(Tổ Quốc) - Sau hai năm dịch bệnh, các nhà lãnh đạo thế giới tuần này sẽ tập trung tại Liên Hợp Quốc trong phiên họp cấp cao của Đại hội đồng khóa 77.
Đối mặt với một loạt thách thức gia tăng chưa từng có, các nhà lãnh đạo thế giới tuần này sẽ tham gia cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm đưa ra các hướng giải quyết đối với vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu cũng như những chia rẽ giữa các siêu cường trên thế giới.
Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 sẽ diễn ra từ ngày 20-26/9 với sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và các quan chức ngoại giao hàng đầu của các quốc gia.
Sau hai năm dịch bệnh Covid-19, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ một lần nữa tập trung tại phòng họp lớn của Liên Hợp Quốc trong phiên họp cấp cao của Đại hội đồng khóa 77 với hy vọng duy trì nền hòa bình lâu dài từ sau Thế chiến II. Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng sẽ bắt đầu bằng buổi thảo luận về vấn đề giáo dục. Sự gián đoạn của việc dạy và học trong hai năm đại dịch Covid-19 vừa qua sẽ có tác động lan tỏa trong nhiều thập niên tới. Bên cạnh đó, khủng hoảng Ukraine cũng là vấn đề quan trọng trong phiên họp của Đại hội động Liên hợp quốc. Phiên họp cũng sẽ tập trung vào những thách thức khác như tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, khủng hoảng khí hậu leo thang, mối đe dọa của nạn đói và làn sóng thông tin sai lệch. Thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề như vậy khi bước vào năm thứ ba của đại dịch Covid-19.
Theo hãng AP, lần đầu tiên kể từ khi Liên hợp quốc ra đời, các quốc gia châu Âu đang phải chứng kiến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do leo thang căng thẳng ở Ukraine. Những diễn biến như vậy đang khiến lãnh đạo ở nhiều quốc gia thực sự lo lắng về nỗ lực gìn giữ hòa bình khu vực và ngăn chặn bất ổn. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết sự chia rẽ chiến lược đang khiến toàn cầu đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Ông Guterres cũng chỉ ra những ảnh hưởng từ khủng hoảng Ukraine đến nền kinh tế toàn cầu.
Giá lương thực và năng lượng leo thang đang ảnh hưởng nặng nề đến những người nghèo nhất trên thế giới và các quốc gia đang "bị chia rẽ" thay vì hợp tác cùng nhau và giải quyết các tranh chấp trong hòa bình – hai nguyên tắc trọng tâm của Liên hợp quốc.
"Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ họp trong thời điểm vô cùng quan trọng. Lần đầu tiên sau ba năm, các nhà lãnh đạo sẽ trực tiếp có bài phát biểu riêng tại Đại hội đồng. Sẽ không còn các cuộc họp trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19", Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết.
Sự tham gia lớn của các nhà lãnh đạo
Theo thông lệ, Brazil là nước phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng và sau đó là đến Mỹ, nước chủ nhà. Tuy nhiên, năm nay, bởi Tổng thống Joe Biden dự tang lễ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, bài phát biểu của Mỹ sẽ phải lùi sang ngày 21/9. Cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo thế giới, được gọi là cuộc Thảo luận chung sẽ bắt đầu vào sáng ngày 20/9 .
Số lượng lớn các nước tham gia phản ánh tầm quan trọng của phiên họp năm nay. Các nước không chỉ trình bày quan điểm của mỗi quốc gia mà còn là cuộc họp nơi nhiều cá nhân, các nhà ngoại giao thảo luận về nhiều hoạt động kinh tế thế giới. Trong nhiều năm qua, bộ trưởng ngoại giao của 5 thành viên thường trực của Hội Liên hợp quốc bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp thường có cuộc gặp mặt bên lề hội nghị. Tuy nhiên, trong năm nay, không có cuộc gặp nào diễn ra của đại diện 5 quốc gia này.
Ông Richard Gowan, Giám đốc Nhóm khủng hoảng quốc tế của Liên hợp quốc cho biết vấn đề Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực sẽ là hai chủ đề bao trùm và sẽ là sự nhắn nhủ thông điệp từ các nhà lãnh đạo phương Tây. Vì vậy, phiên họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào 22/9 tới sẽ tập trung vào leo thang căng thẳng ở Ukraine, trong đó Pháp sẽ chủ trì cuộc họp tháng này.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cũng khẳng định Liên hợp quốc sẽ phải đối mặt với "khủng hoảng lòng tin" từ người dân trong nỗ lực giải quyết các vấn đề gần đây. Bà Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh "sẽ tăng gấp đôi cam kết của chúng tôi" về một thế giới hòa bình và tuân thủ các nguyên tắc về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và an ninh. Đây là lý do tại sao Mỹ đang tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực cũng như biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy sức khỏe toàn cầu và duy trì vai trò của Liên Hợp Quốc.
Và năm nay, ngoài một số lãnh đạo được mong chờ nhất là Tổng thống Biden, Tổng thống Zelensky thì những nhà lãnh đạo đáng chú ý khác bao gồm Thủ tướng Anh Liz Truss, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, hay tân Tổng thống Kenya William Ruto cũng sẽ tham gia. Nga sẽ cử Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov tới dự phiên họp Đại hội đồng năm nay./.