• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặp gỡ Mỹ-Triều tại DMZ: sau tất cả sẽ còn lại những gì?

Thế giới 01/07/2019 09:54

(Tổ Quốc) - Cuộc gặp gỡ lần ba giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã đi vào lịch sử khi diễn ra ngay tại khu phi quân sự.

Hôm Chủ nhật (30/6), Tổng thống Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân trên lãnh thổ Triều Tiên sau khi ông bắt tay với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại đường ranh giới giữa hai miền Triều Tiên.

Tờ New York Times đã chỉ ra bốn điểm đáng chú ý nhất của cuộc gặp đầy bất ngờ giữa hai ông Trump và Kim tại khu vực phi quân sự (DMZ) cách thủ đô Seoul 60 km.

Một chút hỗn loạn

Khung cảnh nơi diễn ra cuộc gặp có vẻ hơi hỗn loạn. Các video cho thấy nhà báo và nhân viên an ninh vây quanh hai nhà lãnh đạo. Stephanie Grisham, tân thư ký báo chí mới của Nhà Trắng, có lẽ là một trong những người vất vả nhất khi cố gắng sắp xếp cho một nhóm quay phim Mỹ tiến vào Nhà Tự do nhưng lại vấp phải sự ngăn cản từ phía nhân viên an ninh Triều Tiên. Theo New York Times, người ta thậm chí có thể nghe thấy tiếng bà Grisham nói: "Không", "Dừng lại" và "Tôi cần giúp đỡ"… trong quá trình va chạm với các vệ sỹ của ông Kim.

Gặp gỡ Mỹ-Triều tại DMZ: sau tất cả sẽ còn lại những gì? - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ có cuộc gặp gỡ song phương tại DMZ ngày 30/6 (ảnh: CNN)

Không chỉ là cái bắt tay

Xuất phát từ một lời mời trên Twitter, vào lúc 3h46 phút chiều (giờ địa phương), ông Trump đã vượt qua biên giới Hàn – Triều và có 20 bước đi đầy tự tin trên mảnh đất Triều Tiên.

"Thật là một thời điểm vĩ đại", ông Trump nói và vỗ vai nhà lãnh đạo Kim nhiều lần.

"Thật tốt vì gặp lại ông một lần nữa", người đứng đầu Triều Tiên trả lời. "Tôi không ngờ là sẽ được gặp ông tại đây".

Sau khi "tạo dáng" chụp ảnh trước báo giới, hai nhà lãnh đạo đã quay trở về phía Hàn Quốc và có một cuộc gặp kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ tại Nhà Tự do.

Kết thúc, ông Trump tuyên bố, hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Người đứng đầu nước Mỹ cũng cho biết, ông sẽ mời Chủ tịch Kim sang thăm Nhà Trắng.

Gặp gỡ Mỹ-Triều tại DMZ: sau tất cả sẽ còn lại những gì? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump làm nên lịch sử khi đặt chân lên đất Triều Tiên (ảnh: AFP)

DMZ trở thành tâm điểm của thế giới

Những người theo dõi cuộc gặp gỡ hôm chủ nhật đã có cơ hội nhìn thấy (trên truyền hình và trên mạng) những hình ảnh chân thực về khu vực DMZ. Có chiều dài 250 km và chiều rộng 4 km, DMZ đã chia cắt hai miền Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua. Nơi đây được kiểm soát bởi các binh lính Hàn Quốc, Triều Tiên và Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Ống kính camera cũng chiếu cận cảnh những rào chắn tại "ngôi làng đình chiến" Panmunjon – cách Seoul 53 km và cách Bình Nhưỡng 147 km. Năm 1953, một hiệp định ngừng chiến từng được ký kết tại ngôi làng này, tạm thời chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên đã kéo dài 3 năm.

Năm 2017, một người lính Triều Tiên tìm cách chạy sang Hàn Quốc qua khu vực được canh gác cẩn mật giữa hai nước, đã dẫn tới vụ nổ súng từ cả hai phía biên giới. Theo AP, vụ việc gây chấn động nhất tại Panmunjon xảy ra vào năm 1976 khi hai binh lính Mỹ bị thiệt mạng trong khi đang chặt một cái cây được cho là che khuất tầm nhìn từ đài quan sát. Washington thậm chí đã cử các máy bay ném bom tới DMZ nhằm đáp trả. Căng thẳng chỉ dịu đi sau khi Chủ tịch Kim Il-sung lên tiếng và bày tỏ sự tiếc nuối.

Chờ đợi những gì sẽ xảy ra tiếp theo

"Cuộc gặp có ý nghĩa rất lớn bởi vì nó cho thấy chúng ta muốn đem lại cái kết cho quá khứ không vui và cố gắng tạo ra một tương lai mới, vì vậy đó là một động thái rất đáng khích lệ và đã được xác định rõ", nhà lãnh đạo Kim phát biểu.

"Tôi không nghĩ cuộc gặp bất ngờ như thế này có thể diễn ra mà không có mối quan hệ cá nhân tuyệt vời giữa ngài và tôi", ông Kim nói với Tổng thống Trump tại Nhà Tự do.

"Nếu ông ấy không xuất hiện, truyền thông sẽ khiến tôi trông rất tệ", người đứng đầu nước Mỹ chia sẻ. "Vì vậy, ông [Chủ tịch Kìm Jong-un] đã giúp cả hai chúng ta trông đều tuyệt vời và tôi đánh giá cao điều đó".

Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc gặp gỡ được ca ngợi là một khoảnh khắc biểu tượng cho sự hàn gắn, ông Trump vẫn thể hiện sự mong muốn đạt được một giải pháp cho quá trình đàm phán hạt nhân đang bị ngưng trệ với Triều Tiên, đặc biệt là trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Rõ ràng, nhà lãnh đạo Mỹ không giấu giếm ý định coi đây là một cột mốc quan trọng cho chiến dịch tái tranh cử của mình.

Mặc dù vậy, các cơ quan tình báo và giới phân tích Mỹ lại kết luận, Triều Tiên "gần như chắc chắn" sẽ không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Bình Nhưỡng gần đây đã làm dấy lên những quan ngại cho cộng đồng quốc tế bằng một loạt các vụ phóng tên lửa và hỏa tiễn, mà gần nhất vừa diễn ra vào tháng 5.

"Ngày mai, Triều Tiên vẫn sẽ có vũ khí hạt nhân và Mỹ vẫn sẽ duy trì trừng phạt", Leif-Eric Easley, phó giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Phụ nữ Ewha, Seoul nhận định.

Ngay cả Tổng thống Trump, giữa vô vàn lời ngợi khen sau cuộc gặp lịch sử ngày 30/6, cũng không ngần ngại đưa ra những lời lẽ thận trọng khi nói: "Mọi thứ thậm chí sẽ còn mang tính lịch sử hơn nếu có điều gì xảy ra từ sự kiện này".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ