(Tổ Quốc) - Hôm thứ Năm, Facebook đã kích hoạt dự án nhằm ngăn chặn khả năng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 bị ảnh hưởng bởi thông tin giả và can thiệp.
"Ngày hôm nay, chúng tôi bắt đầu hoạt động Facebook Protect để đảm bảo an ninh hơn nữa cho các nhân viên bầu cử, ứng cử viên và những người khác – những người đặc biệt dễ trở thành mục tiêu của các hacker và đối thủ nước ngoài. Như chúng ta đã chứng kiến trong các cuộc bầu cử trước, họ có thể là mục tiêu của hoạt động lừa đảo", một thông cáo chính thức của Facebook cho hay.
Facebook liên tục phải hứng chịu những chỉ trích rằng công ty đã không đầu tư đủ thời gian và nỗ lực để chấm dứt tình trạng thông tin giả cũng như phòng ngừa can thiệp bầu cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Tuy nhiên, cùng lúc một số cơ quan truyền thông và chính trị gia cũng e ngại rằng, các chính sách mới có mục đích là đối phó lại nạn thông tin sai lệch, lại có thể được sử dụng để đàn áp các ý kiến đối lập.
Facebook lưu ý thêm, bắt đầu từ tháng sau, Instagram sẽ thực thi biện pháp khiến "các tài khoản hay đăng tải thông tin sai lệch trở nên khó tìm thấy hơn", trong khi Facebook sẽ lọc không để thông tin giả xuất hiện trên phần cập nhật thông tin mới (new feed).
Theo mạng xã hội, hệ thống mới cũng sẽ giúp người dùng Facebook và Instagram tự bảo vệ mình khỏi bị tấn công mạng, thông qua cơ chế xác thực hai yếu tố.
"Người tham gia sẽ được yêu cầu bật chế độ xác thực hai yếu tố và tài khoản của họ sẽ được giảm sát nhằm tránh khỏi các hoạt động tấn công như cố gắng đăng nhập từ các địa điểm bất thường hoặc thiết bị chưa xác định. Và nếu chúng tôi phát hiện một vụ tấn công nào đó, chúng tôi có thể xem xét và bảo vệ các tài khoản khác có liên hệ với cùng tổ chức có tham gia trong chương trình của chúng tôi", Facebook cho biết.
Thông cáo của Facebook được đánh giá là đã phản ánh ý kiến của nhà sáng lập Mark Zuckerberg. Tháng trước, ông Zuckerberg tuyên bố, Nga và Iran từng cố gắng can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Cả Moscow và Tehran đều kiên quyết phủ nhận các cáo buộc liên quan trong suốt 3 năm qua.
Washington thậm chí còn từng áp dụng trừng phạt lên Nga về cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, trong khi tiến hành điều tra về các liên hệ giữa Điện Kremlin và Tổng thống Mỹ Donald Trump và chiến dịch tranh cử của ông. Tuy nhiên, sau cuộc điều tra 2 năm, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã kết luận, không có đủ bằng chứng về quan hệ trên.