(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu - EU đang tăng cường gây sức ép và đe doạ sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ về hoạt động thăm dò dầu khí ở phía đông Địa Trung Hải – hành động đang dấy lên phản đối từ Hy Lạp và Síp.
Người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết ông sẽ bắt đầu biên soạn một danh sách các hình phạt có thể nhằm vào các cá nhân, và có thể được mở rộng trừng phạt nhắm vào các cơ sở vật chất, tàu thuyền, cũng như hạn chế Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận các cảng và nguồn cung cấp của châu Âu.
Các biện pháp như vậy có thể được thảo luận tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo khối vào tháng tới nếu không có tiến triển ngoại giao giải quyết bất đồng hiện nay.
Borrell nói với các phóng viên tại Berlin sau cuộc họp của các ngoại trưởng EU rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ phải tránh các hành động đơn phương. "Ngày càng có nhiều sự thất vọng đối với hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ."
27 quốc gia EU đang nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề một cách cân bằng liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, tìm cách bảo vệ chủ quyền của các nước thành viên Hy Lạp và Síp trong khi vẫn hy vọng rằng các sáng kiến ngoại giao có thể xoa dịu căng thẳng với một đối tác chiến lược quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ dòng người tị nạn Trung Đông đổ vào EU.
Trong một hành động mang tính biểu tượng lớn vào tháng 2, khối này đã áp đặt việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với hai nhân viên của tập đoàn dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ Petroleum Corp. Để đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò năng lượng ngoài khơi đảo Síp.
Borrell nói: "Chúng ta phải cân bằng giữa việc lưu giữ một không gian thực sự để đối thoại và đồng thời thể hiện sức mạnh tập thể nhằm bảo vệ lợi ích chung của chúng ta. Chúng tôi muốn có một cơ hội nghiêm túc để đối thoại".
Liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên ngoài khơi, Hy Lạp nói rằng các đảo phải được tính đến trong việc phân định thềm lục địa của một quốc gia, điều phù hợp với Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) – văn bản mà Thổ Nhĩ Kỳ chưa ký. Còn Ankara thì lập luận rằng thềm lục địa của một quốc gia nên được đo từ đất liền của quốc gia đó.
Trữ lượng khí đốt ngoài khơi đảo Síp là đáng kể. Cộng hòa Síp là một quốc gia thành viên của EU và chính thức có chủ quyền đối với toàn bộ hòn đảo. Nhưng hòn đảo này đã bị chia cắt kể từ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một phần khu vực phía bắc vào năm 1974. Tại đây, nhà nước tự xưng của dân tộc thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ được Ankara công nhận, tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ nguồn năng lượng nào được phát hiện ngoài khơi bờ biển của họ.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu sau cuộc họp của EU: "Việc EU sử dụng ngôn ngữ trừng phạt, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ luôn đề cao đối thoại và ngoại giao, sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại. Ngôn ngữ như vậy sẽ chỉ củng cố sự cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ"./.