• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Đứt gãy" quan hệ Mỹ-Trung có thể cần tới cả một thế hệ mới để hàn gắn?

Thế giới 10/05/2020 11:10

(Tổ Quốc) - Thay vì hợp tác để đối phó với đại dịch COVID-19, Mỹ và Trung Quốc lại đẩy mối quan hệ song phương lao dốc xuống mức "thấp nhất" trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

CNN đăng tải, đại dịch COVID-19 đã tàn phá sinh mạng và nền kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì hợp tác để đối phó dịch bệnh, hai cường quốc này lại đẩy mối quan hệ song phương vốn đang xói mòn, tiếp tục rơi vào vòng xoáy căng thẳng.

Hồi tháng 3, một quan chức ngoại giao Trung Quốc bất ngờ đưa ra một giả thuyết rằng, chính quân đội Mỹ đã đưa COVID-19 tới Trung Quốc. Một vài ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi virus corona mới là "virus Trung Quốc", đồng thời cáo buộc quốc gia châu Á là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu.

Trong những tuần gần đây, chính quyền Trump lên tục chỉ trích cách Bắc Kinh xử lý đại dịch, tỏ ra nghi ngờ thông tin về số liệu ca nhiễm và tử vong vì virus của Trung Quốc, cũng như công kích phản ứng ban đầu của Trung Quốc khi dịch bệnh mới bùng phát.

Không chỉ dừng lại ở mức độ một cuộc khẩu chiến, chính quyền Trump còn lên kế hoạch trừng phạt Trung Quốc vì đại dịch. Washington cũng kêu gọi các đồng minh tham gia vào chiến dịch gây sức ép lên Bắc Kinh.

"Đứt gãy" quan hệ Mỹ-Trung có thể cần tới cả một thế hệ mới có thể hàn gắn? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa hôm 1/10/2019 (ảnh: CNN)

"Điểm thấp nhất" trong nhiều thập kỷ

Những xung đột mới nhất trong quan hệ Mỹ-Trung là sự tiếp nối của cuộc chiến thương mại đã kéo dài 2 năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo giáo sư David Zweig của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, mặc dù cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ với Trung Quốc không mới, nhưng tình huống ông Trump đang phải đối mặt "kịch tính và nguy hiểm hơn nhiều". "Năm 2016 đó là về công việc của người dân, nhưng năm 2020, đó là về sinh mạng", ông Zweig nói.

Còn giáo sư quan hệ quốc tế từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, đồng thời là một cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, ông Shi Yinhong nhận định, quan hệ của Washington và Bắc Kinh đang ở "điểm thấp nhất kể từ năm 1972" - khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon có chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau nhiều năm Bắc Kinh bị phương Tây cô lập.

Đánh giá của ông Shi tỏ ra càng nghiêm trọng nếu nhìn vào những cuộc khủng hoảng lớn mà Mỹ và Trung Quốc từng đối mặt trong những thập kỷ gần đây như sự kiện Thiên An Môn năm 1989, vụ Mỹ đánh bom nhầm đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade năm 1999, đụng độ giữa máy bay do thám Mỹ với phi cơ chiến đấu Trung Quốc tại đảo Hải Nam năm 2001 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

"Kể từ đầu năm 2018, quan hệ Mỹ-Trung đã bước vào một cuộc cạnh tranh và đối đầu toàn diện. Tuy nhiên, trong bệnh dịch, quan hệ phải hứng chịu một cú đánh lớn", ông Shi nói.

Ông bổ sung, xung đột giữa hai nước giờ đây mở rộng ra cả thương mại, công nghệ, địa chính trị và ý thức hệ. Các tín hiệu chia rẽ cũng gia tăng trong đại dịch COVID-119 do các biện pháp phong tỏa làm gián đoạn các chuyến bay, di chuyển quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Đứt gãy" quan hệ Mỹ-Trung có thể cần tới cả một thế hệ mới có thể hàn gắn? - Ảnh 2.

Chủ tịch Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong chuyến công du lịch sử của ông Nixon tới Bắc Kinh năm 1972 (ảnh: CNN)

Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy

Thái độ của người dân Mỹ với Trung Quốc cũng đạt mức thấp kỷ lục. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Pew chỉ ra 66% người Mỹ không có cái nhìn tích cực về Trung Quốc – tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc thăm dò thường niên bắt đầu được thực hiện vào năm 2005.

Tương tự, tại Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại cũng gia tăng. Có một làn sóng đang ngày càng mở rộng cho rằng, người Trung Quốc, đặc biệt là người dân Vũ Hán đã phải hy sinh để kiềm chế virus và hứng chịu mất mát lớn – thế nhưng Trung Quốc vẫn bị thế giới chỉ trích là không làm gì.

"Rõ ràng khi xuất hiện thái độ thù địch từ bên ngoài hướng về Trung Quốc, người dân có xu thế thể hiện tính dân tộc chủ nghĩa", ông Zweig phân tích. "Người dân cảm thấy tinh thần dân tộc bị tấn công. Họ giữ thế thủ và điều đó khiến các tiếng nói cấp tiến rất khó được nghe thấy".

Phản ứng của quốc tế

Trong đại dịch, ngoài Mỹ, Bắc Kinh còn phải đối mặt với những phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Bên cạnh áp lực đòi hỏi tiến hành một điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19, còn là những lời kêu gọi Trung Quốc phải bồi thường kinh tế cho những thiệt hại mà đại dịch gây ra. Tại châu Âu, Trung Quốc bị cáo buộc lan truyền thông tin sai lệch; còn tại châu Phi, Bắc Kinh bị chỉ trích khi để xảy ra hiện tượng phân biệt đối xử đối với những người gốc Phi tại Trung Quốc…

Theo ông Shi Yinhong, một số cường quốc phương Tây đã bắt tay với Mỹ để gây áp lực lên Trung Quốc – và đó là một thách thức đối ngoại nghiêm trọng cho Bắc Kinh.

"Nhìn từ góc độ Trung Quốc, điều này có quan hệ chặt chẽ với uy tín và sự ổn định của chính quyền Bắc Kinh", ông Shi nói.

Bên cạnh truyền thông chính thống, Trung Quốc cũng đang nỗ lực bảo vệ hình ảnh thông qua các đặc phái viên ngoại giao của mình. Được biết tới như là ngoại giao "chiến binh sói", chính sách trên lấy cảm hứng từ serie siêu phẩm điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc mang tên "Chiến Lang" , trong đó, các binh lính nước này thực hiện sứ mệnh trên toàn thế giới.

Trung Quốc còn gửi khẩu trang, bộ xét nghiệm, các thiết bị y tế và chuyên gia tới những quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, cũng xuất hiện một số ý kiến nghi ngờ động cơ của Bắc Kinh phía sau cái gọi là ngoại giao "khẩu trang".

"Ngay cả sau khi đại dịch đã trôi qua, những vấn đề như vậy sẽ vẫn còn ở lại", cố vấn chính phủ Trung Quốc Shi Yinhong chỉ ra. "Ký ức về đại dịch sâu sắc tới mức tôi e ngại những vết sẹo mà nó để lại sẽ luôn tồn tại trong những trái tim của toàn bộ một thế hệ".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ