• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải đáp sức mạnh Nga trong Nhất đới, nhất lộ?

Thế giới 22/05/2017 22:10

(Tổ Quốc) - Chuyên gia Nga chia sẻ về "chân diện mục" dự án "Nhất đới, nhất lộ" của Trung Quốc và sự liên quan của Nga.

Tuần trước, diễn đàn hợp tác quốc tế về “Nhất đới, nhất lộ” - “Một vành đai, một con đường” đã kết thúc tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Alexei Maslov, một trong những học giả hàng đầu của Nga và là chuyên gia nghiên cứu về Đông Á, đã nói chuyện với Sputnik về những kết quả hội nghị này đạt được và mục đích thực sự của dự án “Một vành đai, một con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc.

Sức mạnh của Trung Quốc?

Là dự án tham vọng nhất của Trung Quốc, “Một vành đai, một con đường” được nhiều người nhìn nhận là sáng kiến kinh tế và thương mại liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, chủ yếu là giao thông và năng lượng như đường xá, cầu, đường ống dẫn khí, hải cảng, đường sắt và các nhà máy điện.

Giáo sư Alexei Maslov, học giả về nghiên cứu châu Á tại Đại học Kinh tế cao cấp của Nga kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Quốc đã giải thích mục đích thực sự của Trung Quốc trong dự án này.

"Bên cạnh yếu tố kinh tế thuần túy, ý tưởng ban đầu có một khía cạnh khác. Dự án này thường được đề cập theo lập trường địa chiến lược dù Trung Quốc không muốn thể hiện điều này ra ngoài,", giáo sư Maslov chia sẻ với Sputnik.

Trọng tâm của dự án, được Trung Quốc đề xuất vào năm 2013, ông giải thích thêm, là Trung Quốc muốn đóng một vai trò quan trọng trong thế giới toàn cầu cùng với những quy tắc mới. Lúc này các quốc gia sẽ có vai trò mới của riêng họ.

Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Nhất đới, nhất lộ ở Bắc Kinh. (Nguồn: Sputnik)

Giáo sư Maslov lưu ý thêm rằng dự án này không công bố kế hoạch rõ ràng, không đưa ra thông số rõ ràng, tính toán chi phí, thời gian hoàn vốn hay các chi phí hoạt động khác cũng đều chưa rõ. Trung Quốc chỉ nói rằng họ đã sẵn sàng đầu tư vào dự án này, không cung cấp chi tiết về thời gian hoàn vốn hoặc những nội dung cụ thể nền kinh tế các nước tham gia nên đóng góp cho dự án này.

"Sự mơ hồ của sáng kiến này tuy nhiên đảm bảo tính "không thể bị đánh chìm" - khi không ai có thể đánh giá thành công của nó, điều cho phép Trung Quốc thay đổi các quy tắc của cuộc chơi tùy thuộc vào tình hình", chuyên gia này giải thích.

Trung Quốc, ông nói, hiện tại đang thúc đẩy sáng kiến này bằng cách tuyên bố các dự án đã tồn tại từ lâu là một phần của kế hoạch. Ông trích dẫn một ví dụ về việc xây dựng cây cầu Padma ở Bangladesh, dự kiến sẽ được khai trương vào tháng 12/2018 trong khuôn khổ dự án, trước đó đã được công bố trong năm 2010, rất lâu trước khi bắt đầu công bố dự án “Một vành đai, một con đường”. Bên cạnh đó là về dự án xây dựng hành lang Trung Quốc-Pakistan - kết nối thành phố Kashgar của Trung Quốc với thành phố cảng Gwadar của Pakistan, được khởi động vào năm 2002.

Phương Tây đang tự hỏi Trung Quốc cần nhiều hội nghị và thảo luận thường niên quy mô lớn về vấn đề trên để làm gì. Mục đích là hiển nhiên: nhìn nhận thế giới phản ứng ra sao với ý tưởng liên kết hoạt động quanh Trung Quốc và đánh giá như thế nào về tầm nhìn của nước này về một thế giới cởi mở hơn – điều không chỉ thuộc về các quốc gia phương Tây đã thiết lập các quy tắc đầu tiên cho thế giới hiện đại.

Giáo sư Maslov nói rằng Diễn đàn “Một vành đai, một con đường” vừa qua đã trở thành bài đánh giá đầu tiên về các đồng minh Trung Quốc đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Nhiều quốc gia trong số đó đang nhận được nhiều khoản đầu tư từ Bắc Kinh.

Lựa chọn thứ 3 từ Nga?

Sputnik cho biết, Trung Quốc đang cố gắng chứng minh sự thân thiện của họ với thế giới khi cố gắng tạo ra động lực mới cho các nước tham gia. Trung Quốc nói rằng dự án này mở cửa đối với tất cả các bên, tuy nhiên, các bên tham gia phải thừa nhận vai trò mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc định hình lại trật tự thế giới. Không có phương thức hướng tới các hoạt động chung cho tất cả các bên vì hiện tại chưa có cơ chế cho điều này, chuyên gia trên cho biết.

Vấn đề trên dường như được phân định rõ ràng: tham gia hoặc từ chối - như Hoa Kỳ, Ấn Độ và một số quốc gia châu Âu đã chọn.

Tuy nhiên, hiện tại đang có lựa chọn thứ ba – hiện diện trong các dự án hỗ trợ lẫn nhau. Đây là điều Tổng thống Putin đã phát biểu tại Diễn đàn vừa qua ở Bắc Kinh - bằng cách đề xuất hợp tác trong khuôn khổ “Một vành đai, một con đường” trên nền tảng sự tham dự của các cấu trúc như Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chuyên gia này nhận định, đây dường như là một ý tưởng tốt, tuy nhiên, không phù hợp với Trung Quốc – đang tập trung vào chiến lược tổng lực mở rộng ảnh hưởng địa chính trị trên thế giới và trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Tuy nhiên, Trung Quốc coi Nga là một đối tác chiến lược quan trọng, giáo sư Maslov nói. Không chỉ bởi vì dễ dàng và rẻ hơn khi vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ nước này mà còn do Nga là một đối tác có sức nặng của Bắc Kinh, sẵn sàng chấp nhận rủi ro của việc định hình lại trật tự thế giới cũng như không chỉ là một thành viên đơn thuần trong dự án của Trung Quốc.

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ