả nước thải sẽ được theo dõi và công bố dữ liệu công khai. Trong khi đó Chủ tịch Howard Boyd cũng tuyên bố thực hiện cuộc điều tra lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến tội phạm môi trường, trong đó khẩn trương xem xét việc các công ty nước có cố tình vi phạm pháp luật liên quan đến việc xử lý và xả nước thải hay không.

Vương quốc Anh cũng thông báo Đạo luật Môi trường vào tháng 11 năm ngoái, trong đó yêu cầu các công ty nước phải thực hiện "tất cả các bước hợp lý" để tránh xả lũ nước thải. Bởi những phẫn nộ ngày càng gia tăng của công chúng, các công ty cấp nước bắt đầu thay đổi quan điểm.

"Sự cố thoát nước tràn do bão ban đầu được thiết kế để bảo vệ nhà cửa và cơ sở kinh doanh khỏi rơi vào tình trạng ngập lụt do mưa lớn, nhưng chúng tôi nhận ra rằng đây không còn là giải pháp phù hợp khi hệ thống cống trở nên quá tải so với lượng nước mưa. Công ty đang "tái đầu tư hơn với 200 triệu bảng Anh để giảm bớt sự cố tràn nước do bão" và "hứa hẹn rằng việc tràn nước do bão sẽ không phải là lý do khiến các dòng sông hoặc biển bị ô nhiễm đến năm 2030", Người phát ngôn của công ty thoát nước Anglian Water cho biết.

Công ty thoát nước Southern Water cũng khẳng định đang đầu tư thêm 2 tỷ bảng Anh từ năm 2020 đến năm 2025 để cải thiện tình trạng nước thải và hiệu suất môi trường đồng thời có kế hoạch "giảm đáng kể lượng nước thải xả ra biển tới năm 2030".

Chuyên gia Rachel Wyatt từ Hiệp hội Bảo tồn Biển cho rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu cũng đóng một vai trò quan trọng và có thể khiến tình hình chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn.

"Chúng tôi đang thấy thời tiết khắc nghiệt hơn - hạn hán kéo dài, sau đó là mưa dữ dội [trong tháng này].

Cơ quan Môi trường Anh đã làm việc với các công ty cấp nước để lắp đặt hệ thống giám sát về diễn biến nước lũ trong các cơn bão ở Anh từ cuối năm 2020. Tất cả các vụ ngập nước do lũ sẽ được theo dõi và giám sát kỹ càng về tình trạng thoát nước để xử lý nước thải cũng như ngăn chặn tình trạng xả nước bẩn ra biển./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ