(Tổ Quốc) - Cân bằng giữa liên minh an ninh với Mỹ và mối quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ không dễ dàng cho người thay thế ông Rodrigo Duterte làm Tổng thống Philippines.
Khi người dân Philippines đi bỏ phiếu vào tháng 5 năm nay để bầu ra một nhà lãnh đạo mới, sự kiện này có thể đánh dấu sự thay đổi quan điểm của Manila về tranh chấp Biển Đông, về quan hệ của Philippines với đồng minh an ninh Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất Trung Quốc.
Bất kỳ ai thay thế ông Rodrigo Duterte làm tổng thống (hiện có năm ứng cử viên hàng đầu cho vai trò này), người đó sẽ phải đối mặt với ba tình huống khó xử khi nắm quyền.
Đầu tiên là làm thế nào để mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhằm thúc đẩy phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời đẩy lùi những thách thức ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với lợi ích hàng hải của Manila.
Thứ hai là làm thế nào để tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ để hỗ trợ hiện đại hóa quân đội của Philippines và bảo vệ vị thế của nước này trong các vùng biển tranh chấp mà không gây phản cảm quá mức với Bắc Kinh.
Thứ ba là làm thế nào để đánh giá và phản ứng với các "nhóm liên kết nhỏ xung quanh" do Mỹ dẫn đầu, chẳng hạn như nhóm an ninh Quad - với Australia, Nhật Bản và Ấn Độ - cùng thỏa thuận Aukus - với Anh và Australia - mà không ảnh hưởng đến cam kết của Manila đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Kỹ năng của Philippines trong việc điều hướng tình hình đang biến động hiện tại sẽ quyết định xem liệu nước này có thể vươn lên trở thành một cường quốc tầm trung và có thể gây ảnh hưởng đáng kể trong khu vực hay không.
Vị thế không thể bác bỏ của Trung Quốc
Khi nói đến Trung Quốc, thái độ của nước này vẫn chưa được nhất quán. Có sự công nhận rõ ràng về vai trò ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với nền kinh tế Philippines. Trong những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng hóa Philippines, nhà đầu tư lớn thứ hai và là nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng tích cực.
Do đó, câu hỏi không còn là liệu Trung Quốc có thể hỗ trợ cho sự phát triển lớn mạnh về kinh tế của Manila hay không, mà là liệu điều này có khiến Philippines gặp khó khăn trong chính sách đối ngoại hay không.
Trung Quốc là một bên chi phối lớn của một số dự án quan trọng hiện đang được triển khai ở Philippines, bao gồm nhà máy thép tích hợp đầu tiên của nước này và một công ty viễn thông mới đang tìm cách phá vỡ thế độc quyền hiện có trên thị trường. Một con đập do Trung Quốc tài trợ hứa hẹn sẽ giải quyết những thảm họa về nước của khu vực trung tâm Manila trong mùa hè và giảm thiểu lũ lụt trong mùa gió chướng. Năm nay, dự án tuyến đường sắt chở hàng Subic-Clark do Trung Quốc hậu thuẫn cũng dự kiến được bắt đầu nhằm mục đích thúc đẩy các khu kinh tế Trung tâm Luzon và đẩy các công ty rời khỏi các cảng đông đúc của Manila. Ở những nơi khác, một tuyến đường sắt liên kết với Trung Quốc cũng được lên kế hoạch cho Mindanao, hòn đảo lớn thứ hai của Philippines và là nơi có các đồn điền nông nghiệp lớn nhất của nước này. Tất cả những yếu tố kể trên làm tăng động lực cho Manila giữ quan hệ thân tình với Bắc Kinh.
Nhưng điều này cũng dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan thứ hai - liệu Manila có thể đạt được cân bằng và củng cố mối quan hệ với Washington trong khi không mất lợi ích với Bắc Kinh?
Giữ vững quan hệ đồng minh lâu đời?
Washington cung cấp vũ khí cho Philippines, đào tạo và cung cấp thông tin tình báo, đồng thời hỗ trợ hoạt động chống khủng bố và nâng cao năng lực hàng hải của nước này. Sự hiện diện của quân đội, khí tài Mỹ cũng được coi là một biện pháp ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc và cung cấp năng lực tương tác quan trọng giữa quân đội hai bên trong những thời điểm bất ổn.
Mỹ cũng tán thành phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, theo đó ủng hộ lập trường của Manila và bác bỏ các tuyên bố chủ quyền trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông. Về mặt kinh tế, Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu của Philippines, đối tác thương mại lớn thứ ba và là thị trường quan trọng cho lĩnh vực gia công đang phát triển mạnh mẽ của nước này. Do đó, không thể đánh giá thấp giá trị lâu dài của liên minh và chiều hướng kinh tế của các mối quan hệ giữa họ.
Nhưng quan hệ liên minh cũng có thể ảnh hưởng đến kinh tế, ví dụ như việc triển khai lá chắn tên lửa Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc đã cho thấy vào năm 2017. Hành động đó đã làm căng thẳng quan hệ của Seoul với Bắc Kinh khi ngành bán lẻ và du lịch của Hàn Quốc bị Trung Quốc tẩy chay.
Và với khoảng cách đang ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, khả năng các đồng minh cấp dưới của Washington có thể bị thiệt hại về kinh tế từ các biện pháp trả đũa có thể có của Trung Quốc đang ngày càng lớn hơn. Nguy cơ này có thể khiến Manila lo ngại tham gia các cuộc tuần tra chung với hải quân Mỹ và đồng minh ở Biển Đông, đặc biệt là khi không có các thành viên còn lại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng tham gia.
Cuối cùng, sự bất đồng quan điểm của ASEAN đối với nhóm Quad và những chia rẽ về cách nhìn nhận tác động của Aukus làm phức tạp thêm việc Manila tiếp nhận các thỏa thuận an ninh mới. Khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, các nước trong khu vực có khả năng sẽ tăng gấp đôi việc khẳng định quyền tự chủ chiến lược của ASEAN.
Làm thế nào để Philippines có thể dung hòa vị thế là đồng minh lâu đời của Mỹ, thể hiện được quan điểm cứng rắn về Trung Quốc và là thành viên sáng lập của ASEAN, vốn coi trọng sự trung tâm và trung lập? Tình thế này sẽ là phép thử dũng khí ngoại giao của bất cứ ai trở thành nhà lãnh đạo mới của Philippines. Và đó là điều mà những người đang tranh cử cho vị trí này nên suy ngẫm một cách nghiêm túc.