(Tổ Quốc) - Phóng viên của tờ India Times (Ấn Độ) đã bị ấn tượng về sự năng động của Việt Nam trong chuyến thăm tới đây.
Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một động lực kinh tế thực sự của khu vực Đông Nam Á. Nền tảng của quá trình phát triển năng động và thành công này được đặt ra từ việc ban hành các cải cách Đổi Mới vào những năm 1980, cùng với nghị lực và tinh thần kinh doanh của người dân Việt Nam, tờ India Times nhận định.
Sự đặc biệt của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Đối với phóng viên của tờ India Times, sự phát triển của 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là một minh chứng cho câu chuyện thành công này. Với không gian tươi sáng, hiện đại và sang trọng, thành phố Hồ Chí Minh là một đại diện cho phép màu phát triển của khu vực. Được biết đến về sự thúc đẩy, cởi mở với doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều quán cà phê, trung tâm thương mại và khu du lịch quy mô lớn. Từ những quán ăn nhỏ ven đường phục vụ khách hàng với những dụng cụ nhỏ bằng nhựa cho đến những thương hiệu khách sạn sang trọng nổi tiếng, TP. Hồ Chí Minh cho thấy sự thân thiện với doanh nghiệp và hội nhập của Việt Nam.
Và ở phía bắc, thủ đô Hà Nội có một diện mạo truyền thống hơn, đường phố tấp nập và mang lại một cảm giác thư thái. Nét quyến rũ của Hà Nội dần được hiển lộ từ những khu hồ nước yên ả, nhiều dãy quán cà phê giá bình dân và những quán phở truyền thống. Trải nghiệm ẩm thực và đồ uống ở đây, du khách dần cảm nhận được văn hóa Việt Nam, với sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, lịch sử và hy vọng cho tương lai, khả năng phát triển cùng tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, và trên hết là lòng hiếu khách nồng hậu, sẵn sàng học hỏi và thích nghi.
Với bức tranh tổng thể như vậy, sự phát triển của Việt Nam mang tính hữu cơ, ổn định và có nền tảng từ những trải nghiệm của chính quốc gia này. Phóng viên của tờ India Times cũng hình dung rằng hai thành phố lớn của Việt Nam - Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - giống như hai cây trụ lớn của đất nước, cùng giữ thăng bằng cho sự phát triển quốc gia.
Trong khi thành phố Hồ Chí Minh kết nối mạnh mẽ với thế giới và tạo động lực cho nền kinh tế và tinh thần kinh doanh của Việt Nam, thì Hà Nội với vị thế là thủ đô vẫn duy trì truyền thống và bản sắc Việt Nam độc đáo. Cùng với nhau, hai thành phố này tạo ra một sự cân bằng hoàn hảo, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy đất nước tiến lên một cách hữu cơ bền vững.
Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế
Thêm vào đó, Việt Nam ngày nay được coi là một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ động tham gia đề xuất xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ. Ví dụ trong bối cảnh vấn đề Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần nêu rõ: Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).
Việt Nam cũng có chính sách thương mại rất cởi mở và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại. Cho tới tháng 6/2022, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 FTA ở cả cấp độ song phương và đa phưng, thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Đáng chú ý là một số FTA đa phương lớn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu, …. Những điều này cho thấy rõ Việt Nam đang hội nhập tốt với nền kinh tế toàn cầu và đang nỗ lực đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực.
Toàn bộ những nỗ lực trên làm cho Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong bất kỳ kế hoạch nào nhằm duy trì sự ổn định ở Đông Á, vạch ra các quy tắc để đảm bảo hòa bình và phát triển, đồng thời thúc đẩy chuỗi cung ứng linh hoạt khi các quốc gia tìm cách giảm thiểu rủi ro từ bất ổn toàn cầu. Việt Nam, cùng với hai điểm nhấn ở 2 đầu đất nước, là một hi vọng phát triển cho khu vực, tờ India Times khẳng định.