• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EU tìm cách thắt chặt quan hệ với châu Phi tại thượng đỉnh G-20

Thế giới 06/09/2023 09:53

(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch thông qua hội nghị Thượng đỉnh G-20 tuần này để tăng cường tiếp cận các quốc gia châu Phi bằng cách xúc tiến một cuộc gặp cấp cao bên lề hội nghị.

Bloomberg dẫn nhiều nguồn thạo tin, đề nghị giấu tên, với quá trình chuẩn bị sự kiện cho biết, EU muốn tận dụng thượng đỉnh G-20 lần này khi có sự quy tụ nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu. Khối 27 quốc gia muốn chứng tỏ rằng họ nghiêm túc trong việc xác định lại quan hệ đối tác với châu Phi.

Trong số những người tham gia G-20 2 ngày tại Ấn Độ tuần này có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Từ phía châu Phi, những người tham gia sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo từ Nam Phi, Ai Cập, Nigeria và Comoros – nước chủ tịch hiện tại của Liên minh châu Phi, theo các nguồn tin trên.

EU tìm cách thắt chặt quan hệ với châu Phi tại thượng đỉnh G-20 - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn tăng cường kết nối với châu Phi tại thượng đỉnh G-20 tuần này. Ảnh: pubaffairsbruxelles.eu

Gia tăng vị thế của châu Phi

Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Phi bên lề G-20 lần này có thể được coi là một "hội nghị thượng đỉnh nhỏ" diễn ra trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng gia tăng và thế giới vẫn còn nhiều bất đồng về cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Cũng theo những nguồn tin trên, trong số nhiều mục tiêu được đặt ra tại cuộc gặp sắp tới tại Ấn Độ vào ngày 9/9, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn bày tỏ sự ủng hộ với những nỗ lực của Liên minh châu Phi (AU) nhằm trở thành thành viên thường trực của G-20. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nằm trong số những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ nhất việc AU trở thành thành viên G-20 tại thượng đỉnh G-7 vừa qua ở Nhật Bản. Vấn đề này cũng là một trong những ưu tiên được chủ nhà hội nghị thượng đỉnh tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thúc đẩy trong thượng đỉnh G-20.

Vào tháng 5 vừa qua, trong chuyến thăm trụ sở Liên minh châu Phi ở Ethiopia, ông Scholz đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc đưa AU trở thành thành viên thường trực của G-20 để có thêm tiếng nói trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Thủ tướng Đức cho rằng châu Phi phải đóng vai trò quốc tế lớn hơn để phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này trong một trật tự thế giới đa cực và có nhiều sự không chắc chắn.

Tư cách thành viên thường trực, thay vì tư cách một "tổ chức quốc tế được mời", sẽ mang lại cho Liên minh châu Phi địa vị tương tự như EU trong G-20. Vị thế mới này có thể giúp các nước châu Phi có tiếng nói mạnh mẽ hơn khi các tổ chức quốc tế quyết định các nội dung có ảnh hưởng đến họ. Một trong những vấn đề hiện thu hút nhiều sự quan tâm là những nỗ lực giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu - chủ yếu do khí thải từ các quốc gia G-20 gây ra.

Hướng tới các cơ hội phát triển tại châu Phi

Ngoài ra, trong chương trình nghị sự của cuộc họp còn có cuộc thảo luận về hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu. Vấn đề có thể ngày càng khó khăn hơn khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen (kết nối một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới là Ukraine với các nước đang phát triển, thu nhập trung bình và thấp) đang bị đình trệ.

Những nguồn tin trên cũng cho biết, một số chủ đề cũng sẽ được đề cập tới là nỗ lực cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, cải thiện điều kiện cho đầu tư tư nhân và các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi, cũng như tình hình ở khu vực Sahel.

Thủ tướng Scholz cũng muốn thông qua cuộc họp này để chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế sẽ diễn ra tại Berlin vào ngày 20 tháng 11 tới. Tại đó, các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Phi muốn thúc đẩy một sáng kiến nhằm cải thiện các điều kiện đầu tư cho khu vực tư nhân vào châu lục này. Sáng kiến này có tên "Thỏa thuận với châu Phi" hướng đến mở ra cơ hội đầu tư bền vững vào nhiều ngành ở châu Phi, bao gồm cả cơ sở hạ tầng.

Đối với Thủ tướng Đức, sự kiện gặp gỡ với châu Phi lần này là một cơ hội để thuyết phục các nhà lãnh đạo châu lục rằng châu Âu nghiêm túc trong việc mở ra một chương mới trong hợp tác hai bên và hướng tới nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp để thảo luận về những thách thức chung như an ninh, di cư, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Ông Scholz thông tin với đài phát thanh Deutschlandfunk vào tuần trước rằng mục tiêu là "đảm bảo chúng ta cùng nhau định hình thế giới tương lai trên cơ sở bình đẳng" với các quốc gia mới nổi, đồng thời khẳng định đây cũng là điều cần làm của Tây Âu, Bắc Mỹ cùng với các quốc gia khác.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ