(Tổ Quốc)-Ngày 14/5, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.
Đã có lãnh đạo cấp cao 29 quốc gia tham dự. Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu.
Diễn đàn lần này với chủ đề “Vành đai và Con đường: Hợp tác vì thịnh vượng chung” có hội nghị bàn tròn của các nhà lãnh đạo và đối thoại cấp cao dành cho các bộ trưởng, doanh nghiệp và học giả.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết giành một ngân quỹ 113 tỷ USD cho sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nói rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm “gắn kết các chiến lược phát triển của những quốc gia khác nhau và bổ sung cho các lợi thế của nhau”. Và “Trung Quốc giao thiệp với thế giới dựa trên các đoàn lạc đà với một thái độ chân thành”.
Sáng kiến Vành đai và Con đường – từ ý tưởng đến hiện thực
Chiến lược Một vành đai, Một con đường, còn được gọi là Nhất đới Nhất lộ, với tên gọi chính thức “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), là đại chiến lược của Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Nó bao gồm vành đai con đường tơ lụa trên đất liền (NSR) bắt đầu từ Trung Quốc xuyên qua Trung Á, Nam Á, nối với Nga, Ngoại Kavkaz, Trung Cận Đông, Đông-Trung-Nam Âu. Con đường tơ lụa trên biển (MSR) bắt đầu từ Trung Quốc đi qua Biển Đông, Đông Nam Á hải đảo, Đông Phi, Bắc Phi, Trung Đông, tới Nam Âu. Bắc Băng Dương, Nam Thái Bình Dương cũng kết nối cùng NSR ở Nam Âu.
BRI là biểu hiện nổi bật của nỗ lực Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ra bên ngoài. 68 nước đã tham gia BRI bao gồm Mông Cổ, Nga và 5 nước Trung Á, 6 nước SNG, 6 nước Đông Nam Á, 8 nước Nam Á, 18 nước Trung-Đông-Nam Âu, một số nước ngoại vi Cáp ca dơ, 16 nước Tây Á-Bắc Phi-Trung Cận Đông, Úc và New Zealand, chiếm 63% dân số thế giới, 30% GDP và 40% kim ngạch mậu dịch thế giới.
BRI sẽ tiến hành qua 3 giai đoạn: Giai đoạn I, từ 2013 đến 2016, tạo cơ sở lý luận và vật chất, hình thành nhận thức chung dọc theo BRI, khởi công các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra đột phá trong việc xây dựng các khu vực mậu dịch tự do; giai đoạn II, đến 2024, hình thành cục diện nhất thể hóa, cơ bản hình thành mạng lưới các khu vực mậu dịch tự do tiêu chuẩn cao tại các quốc gia dọc theo BRI, với các con đường chiến lược thông qua biển Ban tích và Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương, được vận hành an toàn; giai đoạn III dự kiến hoàn thành vào năm 2049.
Qua 3 năm thực hiện, Con đường tơ lụa trên đất liền được thúc đẩy với tiến độ nhanh, bước đầu định hình hệ thống và mạng lưới; trong khi Con đường tơ lụa trên biển mới bắt đầu bằng một số dự án độc lập tại từng nước ở Đông Nam Á hải đảo, Đông Phi, Bắc Phi, Biển Đen, Địa Trung Hải, châu Âu và Bắc Cực.
Trung Quốc là nước “cấp” đầu tư chủ yếu cho BRI. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, kể từ năm 2013 đến nay, các khoản đầu tư của Trung Quốc liên quan đến sáng kiến BRI đạt 60 tỷ USD.
BRI nhằm kiến tạo không gian kinh tế cho Trung Quốc, hình thành “trục thương mại thứ ba” toàn cầu, đối lập với trục xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo, qua đó nắm quyền chủ đạo mậu dịch quốc tế, quyền định giá và quyền phân phối tài nguyên, tiến tới thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu do Bắc Kinh chi phối lâu dài.
BRI nhằm kiến tạo không gian kinh tế cho Trung Quốc, hình thành “trục thương mại thứ ba” toàn cầu |
Một rủi ro lớn là vấn đề bảo đảm an toàn vốn đầu tư. Nguồn tài chính cho BRI dự kiến trước mắt là 1.600 tỷ USD, chủ yếu là từ Trung Quốc, xuất phát từ ý chí chính trị của Bắc Kinh.
Tình hình chính trị phức tạp, bất ổn ở các nước mà BRI đi qua tạo ra những nguy cơ an ninh thực tế, với phản ứng khó lường của chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, lực lượng Tây Tạng lưu vong, Tân Cương lưu vong, các xung đột biển đảo và lãnh thổ… Trong 66 nước thuộc khu vực OBOR, có 44 nước ở vào trạng thái hòa bình tương đối, 15 nước ở trạng thái nguy hiểm, 11 nước ở trạng thái bất ổn định.
Tham gia vào BRI, Việt Nam đã thỏa thuận thực hiện nghiên cứu khả thi “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ”.
Đối với nhiều nước dọc các tuyến, BRI đem lại một giải pháp tiềm năng cho các vấn đề đối nội: tạo thêm việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp nhận FDI, góp phần thúc đẩy kinh tế.
BRI thành công sẽ là một sự đóng góp to lớn vào sự tiến bộ và phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải toàn cầu.
Với BRI, Trung Quốc thực hiện giai đoạn mới của xuất khẩu tư bản, xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu lao động, trong đó đầu tư nước ngoài được Trung Quốc xác định là hạt nhân của OBOR. Hy vọng, BRI không phải là con đường một chiều./.
Người bình luận