(Tổ Quốc) - Ủy ban châu Âu đã nới lỏng các quy định về trợ cấp nhà nước đối với công nghệ xanh để hướng tới công nghệ sạch.
Theo hãng AP, liên minh châu Âu (EU) ngày 16/3 đã công bố kế hoạch cải tổ cơ bản liên quan đến các chính sách thúc đẩy công nghệ xanh và xử lý nguyên liệu thô quan trọng đồng thời áp đặt các hạn chế đối với hàng nhập khẩu đến từ các quốc gia như Trung Quốc trong khi tiếp tục nới lỏng trợ cấp và các ưu đãi tài chính khác để đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Các kế hoạch do Ủy ban châu Âu đưa ra nhằm hướng tới nền kinh tế trung hòa khí hậu, đồng thời tăng cường tính độc lập chiến lược của khối trong một thế giới đang thay đổi giữa các liên minh địa chính trị. Để đạt được các mục tiêu chiến lược và công nghệ sạch, EU đang trải qua bước ngoặt kinh tế lớn từ nhiều thập kỷ. Giờ đây, kế hoạch một lần nữa kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ, hướng dẫn và khuyến khích tài chính, xem như là những nỗ lực quan trọng để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế xanh.
"Một sai lầm mà chúng ta đã mắc phải và sai lầm chắc chắn là để thị trường sẽ tự lo liệu mọi thứ", ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban EU cho biết.
Theo ông Frans Timmermans, Trung Quốc đã và đang đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ xanh - sạch để thống trị nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngay hiện tại, EU vẫn phải nhập khẩu 98% nguyên liệu đất hiếm và 93% magie từ Trung Quốc.
"Hiện tại, chúng tôi hiểu rằng phải đưa ra các quyết định chiến lược của riêng mình trong 10 năm tới", ông Frans Timmermans nói.
Điểm mấu chốt trong đề xuất là cam kết sẽ tự sản xuất ít nhất 40% công nghệ sạch cần thiết vào năm 2030 trong khối 27 quốc gia, đồng thời đảm bảo rằng không phụ thuộc vượt quá 65% lượng tiêu thụ của bất kỳ nguyên liệu thô chiến lược nào đến từ một quốc gia thứ ba. Trên hết, kế hoạch quy định các ưu đãi tài chính đối với các quốc gia thành viên sẽ được hoan nghênh nhiều hơn và phê duyệt nhanh hơn.
"Kế hoạch sẽ không bị lỗi thời và là điều bạn cần làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp xanh", ông Frans Timmermans nhấn mạnh.
Giảm phụ thuộc vào các nước khác
Theo hãng AP, động thái của EU được đưa ra sau gói cứu trợ trị giá 375 tỷ USD của Mỹ trong Đạo luật giảm lạm phát từ mùa hè năm ngoái – thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua Luật năng lượng sạch ưu tiên nước Mỹ. Sau nhiều tháng căng thẳng vì cho rằng đạo luật của Mỹ đang ảnh hưởng đến sản phẩm của EU, khối 27 quốc gia thành viên đã đi tới kế hoạch ngày 16/3, trong đó có nhắc đến Đạo luật Công nghiệp Net Zero và Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng đồng thời khẳng định quá trình tham gia một chương trình tương tự sẽ tốt hơn là tạo thêm căng thẳng.
"Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm chúng ta đã thua trong cuộc đua trợ cấp đối với ngành công nghiệp xanh. Đó là lý do tôi muốn nói rằng EU cần hành động và tin vào những gì chúng ta đã làm ngày hôm nay. Các kế hoạch vẫn cần được 27 quốc gia thành viên của EU và Quốc hội thông qua, một quá trình có thể cần mất nhiều thời gian hơn, thậm chí có thể phải hơn một năm", ông Breton nói.
Theo kế hoạch, EU ước tính vào cuối thập kỷ này, thị trường công nghệ sạch toàn cầu sẽ đảm bảo trị giá 600 tỷ euro mỗi năm. Ngoài ra, quá trình triển khai năng lượng tái tạo sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050. Việc sử dụng máy bơm nhiệt sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2050 và quá trình sản xuất xe điện sẽ tăng gấp 15 lần. Bởi khoản trợ cấp của nhà nước cũng như nhiều ưu đãi khác đến từ các quốc gia thành viên và EU phải phê duyệt chúng thông qua quy định nới lỏng nên các kế hoạch không đưa ra ước tính tổng thể chính xác. Ở cấp độ địa chính trị, rủi ro cũng không kém phần lớn và đây là lúc Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng ra đời. Nhìn chung, chúng được sử dụng cho mọi thứ, từ tấm pin mặt trời đến máy bơm nhiệt và ô tô điện.
Bởi các ưu đãi, Ủy ban EU muốn đến cuối thập kỷ này, ít nhất 10% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô chiến lược sẽ được khai thác tại địa phương và ít nhất 40% sẽ được chế tạo tại địa phương. Nhấn mạnh đến yếu tố giảm phụ thuộc từ nước khác, EU cũng xây dựng một câu lạc bộ liên minh nguyên liệu thô quan trọng chọn lọc, có sự tham gia của Mỹ và Canada nhằm củng cố hơn nữa khối phương Tây trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang trở nên bất ổn.
"Chúng tôi đang tăng cường hợp tác với các đối tác thương mại đáng tin cậy trên toàn cầu để giảm sự phụ thuộc hiện tại của EU vào chỉ một hoặc một số quốc gia", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết./.