• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trừng phạt Triều Tiên: Bình mới, rượu cũ

Thế giới 30/12/2017 21:11

(Tổ Quốc) - Đòn trừng phạt của LHQ vào Triều Tiên đối mặt thực tế khó khăn.

Ngày 22/ 12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đã thống nhất áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên nhằm đáp trả việc nước này phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới (ICBM), Hwasong-15 vào ngày 29/11.

Về mặt văn bản, nghị quyết 2397 nhằm hạn chế sự tiếp cận của Bình Nhưỡng đến các nguồn năng lượng quan trọng và thu nhập ngoại tệ để buộc nước này quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, một lần nữa, ý định của nghị quyết này phải đối mặt với một thực tế khó khăn.

Mục tiêu khắc nghiệt trừng phạt Triều Tiên

Nghị quyết này nhằm mục đích ngăn chặn 89% xuất khẩu xăng dầu tinh chế sang Triều Tiên, hạn chế ở mức 500.000 thùng/năm, giảm so với mức 2 triệu thùng do một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trước đây đưa ra vào tháng 9.

Nghị quyết này cũng giữ nguồn cung cấp dầu thô ở mức 4 triệu thùng/năm, và có khả năng giảm thêm nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân hoặc tên lửa khác. Hơn nữa, nghị quyết này cấm xuất khẩu tới Triều Tiên các thiết bị công nghiệp, máy móc, phương tiện vận tải, và các kim loại công nghiệp và 15 cá nhân Triều Tiên và Bộ Các lực lượng vũ trang nhân dân vào diện cấm đi lại và đóng băng tài sản toàn cầu.

Ngoài ra, nghị quyết yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên của LHQ trục xuất các công nhân Triều Tiên trong vòng 24 tháng. Bình Nhưỡng gửi ít nhất 60.000 (còn Hoa Kỳ ước tính khoảng 93.000) công nhân ra nước ngoài, đến 20 quốc gia khác nhau, với khoảng 50.000 người ở Nga và Trung Quốc. Nhiều người cho rằng Bình Nhưỡng đang cắt giảm thu nhập của các công nhân để bù đắp ngân sách của họ, điều theo các nhà phân tích cho rằng có thể từ 200 - 2 tỉ đô la một năm.

Nghị quyết hướng tới một nguồn thu nhập rất cần thiết khác của Triều Tiên là cấm xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm, máy móc, thiết bị điện, gỗ, tàu thủy, quặng và khoáng chất của Bình Nhưỡng như magnesit và magiê. Cuối cùng, hướng tới việc cho phép các quốc gia thành viên bắt giữ, kiểm tra, và đóng băng tại cảng hoặc vùng biển của họ những chiếc tàu nghi ngờ vận chuyển hàng hoá bị cấm đến hoặc đi từ Triều Tiên.

Thêm bốn tàu Triều Tiên mới bị LHQ cấm tiếp cận các cảng biển quốc tế.

Sóng gió bàn nóng LHQ về trừng phạt

Tuy nhiên, chưa có sự đồng thuận nhiều trong khi đưa ra nghị quyết trên. Khởi đầu, chính quyền Trump muốn tất cả những người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài bị trục xuất trong vòng 12 tháng, điều người Nga và Trung Quốc phản đối và đã mở rộng tới 24 tháng.

Hoa Kỳ cũng đã hướng tới một lệnh cấm nhập khẩu dầu, nhưng sau "thảo luận và vận động" và cuối cùng là một thỏa hiệp với Bắc Kinh, đã dẫn tới các hạn chế nói trên. Tương tự với lập trường của Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết Moscow không sẵn sàng hỗ trợ các biện pháp trừng phạt bóp nghẹt Triều Tiên.

Sự thỏa hiệp này cũng bao gồm hạ thấp mức ngăn chặn các tàu Triều Tiên trong vùng biển quốc tế từ là một "nghĩa vụ" xuống do "quyết định của các quốc gia thành viên". Hơn nữa, cả Moscow lẫn Bắc Kinh nhấn mạnh rằng trọng tâm cần phải là đàm phán hơn là trừng phạt, và kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế.

Cũng có một khoảng cách đáng kể giữa các mục tiêu của nghị quyết và cách thực  hiện những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ này trong thực tế. Một lần nữa, Trung Quốc vẫn không muốn ép chặt người hàng xóm Triều Tiên.

Theo Peter Ward, nhà bình luận của NK News, nói với Reuters, nếu buộc thực hiện "mức hạn ngạch về dầu sẽ tàn phá đối với ngành vận chuyển hàng hoá của Triều Tiên, đối với người Triều Tiên sử dụng máy phát điện ở nhà hoặc đối với các hoạt động sản xuất, và đối với cả (các doanh nghiệp nhà nước)".

Triều Tiên phản ứng mạnh

Cách phản ứng của Bình Nhưỡng cũng vẫn theo dự kiến. Họ gọi nghị quyết mới "một hành động chiến tranh" và vi phạm chủ quyền Triều Tiên, và tuyên bố sẽ củng cố thêm lực lượng phòng vệ hạt nhân của mình. Cố vấn cao cấp của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), ông Chris Green, cho biết trong một thông báo bằng email rằng sự lên án của Bình Nhưỡng "đã được điều chỉnh xuống mức độ căng thẳng trung bình". Và bởi vì nó được đưa ra dưới hình thức một tuyên bố của Bộ Ngoại giao (không phải từ bản thân ông Kim Jong- un), đó là "một chỉ số cho thấy rằng Triều Tiên đang giữ chỗ cho khả năng điều chỉnh."

Green tiếp tục: "Nghị quyết mới nhất không phải là phương tiện thay đổi cuộc chơi ... . 2397 không làm gì nhiều hơn là phát triển trên các nghị quyết trước đó".

"Tuy nhiên," Green nói thêm, "bằng cách gợi ý rằng dầu thô có thể trở thành mục tiêu của các nghị quyết sau đó, 2397 đang gửi (hoặc có ý gửi) một thông điệp cứng rắn" tới Bình Nhưỡng. Kể từ khi nghị quyết được ban hành vào tháng 12, Green cho rằng chính phủ Bình Nhưỡng chưa thể tiến hành một cuộc thử hạt nhân nữa từ nay đến tháng 2 (thậm chí giả định về tính khả thi về mặt kỹ thuật trong mùa đông lạnh giá của Triều Tiên). Và dù một cuộc thử tên lửa khác có thể xảy ra, chúng tôi "sẽ phải chờ tuyên bố năm mới của ông Kim Jong Un để xem sự thay đổi về lập trường [của Triều Tiên]", ông nói.

Theo ông John Park, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Harvard Kennedy, nói với Reuters, các biện pháp trừng phạt có thể mất nhiều năm mới có tác động đầy đủ, trong khi Bình Nhưỡng đang tiến bộ nhanh trong chương trình vũ khí của nước mình. Nếu kế hoạch "sử dụng lệnh trừng phạt như là công cụ chính sách phi quân sự cuối cùng nhằm đưa Triều Tiên tới con đường phi hạt nhân hóa, chúng ta có thể nhanh chóng thấy Washington sẽ chuyển sang ưu tiên các lựa chọn quân sự", ông Park nói.

Điều này khiến cho Seoul bấp bênh giữa những xu hướng hình thành cơn bão. Một mặt, họ hoan nghênh các biện pháp trừng phạt, kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt những lời khiêu khích, và đã khởi động một đội đặc nhiệm mới trong Bộ Quốc phòng Hàn Quốc để ngăn chặn và đối phó hiệu quả hơn với các mối đe doạ của Bình Nhưỡng. Mặt khác, họ tiếp tục thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm sự tham gia của Bình Nhưỡng trong Thế vận hội mùa đông sắp tới, đề nghị huỷ bỏ hoặc đình chỉ các cuộc tập trận quân sự thường niên với Hoa Kỳ và cố gắng kiềm chế các lời kêu gọi quân sự đang tăng lên từ Washington D.C.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ