(Tổ Quốc) - Góp ý vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều ĐBQH đánh giá cao Tiểu ban Văn kiện đã nghiêm túc, công phu nghiên cứu chuẩn bị dự thảo các văn kiện.
- 10.11.2020 Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII: Đảng đã nhìn thấy rõ những mặt còn thiếu, còn yếu
- 28.10.2020 ĐBQH góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Phải thiết thực, tránh đi vào lý thuyết
- 27.10.2020 Lấy ý kiến nhân dân dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Làm sao để tránh hình thức?
Đồng tình về 3 đột phá chiến lược
Góp ý tại Đoàn Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần phân tích sâu sắc hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, căn cứ, cơ sở phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và giải pháp thực hiện đồng thời xác định tính trọng tâm, trọng điểm trong các đột phá chiến lược.
Đồng thời, cụ thể hóa hơn các nội hàm về đổi mới thể chế trong từng lĩnh vực và rà soát lại tính bao quát, tính khả thi của một số chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng để bảo đảm tính nhất quán trong các báo cáo.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng khi Đảng đã lấy ý kiến dự thảo rất rộng rãi, đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để người dân quan tâm, đóng góp cho Đảng, cho sự phát triển của đất nước.
Bày tỏ sự đồng tình về 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng được nêu trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biển đảo với cách làm kiên quyết, kiên trì, mềm dẻo và khôn khéo.
Đồng thời, vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, cần đưa ra quan điểm ưu tiên để tạo ra những đột biến trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Nhấn mạnh hơn tới vấn đề bảo vệ cán bộ có tư tưởng, cách làm đổi mới
Dẫn thực tế có rất nhiều cán bộ chỉ xác định làm việc “tròn vai” vì sợ sai, đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội) cho rằng, các dự thảo Văn kiện cần phải nhấn mạnh hơn tới vấn đề bảo vệ cán bộ có tư tưởng, cách làm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đề cập đến dự thảo Báo cáo chính trị, đại biểu Đào Tú Hoa và đại biểu – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề quan hệ mật thiết giữa bảo vệ môi trường với phát triển bền vững đất nước.
Lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Đào Tú Hoa đề nghị bổ sung nội dung bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm trong quan điểm chỉ đạo của Đảng trong giai đoạn mới./.