• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lục địa đen: Đối trọng hay tương hỗ giữa hai kế hoạch lớn Mỹ - Trung?

Thế giới 15/11/2021 21:12

(Tổ Quốc) - Theo nhận định của tờ SCMP, Sáng kiến Build Back Better World (B3W) của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể hợp tác và cùng phát triển với dự án tài trợ cơ sở hạ tầng xuyên lục địa của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dự án B3W, với mục tiêu đầu tư 40 nghìn tỷ USD cho tới năm 2035 vào các quốc gia đang phát triển, có châu Phi, đang được Mỹ quảng bá là một "giải pháp giàu giá trị, tiêu chuẩn cao, minh bạch và thân thiện với khí hậu". Và theo Washington, dự án này có thể thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Nhưng theo nhiều nhà quan sát, B3W, được các nền dân chủ giàu nhất thế giới đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 vừa qua, và chương trình BRI có các mục tiêu và cách tiếp cận rất khác nhau.

Hai chiến lược riêng biệt?

David Shinn, giáo sư tại Trường về các vấn đề Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington, cho biết: "B3W dựa vào huy động vốn từ khu vực tư nhân trong khi nguồn tài chính của BRI phần lớn được các đơn vị quốc doanh của Trung Quốc cho vay. Và trong khi BRI tập trung vào cơ sở hạ tầng cứng như đường xá, cầu, đập… B3W lại nhấn mạnh đến cơ sở hạ tầng mềm như khí hậu, y tế, an ninh, công nghệ kỹ thuật số, bình đẳng giới và bình đẳng xã hội… Sự chồng chéo duy nhất là trong lĩnh vực truyền thông".

Lục địa đen: Đối trọng hay tương hỗ giữa hai kế hoạch lớn Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Trung Quốc đang là nhà đầu tư lớn của nhiều công trình tại châu Phi. Ảnh: Xinhua.

"Có rất nhiều không gian cho cả B3W và BRI nếu chúng được triển khai một cách thích hợp", chuyên gia David Shinn nhận định.

Tại châu Phi, trong chuyến thăm Ghana và Senegal tuần trước của phái đoàn do Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh dẫn đầu, B3W đã xác định sẽ tài trợ cho 10 dự án. Trước đó, Reuters đưa tin hồi đầu tháng 10 rằng Mỹ cũng có kế hoạch tài trợ cho Colombia, Ecuador và Panama thông qua B3W.

Trong thời gian ở Senegal, đoàn cũng đã đến thăm cơ sở sản xuất vắc xin của Viện Pasteur Dakar và nhà kho dây chuyền lạnh, các đơn vị nhận tài trợ lần lượt từ USAID và Tổ chức Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC).

W. Gyude Moore, chuyên gia chính sách cấp cao của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cũng cho biết Mỹ có khả năng sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng và y tế ở hai quốc gia châu Phi này. "Ở Senegal, tôi biết họ sẽ đầu tư vào sản xuất vắc xin. Tôi dự đoán rằng đó không phải là khoản đầu tư duy nhất về y tế tại nước này".

Về sự khác biệt giữa B3W và BRI, Moore cho biết: "Tôi nghĩ sự khác nhau sẽ nằm ở tính minh bạch của các thỏa thuận và vai trò nổi bật hơn của khu vực tư nhân Mỹ, trái ngược với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ liệu B3W có đầu tư vào đường sắt, đường bộ và cảng hay không. Chúng không được liệt kê là mục tiêu đầu tư và đây là những lĩnh vực trọng tâm của BRI".

Moore cho biết sẽ có lợi cho các chính phủ châu Phi khi đa dạng hóa các nguồn tài trợ. "Cạnh tranh giữa B3W và BRI sẽ là một điều tốt cần phải có", theo chuyên gia này.

Trung Quốc hiện đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng cứng của châu Phi, bao gồm các con đập và đường sắt. Đây là những lĩnh vực các công ty Mỹ và châu Âu trước đây khá do dự vì không thể đảm bảo sự hậu thuẫn tài chính.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước đã nói rằng: "Có nhiều dư địa cho hợp tác cơ sở hạ tầng toàn cầu và các sáng kiến khác nhau không cần phải đối lập hoặc thay thế lẫn nhau".

Thách thức của phương Tây

Tại châu Phi, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng các mô hình tài trợ truyền thống có thể không hiệu quả. Và với những thách thức về tài chính, như đã xuất hiện trong đề xuất đường cao tốc Kenya trước đây, có nguy cơ làm phức tạp quá trình thực thi B3W.

Tim Zajontz, thành viên nghiên cứu của Trung tâm Chính trị Quốc tế tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho biết các công ty Trung Quốc "cực kỳ cạnh tranh về chi phí" trong thị trường xây dựng và cơ sở hạ tầng tại châu Phi. Họ có chi phí huy động vốn thấp hơn và tầm nhìn đầu tư dài hơn. "Vì vậy, việc đánh bại các công ty Trung Quốc về giá cả sẽ là một thách thức đối với các công ty phương Tây", theo Zajontz.

Zajontz cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Biden và các nước G7 cần tập trung vào các lợi thế cạnh tranh vốn có của B3W, đặc biệt là tính minh bạch, trao quyền sở hữu dự án cho địa phương, các tiêu chuẩn chất lượng cao, dự án bền vững tài chính và tương lai phát triển.

"Bằng cách định hình rõ ràng B3W là một sáng kiến bền vững và công bằng hơn, điều Biden đang hứa hẹn là 'đôi bên cùng có lợi'. Tuy nhiên, mức độ thực hiện những lời hứa như vậy sẽ phụ thuộc vào động lực quản trị ở các quốc gia nơi các dự án được thực hiện", Zajontz cho hay.

Ông nói thêm, xét đến tình hình tài khóa tồi tệ của nhiều chính phủ châu Phi, cả hai sáng kiến sẽ phải huy động ngày càng nhiều đầu tư tư nhân, kết hợp với các khoản tài trợ và bảo lãnh của nhà nước.

Cũng theo Zajontz, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow vừa qua đã chỉ ra rằng B3W hiện là trọng tâm của chính quyền Biden nhằm làm "xanh" thế giới dưới sự lãnh đạo của Mỹ. "Việc chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu xa rời nhiên liệu hóa thạch sẽ là một công trình trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD trong những thập kỷ tới."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ