(Tổ Quốc) - Berlin hướng đến tái lập các liên kết thương mại với Bắc Kinh trong bối cảnh khủng hoảng virus corona.
Ngay sau khi Đức vào tháng trước nhất trí giải cứu Lufthansa bằng gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 9 tỷ euro, hãng hàng không này tuyên bố sẽ tiếp tục phục vụ trên tuyến đường đã không hoạt động trong nhiều tháng: Frankfurt - Thượng Hải.
Dù là sự ngẫu nhiên hay có chủ ý, động thái này là một tín hiệu cho thấy ưu tiên hàng đầu của Berlin trong việc hàn gắn các liên kết thương mại giữa hai nước giữa tình cảnh đại dịch khó khăn.
Tầm quan trọng của Trung Quốc giữa khủng hoảng
Khi Đức xem xét lại sự phụ thuộc lâu nay vào Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên gia tăng về an ninh và thương mại, không có nghi ngờ gì giữa khi giới lãnh đạo Berlin nhận thấy sự cần thiết phải tái hợp tác với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức.
Trong khi Trung Quốc đã bị chỉ trích trên khắp các nước phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ và Vương quốc Anh, với cáo buộc không minh bạch hơn về nguồn gốc của virus corona và gần đây hơn là việc đưa ra luật an ninh quốc gia Hongkong, thì chính quyền Đức thận trọng hơn trong phản ứng của họ.
Khi được hỏi trong một cuộc họp báo tuần trước, liệu có ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc mà Mỹ đang xem xét hay không, Merkel đã trả lời khéo léo câu hỏi.
Các mối quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng, bà Merkel nhấn mạnh và nói thêm vào đó, mối quan hệ này có tầm quan trọng chiến lược.
Trên thực tế, khó có thể bỏ qua tầm quan trọng của Trung Quốc như là một thị trường xuất khẩu hàng hóa của Đức, đặc biệt là ô tô và máy móc. Kể từ khi bà Merkel tiếp quản chức Thủ tướng năm 2005, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã tăng gấp năm lần, đạt gần 100 tỷ euro vào năm ngoái. Trong khi một số nhà kinh tế cho rằng nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa vốn của Đức đang suy yếu khi nền kinh tế nước này già đi thì quốc gia này vẫn là trụ cột trong chiến lược kinh tế của Berlin và là động lực chính cho tăng trưởng.
Khi nhu cầu hàng hóa từ Hoa Kỳ sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và 2009, Đức đã dựa vào Trung Quốc, nơi phần lớn không bị ảnh hưởng, để thúc đẩy sự phục hồi của chính họ và điều đó tiếp tục được duy trì cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Chắc chắn là bà Merkel có nghĩ tới điều đó khi tìm cách bảo vệ nền kinh tế Đức trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi Ủy ban châu Âu dự đoán GDP nước này sẽ sụt giảm 6,3% trong năm nay.
Trong khi Trung Quốc cũng đang đối phó với sự suy sụp về kinh tế, các nhà xuất khẩu Đức đang nhìn thấy những dấu hiệu hy vọng ban đầu. Vào tháng 6, chẳng hạn, doanh số bán xe hơi ở Trung Quốc đã tăng 11%, mức tăng hàng tháng thứ ba liên tiếp sau nhiều tháng sụt giảm.
Khi Hoa Kỳ, vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức, đang tiếp tục nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của virus corona, Trung Quốc đang dần trở lại kinh doanh như thường lệ.
Trên thực tế, cách tiếp cận hiện tại của bà Merkel với Trung Quốc phù hợp với tầm nhìn về vấn đề này trong 15 năm qua: bày tỏ mối quan ngại về quyền con người và cam kết tiếp tục đối thoại cùng với làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại, điều đặc biệt đúng đối với sự phát triển của các công ty lớn nhất Đức, từ Volkswagen và Mercedes đến công ty kỹ thuật khổng lồ Siemens.
Ảnh hưởng của Đức tại EU
Các ưu tiên của Berlin với Trung Quốc cũng có tác động sâu sắc đến cách tiếp cận của EU. Ngay cả khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chỉ trích Trung Quốc thì bà vẫn cẩn trọng không đi quá xa lập trường của Berlin.
Không thể định hình thế giới ngày mai nếu không có mối quan hệ mạnh mẽ giữa EU và Trung Quốc, bà phát biểu tháng trước.
Đức chiếm khoảng một phần ba thương mại của Trung Quốc với EU, nhưng Trung Quốc cũng đã mở rộng quan hệ với các nền kinh tế khác, từ Pháp đến Italy. Các thông tin chỉ trích Trung Quốc gần đây về Hong Kong hay virus corona khó có thể ngăn Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy quan hệ với EU.
Mục tiêu thực tiễn của Trung Quốc hiện nay dường như là đảm bảo rằng có đủ người ở các vị trí quan trọng ở Brussels và tại thủ đô các quốc gia, những người muốn thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, Michito Tsuruoka, một giáo sư tại Đại học Keio của Nhật Bản cho biết gần đây.
Tại Đức, chính sách với Trung Quốc không phải là vấn đề khó khăn. Dù Norbert Röttgen, chính trị gia bảo thủ nhiều hy vọng sẽ nối tiếp bà Merkel ở cương vị thủ tướng, phản đối lập trường hiện tại về Trung Quốc nhưng giới kinh doanh nước này lại hỗ trợ bà. Rào cản lớn hơn với Đức lại đến từ Washington.
Trong khi nhiều người ở Berlin đang chờ đợi tín hiệu bầu cử Mỹ tháng 11 thì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc ít có khả năng thay đổi nhiều. Thậm chí, nhiều đảng viên Dân chủ đã hết sức tán thành cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc về thương mại và nhân quyền.
Virus corona đã buộc bà Merkel phải hoãn hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, vốn được lên kế hoạch vào tháng 9 khi Đức giữ chức Chủ tịch EU và bà Merkel từng hy vọng sẽ có thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức đã nói rõ rằng bà rất muốn sắp xếp lại nó càng sớm càng tốt.
Cùng lúc đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc trên tất cả các vấn đề, bà Merkel nói tuần trước."Lợi ích tối đa của châu Âu là làm việc chặt chẽ (với Trung Quốc-pv)".