• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàng loạt cuộc tiếp xúc báo hiệu thông điệp mới từ giới quân sự Mỹ - Thái

Thế giới 16/06/2022 10:17

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Thái Lan trong tuần này đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ để thúc đẩy quan hệ an ninh. Cuộc gặp phản ánh sự ấm lên rõ rệt của quan hệ giữa Bangkok và Washington, theo trang The Diplomat.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong tuần này đã có cuộc gặp tại Bangkok. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ an ninh giữa hai đồng minh đang hồi phục từ những căng thẳng của cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014.

Tín hiệu xích lại rõ rệt

Một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra sau cuộc họp cho biết hai bên "chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và thảo luận về các cơ hội để củng cố liên minh Mỹ - Thái Lan." Văn bản này cho biết thêm rằng ông Austin tuyên bố Washington quan tâm đến việc tăng cường "khả năng tương tác giữa các lực lượng Mỹ và Thái Lan cũng như hỗ trợ các nhu cầu hiện đại hóa của Thái Lan."

Theo tuyên bố này, ông Austin và ông Prayut cũng đã thảo luận về việc ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực kỹ thuật mới nổi, chẳng hạn như lĩnh vực công nghệ không gian và mạng, cũng như mong muốn của Thái Lan về "tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng".

Hàng loạt cuộc tiếp xúc báo hiệu thông điệp mới từ giới quân sự Mỹ - Thái - Ảnh 1.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Ảnh: AP.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết sau cuộc họp rằng hai quốc gia đã đồng ý tổ chức cuộc tập trận Hổ mang vàng Mỹ - Thái ở mức toàn diện vào năm tới sau khi cuộc tập trận này bị thu hẹp lại do dịch COVID-19.

Cuộc họp của ông Austin và ông Prayut, diễn ra sau cuộc gặp giữa hai bên bên lề Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN ở Washington, đã phản ánh sự ấm lên rõ rệt trong mối quan hệ giữa Washington và Bangkok. Chính phủ Mỹ đã tìm được cách làm việc với ông Prayut từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 và các nhà hoạch định chính sách Thái Lan cũng bắt đầu chú ý đến sự thâm nhập về mặt kinh tế và chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc vào nước này.

Ông Austin đã đến thăm Thái Lan từ Singapore, nơi ông tham dự Đối thoại Shangri-La kéo dài ba ngày. Trong một bài phát biểu vào ngày 11 tháng 6, ông Austin nói rằng các quốc gia trong khu vực "không nên đối mặt với sự đe dọa chính trị, cưỡng ép kinh tế hoặc quấy rối bởi các lực lượng dân quân hàng hải".

Trong bài phát biểu của mình, ông Austin cũng đưa ra đánh giá rằng "mạng lưới liên minh và đối tác chưa nước nào có được của Washington mới chỉ phát triển sâu sắc hơn" kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức vào đầu năm 2021. Thái Lan theo truyền thống đã hình thành một nút giao quan trọng trong mạng lưới liên minh của Mỹ, nhưng mối quan hệ đã có phần căng thẳng kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Trong khi đó, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ kinh tế giữa Bangkok và Bắc Kinh ngày càng sâu sắc.

Lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc

Tuy nhiên, trong một bài báo gần đây trên Asia Times, Shawn Crispin, nhà quan sát kỳ cựu về Thái Lan, lập luận rằng những tháng gần đây Thái Lan đã ghi nhận tín hiệu xích lại đáng kể với Mỹ, do mối quan ngại ngày càng tăng của các lực lượng ngoại giao và an ninh của Thái Lan rằng Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng đáng kể ở Thái Lan và các nước xung quanh – điều có thể hạn chế quyền tự do điều động của Bangkok.

Trích dẫn bình luận của một số quan chức ẩn danh của Thái Lan, chuyên gia Crispin nêu thêm một số lý do khiến Thái Lan lo ngại, bao gồm việc Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong, các cuộc tuần tra an ninh của Trung Quốc trên sông này và việc Trung Quốc đóng cửa biên giới do COVID-19 đã làm giảm sự giao thương với nước ngoài, trong đó có việc làm suy yếu các liên kết kinh tế vốn có của mối quan hệ Thái Lan-Trung Quốc.

Ông Crispin lập luận, mâu thuẫn đặc biệt là dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc hậu thuẫn nối Bangkok và Nong Khai của Lào. Giai đoạn đầu tiên của dự án đường sắt này sẽ chạy từ Bangkok đến Nakhon Ratchasima, hiện đang được xây dựng và dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2026. Nhưng kể từ khi bắt đầu khởi động vào năm 2014, dự án đã liên tục bị trì hoãn và lý do là từ vấn đề thiết kế và tài chính.

Ông Crispin kết luận: "Khi Bắc Kinh thực hiện chính sách ngoại giao cứng rắn hơn thì người Thái đang công khai quay lại với Mỹ và đồng minh khu vực của họ là Nhật Bản để có sự lựa chọn và cân bằng ngoại giao mới".

Tất cả những gì chúng ta đang chứng kiến hiện tại là một sự điều chỉnh hướng đi, chứ không hoàn toàn là một sự định hướng lại cơ bản. Sự cân bằng sẽ vẫn là nền tảng của ngoại giao Thái Lan trong thời đại cạnh tranh Trung-Mỹ ngày càng gia tăng, cũng theo chuyên gia này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ