(Tổ Quốc) - Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc không nằm trong lĩnh vực quy hoạch của KCN Thanh Vinh, không phải ngành Đà Nẵng cần.
- 23.03.2017 Dân vẫn chịu không nổi ô nhiễm do Công ty thép DANA – Ý gây ra
- 16.06.2017 Đà Nẵng quyết di dời dân sống gần hai nhà máy thép gây ô nhiễm
- 07.07.2017 Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ: “Nếu không giải tỏa, di dời dân được thì nhà máy phải đóng cửa”
- 26.07.2017 Di dời nhà máy thép gây ô nhiễm trước năm 2019!
Như Báo điện tử Tổ Quốc đã từng phản ánh, nhiều năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) sống chung với ô nhiễm do hai nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý gây ra.
Đã có nhiều cuộc họp, đối thoại giữa chính quyền với người dân nhằm tìm hướng giải quyết phù hợp cho hàng trăm hộ dân sống gần hai nhà máy. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngày 22/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đi thị sát hai nhà máy thép này. Tại buổi làm việc sau đó với UBND huyện Hòa Vang, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc được hình thành năm 2007, trong khi quy hoạch ở Khu công nghiệp (KCN) này là phát triển công nghiệp điện tử, dệt may, vật liệu xây dựng.
Nhà máy thép Dana Ý. |
Nói về vấn đề này, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết hai nhà máy này đặt ở vị trí hiện tại là phá nát hết quy hoạch. Hai nhà máy thép này không nằm trong lĩnh vực quy hoạch của khu công nghiệp Thanh Vinh, không phải ngành Đà Nẵng cần, sự tồn tại của hai nhà máy thép đang gây nguy cơ phá vỡ quy hoạch các ngành sản xuất khác.
“Đề nghị chính quyền cần giải quyết một lần cho xong, chứ không phá vỡ hết quy hoạch của thành phố. Đà Nẵng chẳng có lý do gì để nhận các ngành này cả”, Bí thư Trương Quang Nghĩa nói.
Theo đó, thay vì di dời dân cư sống xung quanh hai nhà máy, UBND TP Đà Nẵng cần tính đến phương án di dời hai nhà máy nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng triển khai giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, khói bụi từ hai nhà máy, nếu xảy ra tình trạng các chỉ số môi trường vượt quá mức cho phép, cần yêu cầu nhà máy dừng sản xuất ngay.