• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giữa tín hiệu Nga: Truy vết thăng trầm khó lường Mỹ - Thổ?

Thế giới 03/04/2019 11:07

(Tổ Quốc) - Từng là một bên tham gia cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Xô và là thành viên NATO quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ lại đang thân cận với Nga trong kỷ nguyên của ông Trump.

Cựu binh Thổ Nhĩ Kỳ Osman Yasar Eken rõ ràng đồng minh của mình là ai khi ông chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ trong Chiến tranh Triều Tiên. Lúc này ông không chắc lắm, Bloomberg cho biết.

Sóng gió Mỹ - Thổ

Liên minh của chúng tôi với Hoa Kỳ và NATO chỉ nằm trên giấy tờ, ông Eken cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Hiệp hội Chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara. "Họ chỉ hỗ trợ chúng tôi bất cứ khi nào lợi ích của chúng tôi chồng chéo".

Theo Bloomberg, với vị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á và có thể kiểm soát việc tiếp cận Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ là một lực lượng đáng kể đối phó lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, con đường trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO cuả Thổ Nhĩ Kỳ lại đến từ cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Được kết nạp vào liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương vào năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai trong NATO sau Mỹ. Nhưng đối với Eken, những ngày là đồng minh đã qua. "Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bỏ lại một mình và đang cố gắng tìm ra con đường của riêng mình", ông nói.

Giữa tín hiệu Nga: Truy vết thăng trầm khó lường Mỹ - Thổ? - Ảnh 1.

NATO và Mỹ lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ đang xích lại gần Nga. (Ảnh minh họa: Reuters)

Bloomberg nhận định, trong bối cảnh NATO kỷ niệm 70 năm thành lập, sự ngờ vực trên đến từ cả hai phía. Mỹ và liên minh đang hoảng hốt trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tối tân từ Nga, trong khi những tuyên bố không hài lòng về nhau giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Donald Trump đã đẩy mối quan hệ ngày càng xuống thấp.

Những nhượng bộ của ông Trump đối với Israel, ủng hộ Juan Guaido ở Venezuela và ủng hộ các chiến binh người Kurd trong cuộc chiến ở Syria đều bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối. Ông Trump cũng phần nào khiến kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thêm khó khăn bằng cách gây sức ép đối với việc thả một mục sư người Mỹ, kéo theo một cuộc khủng hoảng tiền tệ vào năm ngoái. Điều này cũng được cho là một yếu tố khi ông Erdogan thất bại ở Ankara và cả Istanbul trong cuộc bầu cử địa phương hôm Chủ nhật.

"Không hề thổi phồng nguy cơ được đặt ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ xa rời Châu Âu và Hoa Kỳ trong khi hướng tới phía Nga và Iran", James Stavridis, cựu tư lệnh tối cao của NATO, đã viết trong một bài viết trên Bloomberg View vào tháng 10 năm ngoái.

Hành động mạnh

Việc "ngửa bài" dường như là không thể tránh khỏi. Washington đang gây sức ép Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ kế hoạch mua S-400 của Nga, nói rằng động thái này sẽ đe dọa đến việc Washington cung cấp cho Ankara máy bay phản lực F-35 thế hệ tiếp theo. Lầu Năm Góc đang trì hoãn việc giao hai trong số các máy bay chiến đấu dự định huấn luyện phi công Thổ Nhĩ Kỳ, theo các quan chức quốc phòng Mỹ. Hệ thống S-400 không tương thích với NATO và Hoa Kỳ có mối lo ngại rằng nó có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo về khả năng tàng hình của F-35.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho Quốc hội về đề xuất bán hệ thống phòng không và tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12, nhưng Ankara yêu cầu việc tiếp cận công nghệ tên lửa là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào, điều mà Mỹ phản đối. Ông Erdogan đã đưa ra nhiều phản ứng mạnh hồi tháng trước, nói với kênh TV24 của Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc hủy bỏ thỏa thuận với Nga đã "bị loại ra khỏi câu hỏi".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng phủ nhận việc nước này quay lưng với châu Âu và nói rằng họ vẫn là đối tác trong các nhiệm vụ của NATO, bao gồm cả ở Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ có lắp một radar cảnh báo sớm tại Kurecik, một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO. Họ cũng tự hào về căn cứ không quân Incirlik, được sử dụng cho các hoạt động chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và trước đó, cũng địa điểm hoạt động chính của máy bay do thám U-2, cho đến khi máy bay của Francis Gary Powers, bị Liên Xô bắn hạ vào tháng 5 năm 1960.

Theo Bloomberg, sự cọ sát quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hoa Kỳ không có gì mới. Đốm lửa đã dấy lên khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối để quân đội Hoa Kỳ tới trong cuộc tấn công Iraq năm 2003. Không có công ty nào của Hoa Kỳ tham gia đấu thầu một hợp đồng trực thăng tấn công lớn của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2006, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng yêu cầu quyền tiếp cận mã phần mềm máy bay.

Eken còn nhắc tới sự xa cách từ thời xa hơn, từ vấn đề đảo Síp vào năm 1964, khi Tổng thống Lyndon Johnson cấm Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để bảo vệ người thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ ở đây. Khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công, vào năm 1974, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và nhà lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ các phụ tùng để vận hành các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ