(Tổ Quốc) - Theo trang Asia Times, việc Nga vươn tới châu Phi nhằm mục đích thể hiện nước này vẫn có thể hoạt động kinh doanh như bình thường bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga là nguồn cung dưới 1% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi. Về cơ bản, Nga chưa mang lại nhiều điều cho lục địa này. Nhưng thực tế là Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đang có chuyến công du cấp cao tới châu Phi, thăm Ai Cập, Ethiopia, Uganda và Congo – điều cho thấy Nga cần cho thấy sự hiện diện ở châu Phi đến mức nào.
Theo trang Asia Times, một ưu tiên cho chuyến công du của Ngoại trưởng Lavrov tới Ai Cập, Cộng hòa Congo, Uganda và Ethiopia là thể hiện rằng Nga không bị cô lập trên trường quốc tế, bất chấp các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng của phương Tây. Mục tiêu của Moscow là cho thấy Nga vẫn là một cường quốc không bị cản trở, có các đồng minh trên toàn cầu mà nước này có thể tiến hành kinh doanh như bình thường.
Theo đó, chuyến thăm châu Phi của ông Lavrov có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình địa chiến lược của Nga. Ông Lavrov cũng có thể sẽ nhắc tới thỏa thuận Ukraine-Nga gần đây nhằm mở đường xuất khẩu cho hơn 20 triệu tấn ngũ cốc Ukraine là một hành động nghĩ tới lợi ích chung.
Ai Cập và Ethiopia - các quốc gia quan trọng trong hành trình của Ngoại trưởng Lavrov - đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi sự gián đoạn nguồn cung lương thực này. Từ khi căng thẳng Nga – Ukraine bùng lên, giá ngũ cốc toàn cầu đã tăng gấp đôi trong năm nay, tạo ra những căng thẳng chính trị và xã hội căng thẳng trên khắp châu Phi.
Mục tiêu của châu Phi và Nga trong việc tăng cường quan hệ
Một câu hỏi lúc này là các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ thu được từ việc tiếp đón ông Lavrov vào thời điểm Nga đang bị chỉ trích sự bất ổn của thị trường thực phẩm, nhiên liệu và phân bón toàn cầu. Câu trả lời ngắn gọn là ủng hộ chính trị, theo Asia Times.
Cũng theo trang báo này, việc Nga mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi trong những năm gần đây chủ yếu thông qua việc phát triển mối quan hệ với các nhà lãnh đạo tại châu lục này, như tại Cộng hòa Trung Phi hay Sudan. Đây là một cách tiếp cận hợp tác có lựa chọn hơn là hợp tác song phương truyền thống.
Vì vậy, chuyến đi của ông Lavrov cũng trở nên tập trung hơn. Tổng thống Ai Cập Abdel al Sisi là đồng minh quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm thành lập một chính phủ ủy nhiệm ở Libya. Điều này sẽ cho phép Nga thiết lập sự hiện diện hải quân lâu dài ở phía nam Địa Trung Hải và khai thác nguồn dự trữ dầu của Libya.
Hơn nữa, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn cho Ai Cập. Nga đã tài trợ 25 tỷ USD cho công ty năng lượng nguyên tử Nga Rosatom để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Dabaa ở Cairo. Dù chưa có hiệu quả kinh tế ngay nhưng dự án này cũng giúp mối quan hệ giữa ông Sisi và ông Putin cũng trở nên khăng khít hơn.
Với Uganda, chuyến đi của ông Lavrov tới Uganda cũng thể hiện sự quan tâm của Moscow trong việc duy trì quan hệ với một một quốc gia châu Phi có bề dày lịch sử. Đối với Tổng thống Uganda Museveni, việc xích lại gần Nga cũng sẽ gửi đi một thông điệp rằng ông sẽ tiến xa hơn về phía Moscow nếu phương Tây quá chỉ trích tình hình đất nước ông.
Đối với Ethiopia, việc Nga phản đối các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với cuộc xung đột Tigray và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đây đã được chính quyền nước này đánh giá cao. Ethiopia từ lâu đã duy trì chính sách đối ngoại độc lập nhưng Addis Ababa sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nga-châu Phi tiếp theo vào cuối năm nay. Sự kiện này có thể là một nền tảng củng cố thông điệp của Moscow rằng họ vẫn được chào đón trên trường toàn cầu.
Khi tới thăm Addis Ababa, ông Lavrov có thể sẽ nêu bật mối quan hệ chặt chẽ của Nga với Liên minh châu Phi. Khu vực này đã liên tục trì hoãn cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Khi cuộc họp này được tổ chức vào tháng Bảy, chỉ có bốn nguyên thủ quốc gia châu Phi góp mặt.
Còn với Congo, nước này đã được Moscow chú ý tới để mở rộng kiểm soát xuất khẩu hydrocacbon từ Congo, Trung Phi thông qua cảng Pointe Noire. Con đường này sẽ nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của Nga đối với các thị trường năng lượng toàn cầu.
Đáng chú ý, hầu hết các quốc gia trong chuyến công du châu Phi của ông Lavrov đều duy trì quan hệ đáng kể với phương Tây. Như vậy, việc tổ chức một chuyến thăm cấp cao của Ngoại trưởng Nga không nhằm mục đích làm xáo trộn những mối quan hệ này mà đúng hơn, đây là một nỗ lực để bồi đắp vị thế của Moscow đối với phương Tây.
Dù vậy, việc tăng cường quan hệ với Nga có thể chưa mang lại lợi ích gì nhiều cho các nước châu Phi này. Moscow hiện chưa cung cấp đầu tư hoặc thương mại đáng kể cho lục địa này (ngoài ngũ cốc và vũ khí) và ngày càng bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế.
9 trong số 10 quốc gia hàng đầu đầu tư vào châu Phi, chiếm 90% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, là một phần của hệ thống tài chính phương Tây. Vì vậy, việc thúc đẩy quan hệ với Moscow có thể phần nào đe dọa sự đầu tư này.