• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Giải mã” thông điệp Triều Tiên 2018: khoét sâu bất đồng Mỹ, Hàn?

Thế giới 02/01/2018 08:10

(Tổ Quốc) -  Bài phát biểu đầu năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un chứa đựng những thông điệp lạc quan cho bán đảo Triều Tiên?    

Sau một năm liên tục đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân dẫn đến căng thẳng không ngừng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bắt đầu năm 2018 với một thông điệp dường như lạc quan hơn rất nhiều.

Ông Kim Jong-un đã kêu gọi các cuộc nói chuyện nhằm đảm bảo cho thành công của Olympics mùa đông sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng Hai tới đây; đồng thời bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ hai miền Triều Tiên. Điều này được đánh giá là một thay đổi chiến lược của Bình Nhưỡng, vốn trước đó còn từ chối những đề nghị đối thoại của Seoul. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhanh chóng hoan nghênh động thái này và cho biết, ông và cộng đồng quốc tế sẽ phối hợp trong việc theo đuổi các cuộc thương lượng hoà bình.

Bài phát biểu đón chào năm mới của ông Kim Jong- có lẽ là một trong những thông điệp mang nhiều hứa hẹn về hoà bình nhất của Triều Tiên, kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, và bắt đầu gia tăng sức ép thông qua thắt chặt trừng phạt và đe doạ chiến tranh. Tuy nhiên, nó cũng có thể coi là bài khảo nghiệm cho sức mạnh của quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn Quốc – hiện đang có nhiều dấu hiệu căng thẳng xung quanh vấn đề làm sao để dừng chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

“Đó là một thông điệp tích cực và giờ đây quả bóng đã được đá sang phần sân của Seoul và Washington,” bà Duyeon Kim, một học giả cấp cao tại Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên, nhận định. “Ông Kim nói rất nhiều về cải thiện quan hệ Bắc – Nam; điều này có khả năng làm tăng bất đồng giữa các đồng minh, vì vậy việc quan trọng đối với Seoul là thông tin cho Washington tại mỗi bước đi và phối hợp với Mỹ tiến về phía trước”.

Trong khi Tổng thống Moon từng nói, Hàn Quốc sẽ đàm phán mà không cần các điều kiện tiên quyết, Mỹ lại nhiều lần khẳng định, họ sẽ không trực tiếp thương lượng với Triều Tiên cho đến khi quốc gia Châu Á từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Hôm Thứ hai (1/1), nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ rõ, điều đó sẽ không xảy ra. Ông cũng tuyên bố, toàn bộ nước Mỹ đã trong tầm ngắn và thề sẽ sản xuất nhiều đầu đạn hạt nhân hơn nữa.

“Đó là thực tế, không phải là một mối đe doạ, nút bấm hạt nhân luôn ở trên bàn của tôi,” ông Kim Jong-un nói, đồng thời cho biết, ông sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Triều Tiên bị đe doạ. “Nước Mỹ giờ đây sẽ không bao giờ có thể bắt đầu một cuộc chiến chống lại tôi và quốc gia của chúng ta.”

Khi được hỏi về những lời phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhân dịp đầu năm mới 2018, Tổng thống Donald Trump bình luận: “Chúng ta sẽ chờ xem, chúng ta sẽ chờ xem”.

Năm ngoái Triều Tiên đã nhiều lần tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc từng khẳng định, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Triều Tiên thử nghiệm vào tháng Mười một, có thể vươn tới nước Mỹ.

 Người dân theo dõi bài phát biểu chào mừng năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh: Bloomberg)

Triều Tiên muốn tham dự Thế vận hội Mùa đông?

Theo Giáo sư Koh Yu-hwan đến từ Đại học Dongguk tại Seoul, đồng thời là người đứng đầu một nhóm cố vấn cho Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống, những đề cập của ông Kim Jong-un về “nút bấm” trên bàn làm việc thể hiện một mục đích:  nó chứng tỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể triển khai bất kỳ lúc nào ngay cả khi vẫn còn tồn tại nhiều nghi ngờ xung quanh.

“Ông Kim có vẻ như e ngại rằng, các cuộc thử nghiệm tên lửa khác có thể khiến nước Mỹ quyết định lựa chọn quân sự,” Giáo sư Koh nói. “Bằng cách đề nghị việc cùng tồn tại hoà bình với Mỹ, ông Kim đang cố gắng chuyển hướng đến một bức tranh rộng lớn hơn”.

Thế vận hội Mùa đông 2018 được tổ chức tại Pyeongchang, chỉ cách biên giới Hàn Quốc – Triều Tiên chừng 80km. Đây có thể là một cơ hội để các bên “hạ hoả”. Tổng thống Moon đã nhiều lần kêu gọi Triều Tiên tham gia, và hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo Kim cũng tuyên bố rằng “chúng tôi thực sự hy vọng Thế vận hội sẽ thành công”.

“Đã đến lúc miền Bắc và miền Nam ngồi xuống và nghiêm túc tự mình thảo luận về cách cải thiện quan hệ liên Triều,” ông Kim nói. Ông cũng đề xuất, các quan chức cấp cao hai nước nên “nhanh chóng gặp mặt” để bàn bạc về khả năng Triều Tiên gửi vận động viên tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018.

Các yêu cầu của Bình Nhưỡng

Trong bài phát biểu của mình, ông Kim Jong-un cũng đưa ra một yêu cầu “quen thuộc” là Hàn Quốc dừng mọi cuộc tập trận với các lực lượng của Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc từng ám chỉ về một sự linh hoạt của Seoul đối với vấn đề này. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh NBC hồi tháng 12/2017, ông Moon tiết lộ đã yêu cầu phía Mỹ dừng các hoạt động tập trận thường niên cho đến sau Olympics.

Viện Chiến lược An ninh Quốc gia của Hàn Quốc đánh giá, trong các cuộc thương lượng, Triều Tiên có thể nhắm đến một số nhượng bộ khác để tham gia Olympics, như là dỡ bỏ cấm vận, khôi phục hợp tác kinh tế và cung cấp viện trợ nhân đạo…

Tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua những lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước tới nay đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng gọi động thái này là một “hành động chiến tranh”. Triều Tiên bị cấm xuất khẩu các mặt hàng như hải sản, than đá, đồ may mặc và bị hạn chế nhập khẩu dầu…

Năm 2017 cũng chứng kiến những màn “đấu võ mồm” giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump từng đề cập đến ý tưởng làm bạn với ông Kim, và kêu gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên thoả thuận về chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước mình.

Hàn Quốc và Mỹ phải mở to mắt

Bloomberg nhận định, bài phát biểu của ông Kim Jong-un chỉ là sự khởi đầu, còn một giải pháp cuối cùng vẫn là một điều rất xa vời. Washington đã tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu hạt nhân, và chính quyền Tổng thống Trump cũng không ít lần đe doạ, quân sự luôn là một khả năng lựa chọn để ngăn ngừa các mối đe doạ hạt nhân.

Mỹ và Hàn Quốc nên phản ứng lại các lời nói của Triều Tiên bằng “những con mắt mở to”, chuyên gia Duyeon Kim từ Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên, cảnh báo. Theo bà, hai nước phải tập trung vào hành động của nhau, và bàn bạc chặt chẽ về các bước tiếp theo. “Quan trọng là cả hai bên phải tiếp tục kiềm chế và gửi đi những tín hiệu tích cực,” bà Kim nói.

(Theo Bloomberg)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ