(Tổ Quốc) - Khả năng cắt giảm ngân sách cho một số chương trình lớn của EU đang khiến các thành viên khối này đối mặt với sự chia rẽ.
Các vấn đề tài chính của khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang xuất hiện ngày càng nhiều sau sự “dứt áo ra đi” của nước Anh.
Theo Sputnik, hôm thứ Sáu (23/2), trong một hội nghị tại Brussels, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp lưu ý, những cắt giảm ngân sách hậu Brexit trong các chương trình của EU liên quan tới đối phó nhập cư bất hợp pháp và chủ nghĩa khủng bố - không thể trở thành sự thật, bởi vì hai vấn đề trên chính là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, việc không cắt giảm hỗ trợ tài chính cho các chiến dịch đã chứng tỏ được sự hiệu quả trong những nỗ lực giải quyết các vấn đề như chủ nghĩa khủng bố tại khu vực bắc và tây châu Phi – là vô cùng quan trọng.
“Chúng ta đều đang đóng góp tài chính cho các chiến dịch quân sự trong khu vực này và chúng đã bắt đầu đem đến kết quả,” bà Merkel nói. “Chúng ta cũng cần phải hợp tác cùng nhau… với Lybia để đối phó với nhập cư bất hợp pháp”.
Cũng có mặt tại Brussels với Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra đồng tình, đồng thời bổ sung rằng Pháp “cam kết” với cuộc chiến “tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố” và “buôn người” tại châu Phi.
Thủ tướng Đức Angela Market (đứng trước) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 12/2017. |
Trong khi đó, các quốc gia thành viên “giàu có” của EU cho rằng, một EU nhỏ hơn sau sự ra đi của Anh, sẽ đồng nghĩa với một ngân sách vận hành thu hẹp hơn. Thủ tướng Luxembourgh Xavier Bettel nhấn mạnh, đất nước của ông không ủng hộ việc phải “bù đắp” cho khoản ngân sách bị thâm hụt đi của EU. Theo ông, EU cần phải “hiệu quả hơn” trong việc phân phối tài chính và một số chi phí có thể cần phải thay đổi.
Còn các nước thành viên có nền kinh tế không phát triển bằng đến từ Đông và Nam Âu, đã bày tỏ sự phản đối trước khả năng cắt giảm ngân sách dành cho một số chương trình của EU. Thủ tướng Estonia Juri Ratas nói, đó không phải là một sự lựa chọn có thể thương lượng cho những tham vọng “thắt lưng buộc bụng” của EU. “Chúng ta muốn chứng kiến một EU vững mạnh, an toàn và đoàn kết hơn”, ông Ratas phát biểu.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, EU cần phải có “những chính sách và ưu tiên mới”. Theo ông, nếu không đạt được một thoả thuận về thu hẹp tài chính cho một số chương trình nhất định, “chúng ta sẽ phải trả nhiều tiền hơn”.
Theo kế hoạch, đàm phán Brexit giữa London và Brussels sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2019. Đường biên giới giữa Bắc Ai-len và Cộng hoà Ai-len nằm trong số những chủ đề ưu tiên hàng đầu được thảo luận trong giai đoạn đầu tiên của các vòng đàm phán, cùng với các quyền của người dân EU định cư tại Anh, và cư dân Anh ở trong các nước thuộc EU.