(Tổ Quốc) - Vấn đề Trung Quốc hiện ra lờ mờ ngay cả khi họ vắng mặt tại Đối thoại Raisina, khi các chuyên gia thảo luận về thương mại và an ninh.
Nếu những lo ngại về Trung Quốc chỉ hiện ra âm thầm trong quá khứ thì điều đó đã nổi lên trên bề mặt tại Đối thoại Raisina năm nay tại New Delhi.
Trong một cuộc thảo luận tại Đối thoại Raisina tuần trước, nơi có các quan chức quân sự hàng đầu từ Ấn Độ, Australia, Pháp và Nhật Bản, người điều hành đã quay sang chỉ huy hải quân Ấn Độ, Đô đốc Karambir Singh và hỏi: Tuyên bố mối quan ngại số một, hai và ba của khu vực [Ấn Độ-Thái Bình Dương] này là Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc đúng ở mức như thế nào?"
Singh bình tĩnh liệt kê những lo ngại của Ấn Độ. Sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực, theo ông, đã phát triển nhanh chóng và các tàu chiến Trung Quốc đã tiến vào vùng biển của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa ra cảnh báo.
Trung Quốc không có đại diện chính thức nhưng các hành động của họ - đặc biệt là các chiến lược thương mại và hàng hải - đã phủ bóng lên cuộc họp kéo dài ba ngày này. Sự tham gia của người Trung Quốc tại Đối thoại Raisina luôn rất lãnh đạm: không có quan chức Trung Quốc nào đang đương chức từng tham dự nhưng các học giả và chuyên gia Trung Quốc thường tham gia.
Điều này đã dẫn đến một thành viên chỉ ra tại hội nghị năm ngoái, Trung Quốc là con voi trong phòng họp. Những mối quan ngại là có nhưng vẫn bị giữ im lặng, người này nói, và đến năm nay, những mối quan tâm như vậy hiện đang được bày tỏ cởi mở hơn.
Câu hỏi Ấn Độ-Thái Bình Dương
Hoa Kỳ định nghĩa Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực trải dài từ bờ biển phía tây Ấn Độ đến bờ biển phía tây của Hoa Kỳ - vượt qua Ấn Độ Dương và bao trùm Đông Nam Á.
Trong thập kỷ qua, sự bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Biển Đông và hoạt động quân sự gia tăng đã làm dấy lên những "cái nhướn mày" của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov tại New Delhi lại bày tỏ không hài lòng với chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lavrov hỏi: Tại sao bạn cần gọi châu Á-Thái Bình Dương là Ấn Độ-Thái Bình Dương? Câu trả lời là hiển nhiên: để loại trừ Trung Quốc. Thuật ngữ nên được dùng thống nhất, không nên gây chia rẽ.
Quan điểm của ông không nhận được nhiều sự ủng hộ giữa các diễn giả hội nghị. Những năm vừa qua, Ấn Độ đã lên tiếng bảo vệ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, một sự chuyển mình từ lập trường thận trọng trước đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale cho biết khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương có liên quan đến khu vực, [điều sẽ] có lợi về mặt kinh tế cũng như về mặt an ninh.
David Johnston, phó chỉ huy hải quân Australia, và Luc de Rancourt, phó giám đốc về quan hệ quốc tế tại Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp, cũng ủng hộ khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Một cách riêng biệt, ông Johnson bảo vệ cơ chế "Quad" - một nhóm quân sự chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - trong khi Rancourt bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc tại Djibouti, quốc gia nằm ở vị trí chiến lược trên vùng Sừng châu Phi.
Thương mại định hình khu vực
Hội thảo cũng có sự tham dự của Amy Searight, từng là trợ lý Bộ trưởng về Nam và Đông Nam Á trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong thời kì chính quyền Obama. Chiến lược [Ấn-Thái Bình Dương] không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc mà là chống lại nước này ở những khu vực mà ảnh hưởng của họ bị coi là có vấn đề, bà nói. Ý tưởng là để chống lại Trung Quốc bằng cách xây dựng một nguyên tắc liên minh và cùng nhận thức, và một trật tự dựa trên các quy tắc để gây sức ép ngang hàng với Trung Quốc và để hành xử của họ trở nên lành tính hơn và ít vấn đề hơn.
Vào thứ Tư tuần trước, ngày thứ hai của hội nghị, Mỹ và Trung Quốc đã công bố một hiệp định thương mại một phần, được cho là có thể giúp xuống thang trong cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng. Sự kiện này đã được phản ánh trong các cuộc đối thoại về thương mại.
Bộ trưởng thương mại Ấn Độ Piyush Gidel ủng hộ quyết định của Hoa Kỳ áp dụng thuế quan và gián đoạn dòng chảy thương mại để phản ứng về thâm hụt thương mại với một số quốc gia. Ông nói Ấn Độ rõ ràng đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, lưu ý rằng Ấn Độ đã mở cửa thị trường nhập khẩu mà không nhận được quyền tiếp cận vào các thị trường khác, dẫn đến thâm hụt thương mại.
Những gì Tổng thống Trump làm chỉ là một hồi chuông cảnh tỉnh, ông nói. Gidel thậm chí còn đổ lỗi cho Trung Quốc về việc Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, hiệp định thương mại tự do của 15 quốc gia, được gọi là RCEP.
Chúng tôi có những lo ngại rất nghiêm trọng về cách Trung Quốc tiến hành giao thương và cách hệ sinh thái Trung Quốc bị khóa lại, ông nói.
Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, nhưng bảng thu chi lại không được cân đối: xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ trị giá 75 tỷ USD trong khi xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc chỉ trị giá 18 tỷ USD, theo dữ liệu do chính phủ Trung Quốc công bố hôm thứ Năm tuần trước.
Tiến sĩ Shen Dingli, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan, Trung Quốc là một trong số ít những người từ Trung Quốc đại lục tham dự Đối thoại Raisina. Ông dự đoán sự mất cân bằng thương mại này sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Thực tế đơn giản là, Trung Quốc sản xuất hàng hóa mà Ấn Độ cần trong khi điều tương tự không được thực hiện, về mặt bình đẳng từ phía Ấn Độ, ông nói. Điều đó và thực tế là sản xuất của Trung Quốc vượt trội hơn nhiều, lao động của họ rẻ hơn, có nghĩa là Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn Ấn Độ trong thương mại".