(Tổ Quốc) - Căng thẳng đang tăng cao sau cuộc đụng độ chết người tháng trước ở dãy Himalaya và gia tăng nhiều lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Sự đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalaya đã khiến mối quan hệ giữa hai nước lạnh nhạt và đe dọa làm suy yếu các nỗ lực lâu dài về cải thiện quan hệ kinh tế.
Các công ty Trung Quốc đã trở thành mục tiêu tại Ấn Độ sau vụ đụng độ chết người vào ngày 15/6, trong đó 20 lính Ấn Độ đã thiệt mạng cùng với số thương vong của Trung Quốc không được tiết lộ.
Hai thị trường lớn đụng độ nhau
Chính phủ Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả nền tảng video phổ biến TikTok, trích dẫn các vấn đề liên quan đến chủ quyền và bảo mật, trong khi Liên minh các thương nhân Ấn Độ, đại diện cho 70 triệu thương nhân và 40.000 hiệp hội thương mại, đang dẫn đầu một chiến dịch tẩy chay các mặt hàng Trung Quốc.
Cho đến nay, Trung Quốc không công bố bất kỳ hành động kinh tế trả đũa nào, nhưng họ đã cảnh báo Ấn Độ phải suy nghĩ lại về quyết định của mình và cho biết hành động của Delhi đang đi ngược lại các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Có rất nhiều nguy cơ cho cả hai bên nếu mối quan hệ này tiếp tục xuống dốc.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đã đổ hàng tỷ khoản đầu tư vào thị trường Ấn Độ mới nổi và bốn phần năm các nhà sản xuất điện thoại thông minh ở Ấn Độ là người Trung Quốc, theo tính toán từ công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint.
Du Youkang, một chuyên gia nghiên cứu về Nam Á tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho biết: "Họ (Ấn Độ-pv) luôn có thể tìm thấy những lựa chọn thay thế, nhưng nó sẽ khiến họ giảm đi chất lượng sản phẩm và tốn kém tiền bạc".
Trước đây đã có những lời kêu gọi từ Ấn Độ về việc tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc, nhưng chúng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Nhưng trong nhiều năm, Ấn Độ đã cố gắng giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, hiện đang ở mức lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào.
Số liệu mới nhất từ chính phủ Ấn Độ cho thấy khoảng cách thâm hụt đã giảm từ 53,5 tỷ USD năm 2018 xuống còn 48,7 USD vào năm ngoái, nhưng mức giảm này đi kèm với việc giảm tổng khối lượng thương mại.
Bộ thương mại Ấn Độ đã báo cáo sự sụt giảm 6% trong quan hệ thương mại song phương mới nhất với Trung Quốc, trị giá 81,9 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2020.
Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ, Ấn Độ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc.
Khó mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực khác
Rất khó để xác định người thắng và người thua trong mối quan hệ kinh tế căng thẳng như vậy. Ấn Độ là một thị trường rộng lớn và Trung Quốc cũng có những giao dịch tốt cho các doanh nghiệp Ấn Độ, ông Du nói.
"Đó là lý do tại sao Trung Quốc và Ấn Độ thực sự hiểu rõ về ý định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mọi thứ có thể bị đình trệ trong năm nay vì tình hình chính trị, nhưng điều đó sẽ không thay đổi hướng đi chung của mối quan hệ kinh tế đó", theo chuyên gia này.
Amitendu Palit, một nghiên cứu viên cao cấp chuyên về thương mại và kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết các chính sách gần đây của Ấn Độ sẽ có tác động lâu dài ngay cả khi căng thẳng chính trị hiện tại không gây ra sự thay đổi mạnh mẽ trong mối quan hệ kinh tế của họ.
Việc Ấn Độ quyết định cấm các ứng dụng tạo ra vấn đề cho các nhà phát triển phần mềm Trung Quốc trong việc tiếp cận thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, nơi các ứng dụng như TikTok có sức hấp dẫn lớn. Đồng thời, các nhà sản xuất nội dung số của Ấn Độ cũng sẽ phải chịu cảnh thiếu các nền tảng và cơ hội có doanh thu đủ đầy.
Một tổ chức tham vấn về chính sách đối ngoại của Ấn Độ Gateway House cũng ước tính rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ kể từ năm 2015.
Trước khi xảy ra xung đột biên giới, chính phủ Ấn Độ đã tăng cường xét lại đầu tư của Trung Quốc và đã kêu gọi tự lực trong việc phát triển kinh tế.
Chính sách thắt chặt sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia có chung biên giới với Ấn Độ đã được đưa ra vào tháng 4 và được coi là nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc.
Vào tháng 3, nhóm nghiên cứu Brookings đã tính toán rằng đầu tư hiện tại và đã được lên kế hoạch của Trung Quốc vào Ấn Độ ở mức 26 tỷ USD - nhiều hơn nhiều so với các nước láng giềng khác như Pakistan hay Bangladesh.
Các quốc gia khác cũng đang đánh giá lại mối quan hệ thương mại của họ với Trung Quốc sau khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và mối lo ngại ngày càng tăng về các sản phẩm công nghệ Trung Quốc.
Do đó, các công ty Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục khách hàng ở Ấn Độ rằng sản phẩm của họ được sản xuất tại chính Ấn Độ.
Tại buổi ra mắt sản phẩm vào tháng trước, Xiaomi, một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, đã nhấn mạnh rằng 99% điện thoại và hầu hết TV thông minh của họ được sản xuất tại Ấn Độ.
Quan hệ của Trung Quốc và Ấn Độ luôn luôn thiếu niềm tin. Hôm nay, sự thiếu hụt niềm tin đó đang ở mức cao kỷ lục, ông Palit nói. Mối quan hệ kinh tế sẽ vẫn được duy trì, mặc dù họ có thể thấy khó mở rộng sang các lĩnh vực khác, như đầu tư, du lịch, giáo dục đại học.
Một điều rất quan trọng đối với cả hai nước là phát triển một cơ chế song phương để đảm bảo rằng họ có thể kinh doanh với sự tin tưởng vào nhau. Điều quan trọng hơn đối với Trung Quốc là thuyết phục Ấn Độ làm điều này, theo chuyên gia này.