• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tăng cường giám sát trường gắn mác quốc tế chứ đừng cấp phép rồi làm ngơ

Thời sự 19/08/2019 07:45

(Tổ Quốc) - “Trong bối cảnh hiện nay, việc các tổ chức xã hội, tư nhân tham gia đầu tư phát triển giáo dục là cần thiết nhưng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là phải tăng cường giám sát, không để tình trạng cấp phép rồi làm ngơ”- Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

Từ vụ việc học sinh lớp 1 Trường liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội) tử vong trên xe đưa đón, hàng triệu phụ huynh mới "té ngửa" về mác "quốc tế" được gắn vô tội vạ ở nhiều trường trong cả nước từ mầm non đến đại học. Câu chuyện đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp đối với hoạt động của hệ thống trường ngoài công lập này như thế nào. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

tin tuc -sk 38-17112016

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Nhiều trường danh xưng thế thôi nhưng chương trình chắp vá, chỉ thuê giáo viên nước ngoài và tăng tiết học ngoại ngữ lên rồi nói là trường quốc tế

+ Thưa GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, sau vụ việc đau lòng về một học sinh lớp 1 tử vong trên xe đưa đón của một trường gắn mác quốc tế, một cán bộ ngành giáo dục ở Hà Nội trả lời báo chí rằng ở Việt Nam không có khái niệm trường quốc tế. Vậy vì sao trước khi xảy ra vụ việc đau lòng trên, các trường vẫn thản nhiên gắn mác mà không bị cơ quan quản lý nào "tuýt còi"?

- Trước hết, cần khẳng định, trong Luật Giáo dục chỉ có trường công lập và ngoài công lập. Ngoài công lập thì có dân lập (có chuyển đổi thành tư thục nhưng chưa hoàn thành việc chuyển đổi), thứ hai là trường tư thục và thứ ba là trường có vốn đầu tư nước ngoài. Trường có vốn đầu tư nước ngoài phục vụ học sinh là người nước ngoài tại Việt Nam, có tuyển sinh 1 tỉ lệ nhất định là người Việt Nam theo tỉ lệ quy định). Vì vậy, có thể khẳng định, không có danh xưng nào là trường quốc tế. Nhất là trường tư thục do người Việt Nam thành lập và điều hành thì càng không thể sử dụng mác trường quốc tế.

Vấn đề là ai cấp phép cho họ, có thẩm định không? Với trường có vốn đầu tư nước ngoài có sự tham gia của Sở Kế hoạch, đầu tư và Sở Giáo dục, Đào tạo các địa phương. Có trường đủ điều kiện nhưng có những trường không đủ điều kiện cấp phép nhưng không có danh xưng quốc tế. Vậy thì Thanh tra ngành Giáo dục địa phương và ngành Kế hoạch, đầu tư phải tăng cường thanh tra, chấn chỉnh.

Thanh tra, kiểm tra ở đây không chỉ là chương trình đào tạo, mà kiểm tra thanh tra cả cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo... Nhiều trường danh xưng thế thôi nhưng chương trình chắp vá, chỉ thuê giáo viên nước ngoài và tăng tiết học ngoại ngữ lên rồi nói là trường quốc tế. Ngay cả hệ đại học, trước đây cũng có trường xưng là quốc tế, hỏi tại sao là trường quốc tế họ nói có giáo viên nước ngoài dạy. Thế là tự xưng danh quốc tế. Nghe nói trường đó có giấy phép nhưng thực tế tôi khẳng định trường đó không đẳng cấp quốc tế được.

+ Cùng với việc loạn danh xưng, học phí của các trường gắn mác quốc tế cũng rất chênh lệch. Có trường hơn 10 triệu đồng/tháng song có trường lên tới 50 triệu đồng/tháng. Việc này cũng không thể kiểm soát hay sao, thưa GS?

- Học phí thì Nhà nước quản lý ở các trường công lập, còn tư thục thì các trường tự quy định trên cơ sở đầu tư của họ. Theo tôi, trong cơ chế thị trường, giá cả phải là yếu tố cạnh tranh, các phụ huynh có con đi học thì phải tìm hiểu, đánh giá so sánh với các trường khác xem giá cả như thế có xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra không. Có nhiều trường thu rất cao, không tương xứng với chất lượng dịch vụ của họ. Phụ huynh phải là người tỉnh táo, đánh giá. Chứ thời kinh tế thị trường cũng rất khó để ép người ta lắm!

anh qte

Ngành Giáo dục phải tăng cường quản lý và phối hợp tốt với các ngành liên quan như Kế hoạch, đầu tư trong quản lý, thẩm định, cấp phép thành lập trường… (ảnh Bảo Trung)

+ Vậy theo GS, nếu muốn chấn chỉnh sự hỗn loạn này phải bắt đầu từ đâu?

- Từ việc thành lập các trường. Ngành Giáo dục phải tăng cường quản lý và phối hợp tốt với các ngành liên quan như Kế hoạch đầu tư trong quản lý, thẩm định, cấp phép thành lập trường…

Việc thứ hai, chính sách nhà nước phải ưu tiên cho phát triển giáo dục. Nơi nào phát triển trường tư thục nhưng không vì mục đích lợi nhuận, họ làm để phục vụ chính con em người dân ở địa phương, thì theo tôi nơi đó phải được ưu tiên như trường công lập. Vì họ tự bỏ tiền túi làm vì mục đích chung, không vì lợi nhuận, còn trường nào họ làm vì mục đích lợi nhuận, như một doanh nghiệp thì phải có chính sách riêng. Về đất đai, thuế má... phải phân biệt rạch ròi.

Thứ ba là phải tăng cường thanh tra giám sát. Việc này chủ yếu của ngành Giáo dục. Vì dù các trường tư làm kinh doanh nhưng trong lĩnh vực giáo dục, nên ngành giáo dục địa phương phải kiểm tra, giám sát. Có thể nói là nhiều khâu phải giám sát, không chỉ việc dạy đúng chương trình không, việc đưa đón học sinh đảm bảo an toàn hay không, việc an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ... mà còn có bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ làm việc trong trường không...

+ Theo GS, liệu có nên coi giáo dục như một ngành kinh doanh như hiện nay, trong khi ngành này là ngành trồng người?

- Ở nước ngoài vẫn có những người kinh doanh giáo dục được ứng xử đối xử như doanh nghiệp. Về chuyên môn vẫn chịu sự thanh tra, kiểm tra của ngành Giáo dục nhưng lại chịu chi phối như doanh nghiệp. Ở Mỹ, hệ Đại học thì công ty kinh doanh đại học vẫn làm, nhưng bằng cấp không được công nhận vì không có chất lượng. Còn từ cấp phổ thông trở xuống thì không có trường hợp nào hoạt động như doanh nghiệp cả.

Nhưng nước mình, nhà nước còn khó khăn cần có sự chung tay của tư nhân trong đầu tư phát triển giáo dục, y tế... trong quá trình đó, mình không tránh được nhưng cơ sở người ta làm vì lợi nhuận, chủ yếu là những người chủ trường. Còn giáo viên thì họ vẫn là nhà giáo, vẫn dạy con em mình, chứ không phải là người kinh doanh. Trong quá trình đó, mình cần có chính sách ứng xử phù hợp, cái gì cần ưu tiên thì ưu tiên, cái gì cần thu thuế thì thu thuế, để công bằng, hợp lý. Ở đây tôi nhấn mạnh, về chuyên môn thì phải có sự giám sát thường xuyên.

+ Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!

Hà An (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ