• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 5): Kỷ niệm về chuyến tác nghiệp trong bão của nhà báo 7 lần đến Trường Sa

Thời sự 07/06/2022 07:08

(Tổ Quốc) - Dù đã 7 lần được đặt chân đến Trường Sa, nhưng đối với nhà báo Nguyễn Đức Mạnh, chuyến đi đầu tiên vẫn mang lại cho anh nhiều cảm xúc, kỷ niệm nhất. Đó là chuyến đi vào những ngày cận Tết Nguyên Đán 2012, khi cả đoàn công tác bị "mắc kẹt" ở đảo Thuyền Chài tận 4 ngày vì cơn bão Washi. Khi phóng sự đầu tiên của nhà báo Đức Mạnh về Trường Sa được phát đi thì cũng đúng vào thời điểm chỉ còn vài tiếng nữa là đến giao thừa.

Trong hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 dịp tháng 5/2022, nhà báo Nguyễn Đức Mạnh - Phóng viên, Biên tập viên Ban Chuyên đề, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình tác nghiệp Trường Sa của mình.

- Chào nhà báo Đức Mạnh, tôi được biết anh đã có rất nhiều lần đến công tác tại Trường Sa. Anh cho thể chia sẻ về cơ duyên đó và kỷ niệm anh nhớ nhất là gì về Trường Sa?

+ Mình có may mắn là khi về công tác tại Đài Truyền hình TP.HCM thì được giao nhiệm vụ phụ trách biên cương hải đảo. Bạn hình dung, mặt và lưng hình chữ S mình đã đặt chân đến gần hết rồi. Chuyến đi này là lần quay lại Trường Sa thứ 7 của mình.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 5): Kỷ niệm về chuyến tác nghiệp trong bão của nhà báo 7 lần đến Trường Sa - Ảnh 1.

Nhà báo Đức Mạnh (áo trắng) phỏng vấn thành viên của Đoàn công tác số 7 trên đảo Tốc Tan C.

Trong số 7 lần đến Trường Sa thì chuyến đi đầu tiên là kỷ niệm nhất đối với mình, đó là chuyến thay quân cuối năm 2011 và đầu năm 2022. Chuyến đi đó có nhiều xúc cảm khi đoàn công tác của chúng tôi mang hoa mai, hoa đào, lá dong ra cho lính đảo đón Tết.

Mình vẫn còn nhớ, lúc đoàn tập trung ở Cảng Cam Ranh vẫn đang là áp thấp nhiệt đới, sau đó mạnh lên thành bão. Khi có tin áp thấp, đoàn dừng lại một ngày, nhưng sau đó trưởng đoàn vẫn quyết định cho tàu ra khơi. Khi chưa tới Trường Sa thì áp thấp mạnh lên thành bão số 7 (cơn bão Washi-PV). Hồi đó, mình đi tàu Trường Sa 22, điều kiện còn hạn chế, thiếu thốn rất nhiều, không hiện đại được như tàu KN491 bây giờ đâu.

Chuyến đi đó kéo dài đúng một tháng. Bạn hình dung là khi về tới đất liền xử lý xong bài vở thì phóng sự đầu tiên của nhóm mình phát sóng đúng đêm giao thừa luôn.

- Như anh kể thì đoàn công tác gặp cơn bão Washi, vậy câu chuyện tác nghiệp của anh lúc đó thế nào?

+ Mình vẫn còn nhớ như in về chuyến công tác trong bão năm đó, dường như ai cũng say sóng, nằm li bì. Nhưng đổi lại, cũng do bão nên bọn mình có thời gian ở trên đảo lâu hơn. Như ở đảo Thuyền Chài, bọn mình lưu lại đó 4 ngày. Và suốt 4 ngày ở đó, mình hiểu hơn về nếp sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ như thế nào.

Có những điều rất bình dị của người lính nhưng nếu chỉ đến thăm đảo trong thời gian 1, 2 buổi sẽ không cảm nhận được. Mình nghĩ chắc không có nhiều phóng viên được trải nghiệm những khoảnh khắc cùng lính đảo đi bắt ốc, đánh cá để tăng cường cải  thiện bữa ăn.

Và cũng trong những ngày đó, khi được sống với các chiến sĩ đảo Thuyền Chài, nhóm của chúng mình đã có một tác phẩm mà cho đến giờ vẫn không thể nào quên được. Đó là lúc mình thấy trong góc tủ của một anh chiến sĩ có 2 lá thư thò ra. Lúc đó mình có hỏi đùa anh chiến sĩ là thư của ai, nhưng anh chỉ cười và ngại không muốn nói.

Mãi đến tận mấy ngày sau, mình mới tìm hiểu được là anh chiến sĩ đó và vợ ở đất liền đã viết hơn 100 lá thư cho nhau kể từ khi anh nhận nhiệm vụ ra Trường Sa. Thời điểm đó, kíp mình đi có đạo diễn, quay phim, biên tập, ngay lập tức, tụi mình đã nảy ra ý định làm một bộ phim tài liệu về câu chuyện lính đảo và hậu phương ở đất liền. Sau khi thực hiện nhiều cảnh ở trên đảo, lúc về đất liền, bọn mình lặn lội về tận Biên Hòa, Đồng Nai, nơi vợ anh lính đảo đó đang làm giáo viên để tái hiện những cảnh còn lại.

Lúc đó, chúng mình đã nghĩ ngay đến một kịch bản kết nối, bởi đặc thù tác nghiệp ở Trường Sa đó là đã đi là rất khó để quay lại, và nếu có quay lại được thì bối cảnh, nhân vật cũng khác rồi. Nên tụi mình khai thác triệt để hết ở đảo Thuyền Chài, sau đó mình về Biên Hòa khai thác ngược lại. Có những câu thoại chúng mình đã lên ý tưởng trước, sau đó về Biên Hòa mình lại ráp  những câu thoại để liên kết phù hợp nhau.

Những thước phim tài liệu đó sau khi được phát sóng đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả cũng như gia đình của anh lính đảo đó. Và cho đến bây giờ, mình vẫn còn liên lạc với anh ấy, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn xuống thăm nhà nhau. Có lẽ, đó là một trong số những kỷ niệm rất đặc biệt của mình với Trường Sa.

- Lần quay trở lại Trường Sa này cảm xúc của anh như thế nào, có còn vẹn nguyên như những ngày đầu?

+ Mỗi chuyến đi bạn sẽ gặp gỡ những người khác nhau, họ cũng là lính hải quân nhưng mỗi người đến với Trường Sa đều có nỗi niềm riêng, câu chuyện riêng từ hậu phương. Câu chuyện ở hậu phương, kết hợp với câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió sẽ tạo ra những cảm xúc rất khác so với mỗi người.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 5): Kỷ niệm về chuyến tác nghiệp trong bão của nhà báo 7 lần đến Trường Sa - Ảnh 2.

Nhà báo Đức Mạnh tác nghiệp trên xuồng CQ, thời điểm này Đoàn công tác đang làm Lễ tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Chuyến đi đầu tiên đến Trường Sa lúc đó mình mới chưa 30 tuổi, nhưng bây giờ tôi đã gần 40 tuổi rồi. Những trải nghiệm cuộc sống khác nhau đã giúp mình có những cái nhìn khác về Trường Sa sâu sắc hơn, cảm thông hơn và trách nhiệm hơn.

Mỗi lần ra Trường Sa, mình đều cảm nhận được một sự khác biệt. Như ngày trước thì trường học, việc khám chữa bệnh, vật chất còn khó khăn, nhưng những năm qua, với sự chung tay của đất liền thì điều kiện sinh hoạt sống của quân và dân trên đảo cũng tốt hơn rất nhiều.

Bạn hỏi về tình cảm của mình đối với Trường Sa, chắc mình không cần phải nói nhiều bởi 7 lần đến Trường Sa đã đủ để chứng minh điều đó rồi.

- Kể từ chuyến đi đầu tiên đến nay đã 11 năm rồi, anh cũng đã có thêm 6 lần quay lại Trường Sa, chắc chắn anh đã quá nhiều kinh nghiệm và những tác phẩm để đời. Vậy anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp ở Trường Sa cho những đồng nghiệp của mình?

+ Điều đầu tiên bạn phải chuẩn bị đó là sức khỏe. Nếu bạn không có sức khỏe thì không thể đi được, khi bạn say sóng thì bạn không biết chuyện gì xảy ra ở trên tàu nữa.

Thứ hai, bạn phải tuân thủ tuyệt đối quy định của trưởng đoàn. Từ việc tuyên truyền cái gì, xuống đảo như thế nào, cách thức chuyển từ tàu sang xuồng CQ, khu vực được tác nghiệp ở trên đảo.

Có rất nhiều phóng viên, khi đến đảo thì cảm xúc bị lấn át. Tuy nhiên, là người làm công tác tuyên truyền, mình phải hài hòa để những thông tin bạn đưa về Trường Sa trước tiên là phải đúng. Có thể hay hoặc chưa hay nhưng phải đúng trước. Bởi tuyên truyền về biển đảo là lĩnh vực nhạy cảm, vì vậy đòi hỏi mỗi phóng viên đến với Trường Sa phải ý thức rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Khi ý thức được, bạn sẽ biết được bạn cần làm gì để có chuyến đi hiệu quả nhất, vừa đúng định hướng tuyên truyền của cơ quan, sở trường của mỗi người phóng viên khi đến tác nghiệp tại Trường Sa.

Đối với Trường Sa mỗi người sẽ có một cảm nhận một cách khác nhau, truyền tải một cách khác nhau. Có thể trong cơ quan bạn có rất nhiều người đi, ai cũng nhìn thấy người lính phất cờ, người lính ôm súng nhưng cảm nhận khác nhau và mỗi tác phẩm thể hiện cái tôi khác nhau của người làm báo.

Mình đã có rất nhiều tác phẩm về Trường Sa, có nhiều tác phẩm đạt huy chương vàng phim tài liệu Liên hoan truyền hình toàn quốc, giải báo chí tuyên truyền về chủ quyền biển đảo… nhưng mình phải nói thật rằng, mình đi Trường Sa không phải để làm giải, mình đi cho "đã cái nư" của người làm báo thôi.

Xin cảm ơn nhà báo Đức Mạnh về những chia sẻ của anh!

Bài 6: "Những bản tin phát thanh đặc biệt trên con tàu KN491"

Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ