(Tổ Quốc) - Hãng tin AP nhận định, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang "tận dụng" đại dịch COVID-19 bùng phát để thúc đẩy một vấn đề từ lâu đã là một khúc mắc trong quan hệ với Trung Quốc: Đài Loan.
Virus corona mới hiện tạo ra thêm một khía cạnh cho căng thẳng Mỹ-Trung vốn đang bị rạn nứt bởi cuộc chiến thương mại, những tranh cãi xung quanh sở hữu trí tuệ, nhân quyền cũng như chính sách của Bắc kinh về Hong Kong và Biển Đông. Mặc dù những bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, chúng vẫn tiếp tục tăng nhiệt trong bối cảnh COVID-19 đang lây lan khắp toàn cầu và Mỹ hiện là quốc gia có số lượng người nhiễm virus nhiều nhất thế giới. Không chỉ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch trong công bố thông tin về dịch bệnh, Washington còn không ngừng ca ngợi Đài Loan như là một hình mẫu về kiểm soát COVID-19 thành công trên thế giới.
Cụ thể hơn, Mỹ đang vận động để Đài Loan được gia nhập các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) - với vai trò một thực thể độc lập. Cả WHO và ICAO đều có tầm quan trọng lớn trong những nỗ lực toàn cầu đối phó với virus corona mới. Đồng thời, Washington cũng tìm cách giảm những tác động từ việc trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục thuyết phục thành công các nước nhỏ từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Nhận thức được điều trên, chính phủ Trung Quốc ngay lập tức có biện pháp đáp trả. Kể từ năm 1949, Đài Loan luôn nỗ lực tự khẳng định mình mặc dù chưa từng tuyên bố độc lập trong khi Bắc Kinh coi hòn đảo 23 triệu dân là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để khẳng định điều đó nếu cần thiết.
Hôm thứ năm (2/4), Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, họ đã tiến hành một hội nghị trực tuyến để thúc đẩy việc "mở rộng sự tham gia của Đài Loan trên chính trường thế giới". Vài ngày trước đó, ngày 26/3, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Donald Trump đã ký một đạo luật yêu cầu Mỹ gia tăng sức ép để Đài Loan được chấp nhận trên các diễn đàn thế giới, đồng thời có hành động chống lại các nước "phá hoại an ninh và thịnh vượng của Đài Loan".
"Tại hội nghị ngày 31/3, các bên liên quan đã thảo luận về những nỗ lực tiếp diễn để tái khôi phục vai trò quan sát viên của Đài Loan tại Hội đồng Y tế Thế giới cũng như các con đường hợp tác chặt chẽ hơn giữa Đài Loan và Tổ chức Y tế Thế giới", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay. "Các quốc gia trên thế giới có thể hưởng lợi từ sự thấu hiểu tốt hơn về 'Mô hình Đài Loan', cũng như sự đóng góp to lớn và ấn tượng của Đài Loan tới cộng đồng toàn cầu".
Trong một cập nhật trên Twitter vào cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ viết: "Đài Loan cần phải giữ một vai trò trong y tế toàn cầu và nên là một quan sát viên của Hội đồng Y tế Thế giới".
"Mô hình Đài Loan" đề cập tới những biện pháp nghiêm ngặt mà Đài Loan đã thực hiện để ngăn cảm sự lây lan của COVID-19. Tính tới cuối tuần trước, Đài Loan mới chỉ ghi nhận 329 ca dương tính với virus và 5 trường hợp tử vong. Ngoài ra, Đài Loan dự kiến sẽ quyên góp 7 triệu chiếc khẩu trang y tế cho các nước châu Âu và 2 triệu chiếc cho Mỹ.
Về phần mình, Bắc Kinh tỏ thái độ không hài lòng trước "những trao đổi thường xuyên gần đây giữa Mỹ và Đài Loan" cũng như những lời "có cánh" mà Washington dành cho Đài Bắc.
"Có vẻ như tiêu chuẩn của Mỹ không được cao lắm do Đài Loan đã viện 2 triệu chiếc khẩu trang, từ đó trở thành hình mẫu dân chủ và một người bạn thực sự của Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói ngày ¾. "Trong thời điểm hiện tại, sự trợ giúp và hỗ trợ lẫn nhau tất cả đều được hoan nghênh. Nhưng tôi vẫn muốn nhắc nhở Mỹ và Đài Loan rằng, nếu ai đó muốn lợi dụng đại dịch để gây thiệt hại tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, họ sẽ phải cẩn trọng".
"Việc tái đánh giá sự lãnh đạo của WHO là vô cùng cấp bách", Thượng nghị sỹ Ted Cruz nói. "bằng cách liên tục thuận theo Trung Quốc, từ làm giảm tính nghiêm trọng của COVID-19 tới loại bỏ Đài Loan [ra khỏi tổ chức], WHO đã mất đi độ tin cậy cần thiết để có thể hoạt động hiệu quả".
Tương tự, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio nhấn mạnh: "Tinh thần cởi mở của Đài Loan đang tỏa sáng từ trước tới nay và một lần nữa hòn đảo đã tự vượt qua bản thân mình. Đài Loan xứng đáng được ngợi khen vì những nỗ lực để bảo vệ người dân và hỗ trợ các nước khác trong đại dịch COVID-19".
Không ngạc nhiên khi Đài Loan thể hiện sự cảm kích và đồng tình trước những lời lẽ tích cực từ Mỹ.
"Chúng tôi rất biết ơn vì Mỹ tiếp tục ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế như WHO", phái đoàn ngoại giao Đài Loan tại Geneva nói với chia sẻ với hãng tin AP. "Sẽ có lợi cho toàn thế giới nếu Đài Loan được quyền tiếp cận và tham gia đầy đủ tất cả các cuộc họp và cơ chế của WHO".
Trong khi đó, WHO được cho là đang trong một vị thế khó khăn và các quan chức của tổ chức này đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó trả lời liên quan tới vấn đề Đài Loan trong những tuần gần đây. Tuần trước, WHO đưa ra thông cáo trong đó nêu rõ, họ ghi nhận những đóng góp của Đài Loan trong cuộc chiến chống COVID-19.
"Câu hỏi về tư cách thành viên của WHO phụ thuộc vào các nước thành viên của WHO chứ không phải là nhân viên của WHO", thông cáo cho hay.
Trở lai với Đạo luật Đài Bắc 2019 mới được Tổng thống Trump phê chuẩn vào cuối tháng 3, một trong những mục tiêu của đạo luật được đánh giá là nhằm vào các nước vừa chuyển sang đặt hệ ngoại giao với Trung Quốc thay vì Đài Loan, bao gồm Panama, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Các đảo Solomon và Kiribati.
Tuy nhiên, với sự ủng hộ của lưỡng đảng, đạo luật cũng hướng tới mục đích nâng cao vị thế của Đài Loan tại các tổ chức như WHO và ICAO.
"Virus corona làm nổi bật hơn nữa tầm quan trọng của việc đưa Đài Loan vào những cuộc đối thoại liên quan tới chia sẻ thông tin và hoạch định hậu cần do di chuyển bằng hàng không là một yếu tố chính trong sự lây lan toàn cầu của virus", Uỷ ban Các vấn đề Đối ngoại Hạ viện Mỹ viết trong một bức thư gửi tới ICAO hồi tháng 2. "Loại trừ Đài Loan ra khỏi các cuộc đối thoại quan trọng này một cách thiếu thận trọng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn của 23 triệu người dân Đài Loan và hơn thế nữa".