(Tổ Quốc) - Vài ngày trước khi lên tới đỉnh Everest vào tháng 5 năm ngoái, nhà leo núi người Nepal Tenzi Sherpa đã quay được một đoạn video về những đống rác khổng lồ do người leo núi để lại.
Theo hãng CNN, đoạn phim quay ở Trại 4 (Camp 4) nằm ở độ cao khoảng 8.000m so với mực nước biển và được gọi là "vùng tử thần" do điều kiện khắc nghiệt, những đống rác nằm la liệt với những chiếc lều bỏ đi, bình oxy và đồ dùng bị đóng băng theo thời gian.
"Đó là đỉnh núi bẩn nhất mà tôi từng thấy," nhà leo núi Sherpa viết trên Instagram cùng với video lan truyền.
Kể từ khi hai nhà leo núi Tenzing Norgay Sherpa và Edmund Hillary chinh phục lần đầu tiên năm 1953, đến nay có hơn 6.000 người đã leo lên đỉnh Everest. Đám đông leo núi đã gây ra "ùn tắc giao thông" và ngày càng nhiều rác thải chất đầy đống, thậm chí nhiều người còn gọi Everest là "bãi rác cao nhất thế giới".
Hiện chưa rõ có bao nhiêu rác thải được đổ xuống các ngọn núi ở Nepal, thậm chí những người làm việc trong lĩnh vực này ước tính con số này đã lên tới hàng nghìn tấn. Năm 2019, chính phủ Nepal và các tổ chức phi lợi nhuận địa phương đã bắt đầu Chiến dịch Núi sạch, thu gom được hơn 10 tấn rác từ khu vực Everest.
Một số người tham gia chiến dịch dọn dẹp cho biết các cuộc thám hiểm ngày càng tăng sẽ chỉ dẫn đến tình trạng lãng phí nhiều tiền hơn. Năm nay, chính quyền đã cấp 414 giấy phép leo núi cho Everest, thấp hơn mức kỷ lục là 454 giấy phép vào năm 2023.
"Núi rác"
Các đội thám hiểm bắt đầu làm quen với khí hậu tại Everest Base Camp (trại cơ sở) và triển khai giám sát vào tháng Tư năm nay. Thời điểm mới bắt đầu chặng leo, lều, nhà vệ sinh và nhà bếp được quản lý tốt. Tuy nhiên, khi số người leo núi ngày càng tăng thì quá trình quản lý chất thải trở nên khó khăn hơn.
Nepal từng đưa ra biện pháp ngăn ngừa xả rác bừa bãi trên núi. Khách trước khi leo phải đặt cọc 4.000 USD. Khi xuống núi, để lấy lại số tiền này, mỗi người phải mang xuống 8 kg rác. Dù vậy, lượng rác vẫn tiếp tục tăng. Các đội dọn dẹp phải thu gom mọi thứ, từ giấy gói bằng nhựa, chai, lon thủy tinh. Một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí One Earth cho biết đã tìm thấy vi hạt nhựa trong suối và nước tuyết trên Everest.
Shilshila Acharya, đồng sáng lập Avni Ventures, công ty tái chế rác thải thu gom từ trên núi cho biết chính việc thiếu cơ chế quản lý hiệu quả ở vùng núi cao Himalaya của Nepal là một trong những nguyên nhân khiến rác thải ngày càng nhiều.
"Cơ quan giám sát chất thải chỉ có mặt trên đỉnh Everest và không có mặt ở những ngọn núi khác. Rất khó để giám sát trong các trại căn cứ. Những khu vực phía trên thậm chí còn khó quản lý hơn ", Acharya nói.
Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha là đơn vị chịu trách nhiệm dọn dẹp xung quanh khu vực trại cơ sở, cũng như các con đường mòn đi bộ và khu định cư dẫn đến đó.
Nhóm làm việc gồm 30 người, tham gia vào sáng kiến dọn dẹp rác thải. Mỗi người thu gom khoảng 12kg rác, sau đó phân loại thành các loại có thể phân hủy sinh học và không phân hủy sinh học tại trại cơ sở trước khi được gửi đến Kathmandu để tái chế.
Biến rác thành "kho báu"
Chất thải có thể phân hủy sinh học và không phân hủy sinh học được phân loại tại trại cơ sở, trước khi được phân loại tiếp tại cơ sở tái chế của công ty tái chế rác thải thu gom từ trên núi Avni ở Kathmandu. Công ty Avni chỉ xử lý rác thải do Chiến dịch dọn dẹp núi thu thập và đã tái chế hơn 80 tấn rác thải kể từ năm 2021.
Ông Acharya nhấn mạnh rác thải thu được từ các hoạt động dọn dẹp chủ yếu bao gồm thủy tinh, kim loại và nhựa cùng một lượng lớn thực phẩm đóng gói nhập khẩu. Nhựa và giấy rất dễ tái chế nhưng họ vẫn chưa tìm ra giải pháp tái chế thủy tinh.
Trong khi đó, dây thừng được biến hóa để trở thành đồ thủ công và công ty Avni đã hợp tác với Maya Rai, đơn vị thuê phụ nữ địa phương dệt các mặt hàng thủ công.
Tái chế dây thừng góp phần mang lại việc làm, tạo thu nhập chính đáng cho người dân cũng như thúc đẩy nghề thủ công bản địa ở Nepal.
Theo người đồng sáng lập Tommy Gustafsson, một sáng kiến khác có tên "Sagarmatha Next" sẽ thay đổi nhận thức về rác thải và hợp tác với Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha vào năm 2017 để tái chế rác thải.
Sagarmatha Next cũng đã biến rác thải từ Everest thành tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm điêu khắc, được trưng bày tại phòng trưng bày ở Syangbnoche trên con đường leo núi Everest. Dự án "từ rác thải thành sản phẩm" sử dụng nắp chai nhựa cũng được tìm thấy ở dãy Himalaya và những con đường mòn đi bộ để làm quà lưu niệm.
Theo báo cáo thường niên, vào năm 2022, Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha đã quản lý và tái chế 44.713kg rác tại trại cơ sở. Khoảng 15.000kg đã được gửi đến cơ sở quản lý chất thải trong khu vực và gần 6.000kg "rác không đốt được" đã vận chuyển đến Kathmandu để tái chế.
Kêu gọi những ngọn núi không có rác thải
Một số người cho rằng vấn đề rác thải khó có thể được giải quyết sớm trừ khi Nepal hạn chế số lượng chuyến thám hiểm núi.
Ông Khadka từ Avni Ventures gợi ý Nepal có thể học tập Bhutan, nước đã dừng các chuyến thám hiểm đến những ngọn núi cao hơn 6.000m từ năm 1994 trước khi cấm hoàn toàn hoạt động leo núi vào năm 2003 vì lý do tâm linh.
Hoạt động leo núi ở Nepal đã trở thành một "cỗ máy kiếm tiền bừa bãi và chỉ mang lại lợi ích cho một số bên nhất định". Bây giờ là lúc phải dừng các chuyến thám hiểm vùng núi cao và chỉ cho phép những chuyến thám hiểm có chất lượng hạn chế.
Tháng trước, Tòa án Tối cao Nepal đã yêu cầu chính phủ hạn chế số lượng người leo núi trên Everest, đồng thời cho biết thêm rằng các quy định thu gom rác thải từ độ cao chưa được thực hiện đúng mức.
Một số người cho rằng việc giảm lượng khách là không khả thi xét từ góc độ kinh tế.
Lama Kazi Sherpa nhấn mạnh hầu hết các hộ gia đình ở vùng Everest đều phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch. Chính phủ cũng đã phân bổ kinh phí và nhân lực hàng năm để đối phó với tình trạng lãng phí trên núi, trong đó các cán bộ liên lạc theo dõi và giám sát các đội thám hiểm đến trại cơ sở./.