(Tổ Quốc) - Tại sao Nga, Mỹ và EU đột nhiên lại cùng hợp tác ở Moldova - một quốc gia từng thuộc Liên Xô, nhằm ủng hộ cho chính phủ mới do một Thủ tướng thân EU lãnh đạo?
Trong bối cảnh mối quan hệ Nga – EU, Nga – Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức, bao gồm lệnh trừng phạt kinh tế, chiến dịch thông tin sai lêch, cáo buộc can thiệp bầu cử…, liên minh trên tưởng như khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, ngay cả Tổng thống thân Nga của Moldova Igor Dodon cũng gọi chính phủ mới thành lập là "một thành công ngoại giao Đông-Tây và… có lẽ là một cây cầu kết nối phương Tây với Liên bang Nga".
Thế bế tắc chính trị của Moldova
Hồi tháng hai, Moldova đã tổ chức bầu cử Quốc hội, nhưng cho tới tận ngày 8/6, không một đảng phái nào có thể lên cầm quyền hoặc thành lập liên minh với nhau. Khối thân EU ACUM, do Maia Sandu – cựu quan chức Ngân hàng Thế giới đứng đầu, từ chối hợp tác với Đảng Dân chủ Moldova. Đảng này bị ACUM cáo buộc là đã tìm cách đầu độc chính bà Sandu và một ứng cử viên khác là Andrei Nastase trong chiến dịch tranh cửu. ACUM cũng phản đối chính phủ do Đảng dân chủ lãnh đạo vì tình trạng tham nhũng.
Trong khi đó, Đảng Những người xã hội thân Nga lại tỏ ra sẵn sàng gia nhập liên minh với những người Dân chủ đang cầm quyền. Đây được coi là một nền tảng cho sự ra đời của một chính phủ mới.
Bà Maia Sandu (trái) lãnh đạo khối ACUM thân EU (ảnh: AFP)
Sự can thiệp từ bên ngoài
Tuy nhiên, chính Điện Kremlin lại tỏ ý phản đối liên minh trên. Không chỉ gọi nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Moldova Vlad Plahotniuc là một đối tác liên minh "có độc", Moscow còn kêu gọi Đảng Những người xã hội không "ăn phải trái táo độc". Theo tờ Washington Post, Điện Kremlin không hề mong muốn một nhà chính trị gia có sức mạnh, độc lập và thường chống đối Nga, có thể củng cố ảnh hưởng quyền lực tới chính trị và kinh tế Moldova.
Thay vào đó, Moscow ủng hộ cho một liên minh giữa khối thân EU ACUM và Đảng Xã hội thân Nga. Quá trình thương lượng kéo dài. Không một bên nào sẵn lòng "sánh vai" cũng đối thủ chính trị đang có ý định đưa Moldova đi theo con đường đối lập. ACUM muốn Moldova gia nhập EU còn Đảng Những người xã hội lại muốn quốc gia Đông Âu trở thành một thành viên của Liên minh Âu-Á – liên minh kinh tế do Nga đứng đầu.
Rất nhiều nỗ lực ngoại giao quốc tế đã được triển khai để các bên có thể đi tới một thỏa thuận cuối cùng. Những người thường xuyên có mặt tại Moldova bao gồm Cao ủy mở rộng EU Johannes Hahn, Giám đốc các vấn đề Đông âu của Bộ Ngoại giao Mỹ Brad Freden và Phó Thủ tướng Nga Dmitri Kozak. Cuối cùng vào ngày 8/6, Đảng Những người xã hội và ACUM rốt cuộc đã công bố rằng, họ đang thiết lập một "quan hệ đối tác" – không phải là một liên minh – với mục tiêu lật đổ sự thống trị của Đảng Dân chủ, chấm dứt tình trạng tham nhũng… tại Moldova. Cả Nga và phương Tây đều thống nhất ủng hộ cho chính phủ liên minh giữa ACUM và Những người xã hội – nhằm đưa Plahotniuc và Đảng Dân chủ khỏi chiếc ghế quyền lực, đồng thời hạn chế sức ảnh hưởng khổng lồ của ông này tới các cơ quan chính trị Moldova.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Moldava, Igor Dodon (phải) (ảnh: getty)
Tuy nhiên, Plahotniuc không chấp nhận thua cuộc dễ dàng. Đảng Dân chủ cầm quyền từ chối công nhận chính phủ mới của bà Sandu với lý do thời hạn thành lập liên minh đã trôi qua. Các đồng minh của ông tại Tòa án Hiến pháp tuyên bố chính phủ mới không có giá trị, bỏ phiếu cách chức Tổng thống Dodon và chỉ định Thủ tướng Pavel Filip là Tổng thống tạm thời. Filip nhanh chóng giải tán quốc hội – bất chấp nhiều nghị sỹ kiên quyết không tuân theo - và kêu gọi bầu cử mới. Đảng Dân chủ sau đó chiếm giữ các cơ quan chính phủ chủ chốt. Trong 7 ngày, Moldova có hai Tổng thống và hai Thủ tướng.
Các đại diện Nga và phương Tây ngay lập tức đã cùng hợp tác thuyết phục ông Plahotniuc "ra mặt" để ngăn cản bạo lực bùng phát. Sau nhiều cuộc gặp gỡ, Đảng Dân chủ thông báo từ chức nhằm tránh bạo lực và nhà lãnh đạo Đảng tạm thời rời đất nước. Theo một số tin đồn, ông Plahotniuc và các đồng sự muốn lẩn tránh các cuộc điều tra liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, bà Sandu tuyên bố: "tất cả những ai phải chịu trách nhiệm sẽ được đưa về Moldova".
Chính phủ liên minh mới có lâu dài?
Washington Post nhận định, đây là một vấn đề khó trả lời. Hai bên hầu như không có điều gì chung ngoại trừ mong muốn giành lại quyền lực từ tay Plahotniuc. Bà Sandu nhấn mạnh, chính phủ của bà sẽ hướng về quan hệ thân cận hơn với EU, cùng lúc tăng cường hợp tác kinh tế với Nga. Tuy nhiên, các mục tiêu này rõ ràng loại trừ lẫn nhau. Bầu cử mới sẽ được tổ chức ngay khi tất cả những yếu tố liên quan tới Plahotniuc đã bị thanh lọc.
Điện Kremlin bày tỏ niềm tin rằng, một khi Plahotniuc rời đi, các lực lượng thân Nga có thể dễ dàng chiếm ưu thế tại Moldova. ACUM chỉ giành được 26,84% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng hai, còn Đảng Những người xã hội giành được 31,15%.
Moscow cũng có thể dựa vào các đảng khác để huy động phiếu bầu từ những cử tri muốn gia tăng sự độc lập của Moldova trong quan hệ với cả Nga và EU. Theo một đạo luật mới đề xuất, Tổng thống Dodon sẽ nắm quyền kiểm soát lĩnh vực quốc phòng và tính báo của Moldova.
Giờ đây, tại Moldova các đảng thân EU đang nắm quyền lãnh đạo trong mối hợp tác với Đảng Những người xã hội thân Nga. Bất chấp sự mong manh của liên minh hiện tại, cuộc chạy đua giữa Nga và EU nhằm tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia bé nhỏ này vẫn luôn sôi động và đầy kịch tính.