• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đua tranh quyết liệt trước thềm tìm ra nhà lãnh đạo mới của nước Anh

Thế giới 21/07/2022 15:55

(Tổ Quốc) - Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ Quốc hội, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss sẽ cạnh tranh trực tiếp cho vị trí Chủ tịch đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh – giai đoạn cuối cùng để tìm ra người thay thế ông Boris Johnson.

Đã có 11 ứng viên tham gia cuộc đua này nhưng trong cuộc bỏ phiếu lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng của các nhà lập pháp đảng Bảo thủ hôm thứ Tư, ông Sunak giành được 137 phiếu bầu, so với 113 phiếu của bà Truss và 105 phiếu của bà Mordaunt.

Tiếp theo, ông Sunak, từng là chủ ngân hàng Goldman Sachs, người đã nâng thuế lên mức cao nhất kể từ những năm 1950, sẽ đối đầu trực diện với bà Truss, người từ ủng hộ Anh ở lại châu Âu đã chuyển sang phía Brexit và thực hiện cam kết cắt giảm thuế và các quy định.

Ông Sunak đã dẫn đầu trong tất cả các vòng bỏ phiếu vừa qua, tuy nhiên, bà Truss dường như cũng có lợi thế khi nhận được sự ủng hộ của 200.000 thành viên đảng cầm quyền – nhóm sẽ lựa chọn ra người chiến thắng cuối cùng. Và các cuộc thăm dò cũng cho thấy bà Truss có thể sẽ đánh bại ông Sunak trong cuộc bỏ phiếu lần tới.

Đua tranh quyết liệt trước thềm tìm ra nhà lãnh đạo mới của nước Anh - Ảnh 1.

Bà Truss và ông Sunak đều đang có cơ hội trở thành Thủ tướng Anh. Nguồn: Reuters.

Bà Truss đã gửi lời cảm ơn tới một số nhà lập pháp bên ngoài Quốc hội ngay sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, đồng thời cho biết thêm: "Khi ở trên cương vị thủ tướng, tôi sẽ bắt đầu nỗ lực ngay từ ngày đầu tiên, đoàn kết đảng và điều hành phù hợp với các giá trị của Đảng Bảo thủ".

Còn ông Sunak cho biết trên Twitter: "Biết ơn vì các đồng nghiệp của tôi đã đặt niềm tin vào tôi ngày hôm nay. Tôi sẽ làm việc ngày đêm để truyền tải thông điệp của chúng tôi trên khắp đất nước."

Bà Mordaunt, người chỉ kém bà Truss tám phiếu, đã kêu gọi đảng đoàn kết lại sau quá trình bỏ phiếu quyết liệt của 11 ứng viên thời gian qua. "Chính trị không hề dễ dàng. Chính trị có thể gây chia rẽ và khó khăn. Tất cả chúng ta bây giờ phải làm việc cùng nhau để đoàn kết đảng và tập trung vào những công việc cần phải hoàn thành", bà Mordaunt cho biết.

Khó dự đoán kết quả

Hai ứng viên cuối cùng sẽ tiếp tục có nhiều tuần vận động tranh cử trước vòng bỏ phiếu cuối cùng. Chris Hopkins, giám đốc nghiên cứu chính trị tại công ty bầu cử Savanta ComRes, cho biết: "Đây là một trong những cuộc tranh cử khó dự đoán nhất về người sẽ trở thành nhà lãnh đạo Đảng Bảo thủ tiếp theo trong lịch sử gần đây. Tình hình hiện tại rất khác so với các cuộc bầu cử gần đây, khi bạn đã có một ứng viên được ưa thích rõ ràng".

Cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai ứng cử viên cũng đặt ra câu hỏi về việc khi trở thành lãnh đạo thì họ sẽ có thể cầm quyền tốt như thế nào. Trong khi đó, dù có nhiều bê bối nhưng ông Johnson vẫn đang có sức ảnh hưởng với nhiều người trong đảng và người dân. Đồng thời, đảng Bảo thủ cũng đang cho thấy sự chia rẽ ngày càng rõ rệt giữa các phe phái khác nhau.

Ông Johnson đã buộc phải từ chức sau khi mất đi sự ủng hộ của các nhà lập pháp vì bê bối nhiều tháng qua, bao gồm cả việc vi phạm các quy tắc ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Ông Sunak, người đã giúp chèo lái nền kinh tế Anh vượt qua đại dịch Covid-19, cũng có thể sẽ bị một số thành viên trong đảng chỉ trích khi nhiều người đổ lỗi cho ông Sunak về quá trình rời bỏ cương vị của ông Johnson. Việc ông Sunak từ chức Bộ trưởng tài chính Anh đã góp phần mở màn cho quá trình từ chức hàng loạt của nhiều thành viên trong nội các của ông Johnson và gia tăng sức ép lên nhà lãnh đạo này.

Cựu Bộ trưởng tài chính này cũng phải đối mặt với một số lời chỉ trích về chưa có nhiều phản ứng hiệu quả đối phó với tình hình kinh tế khó khăn của Anh, cũng như một số cáo buộc xung quanh người vợ giàu có của ông.

Trong khi đó, bà Truss có thể sẽ cần nỗ lực hơn để vận động chống lại ông Sunak, người thoải mái hơn khi xuất hiện trước công chúng. Hôm Chủ nhật, bà thừa nhận mình có thể không phải là "người thuyết trình khéo léo nhất" nhưng "khi tôi nói tôi sẽ làm điều gì thì tôi sẽ làm".

Cho đến nay, cuộc đua đang tập trung vào các vấn đề cắt giảm thuế cùng với chi tiêu quốc phòng, chính sách năng lượng, Brexit và các vấn đề xã hội như quyền của người chuyển giới.

Trong khi cả hai ứng cử viên đều từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong chính phủ của ông Johnson, niềm tin vào họ cũng có thể bị ảnh hưởng sau khi chính phủ của ông Johnson thời gian qua không cho thấy hiệu quả.

Nhưng dù ai chiến thắng khi kết quả được công bố vào ngày 5/9 thì họ cũng sẽ phải tiếp quản một nước Anh đang ở trong tình trạng khó khăn nhất sau nhiều thập kỷ. Lạm phát đang trên đà đạt 11% hàng năm, tăng trưởng đang bị đình trệ, hoạt động công nghiệp đang gặp khó khăn và đồng bảng Anh liên tục mất giá. Thêm vào đó, nước Anh dưới thời ông Johnson cũng có quan điểm cứng rắn với Brussels về các cuộc đàm phán hậu Brexit xung quanh vấn đề Bắc Ireland. Bất đồng này chưa được giải quyết và có thể đe dọa tới mối quan hệ thương mại trong tương lai.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ