• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góc chìm Thái Lan - Nhật Bản: Đột phá quân sự giữa loạt biến động toàn cầu

Thế giới 20/05/2022 11:17

(Tổ Quốc) - Trong nhiều năm, Nhật Bản và Thái Lan có mối quan hệ chặt chẽ trong tất cả các lĩnh vực, trừ quốc phòng. Nhưng điều đó đang bắt đầu thay đổi.

Thái Lan và Nhật Bản đã có hơn 600 năm giao lưu hữu nghị. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1887, Thái Lan chưa bao giờ gặp bất kỳ khó khăn nào với Nhật Bản ngoài những trục trặc trong Chiến tranh thế giới thứ hai và phong trào chống Nhật những năm 1970, được thúc đẩy bởi tâm lý lo sợ mất cân bằng thương mại và lo ngại và ảnh hưởng kinh tế của Nhật Bản. Hai quốc gia đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong tất cả các lĩnh vực - kinh tế, chính trị, liên lạc giữa các cá nhân và kết nối hoàng gia - ngoại trừ một vấn đề: quốc phòng.

Loạt điều chỉnh quan trọng

Với những ràng buộc về quy phạm và hiến pháp sau chiến tranh của Nhật Bản, cũng như việc Thái Lan không có mối đe dọa từ bên ngoài sau chiến tranh Đông Dương, sự can dự quân sự của Thái-Nhật theo truyền thống chỉ giới hạn trong các sứ mệnh "gìn giữ hòa bình" trong khuôn khổ liên minh của Liên hợp quốc hoặc Mỹ. Ví dụ như các hoạt động gìn giữ hòa bình năm 1999 ở Đông Timor (Nhật Bản là nước đóng góp tài chính lớn nhất trong khi Thái Lan cung cấp số lượng quân lớn thứ hai cho Lực lượng quốc tế được Liên hợp quốc ủy nhiệm ở Đông Timor), nỗ lực tái thiết ở Afghanistan, và sự tham gia của Nhật Bản trong cuộc tập trận Mỹ-Thái Lan đồng chủ trì Hổ mang vàng từ năm 2005.

Góc chìm Thái - Nhật: Đột phá quân sự giữa loạt biến động toàn cầu - Ảnh 1.

Nhật Bản và Thái Lan đang có nhiều động thái tăng cường hợp tác quân sự. Ảnh: VP Thủ tướng Thái Lan.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, cả Bangkok và Tokyo đều đã có những điều chỉnh quan trọng đối với thế trận quốc phòng của họ để đối phó với những bất ổn địa chính trị gia tăng. Dưới thời của chính phủ Prayut Chan-o-cha theo định hướng an ninh, Thái Lan đã tăng cường mua sắm vũ khí cao cấp, công bố kế hoạch hiện đại hóa 10 năm vào năm 2017 để tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong các giao dịch quốc phòng hàng đầu của đất nước. Mục tiêu trước mắt của chính phủ là đảm bảo rằng các lực lượng vũ trang Thái Lan được trang bị sẵn sàng trong khi mục tiêu dài hạn là thiết lập một cơ sở công nghiệp quốc phòng nội địa, do đó giảm sự phụ thuộc của Thái Lan vào vũ khí nhập khẩu và tạo điều kiện cho Thái Lan theo đuổi vị trí trung lập trong quan hệ quốc tế.

Trong khi đó, nhiệm vụ tái thiết quân sự của Nhật Bản ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản đã được dỡ bỏ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản gần đây đã được phép tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến II. Các nỗ lực cũng đã được thực hiện để nâng cao nhận thức về an ninh quốc gia và thúc đẩy giáo dục lòng yêu nước trong công chúng Nhật Bản.

Dưới thời chính phủ của ông Abe Shinzo (2012-2020), Đông Nam Á trở nên rất quan trọng trong các tính toán chiến lược của Nhật Bản. Xu hướng này tiếp tục diễn ra dưới các chính quyền của ông Suga Yoshihide (2020-2021) và ông Kishida Fumio (2021-nay). Điều này một mặt nhấn mạnh nỗ lực của Nhật Bản nhằm đóng một vai trò chủ động hơn trong liên minh Mỹ-Nhật bằng cách thể hiện mình là một cầu nối kết nối các nước ASEAN với Mỹ. Tuy nhiên, mặt khác, nó phản ánh nỗ lực của Nhật Bản nhằm đối phó với nguy cơ Mỹ điều chỉnh chính sách, từ bỏ khu vực này.

Hoàn toàn khác với Học thuyết Yoshida được duy trì lâu nay, nhấn mạnh phát triển kinh tế và giao các vấn đề an ninh cho Mỹ, Nhật Bản đã đưa ra một loạt sáng kiến quốc phòng độc lập với các quốc gia Đông Nam Á. Với Thái Lan, đã có các cuộc thảo luận thường xuyên giữa các sĩ quan quân đội Thái Lan và Nhật Bản, và cựu Thủ tướng Abe của Nhật Bản được cho là đã cố gắng giành được hợp đồng trang bị hệ thống radar phòng không cho Thái Lan vào năm 2016.

Tiến triển chậm và cần sự đột phá

Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng của Thái Lan với Nhật Bản vẫn tiến triển chậm hơn so với các quốc gia ASEAN khác. Thứ nhất, không giống như Indonesia, Philippines và Malaysia, những nước có diện tích đường biển lớn và đều lo ngại trước ảnh hưởng của Trung Quốc trên lĩnh vực hàng hải (lập trường tương đồng với phía Nhật Bản), Thái Lan luôn tỏ ra khiêm tốn trong các vùng biển tranh chấp. Thứ hai, các nhà lãnh đạo quân sự Thái Lan đánh giá các thương vụ vũ khí của Trung Quốc là có lợi. Các hệ thống vũ khí của Trung Quốc có thể kém tiên tiến hơn của Mỹ và Nhật Bản, nhưng vũ khí của Trung Quốc rẻ hơn nhiều và chất lượng đủ tốt.

Khoảng cách giữa Thái Lan và Nhật Bản trở nên rõ ràng khi ông Suga kế nhiệm Abe. Ông Suga đã theo truyền thống của ông Abe khi chọn Đông Nam Á, không phải Mỹ, là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là Thủ tướng. Tuy nhiên, không giống như ông Abe, ông Suga đã loại Thái Lan khỏi hành trình của mình và dừng lại ở Việt Nam và Indonesia để chủ yếu thảo luận về các mối quan tâm chiến lược. Một lưu ý liên quan, Nhật Bản đã bắt đầu chuyển một số hoạt động sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam.

Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia đều đã ký "Thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng" nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng song phương với Nhật Bản, và nỗi lo bị tụt hậu hẳn đã đè nặng lên Thái Lan trong việc theo đuổi một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản. Trong bối cảnh các ưu tiên trong nước của Thái Lan gia tăng và việc cắt giảm ngân sách quốc phòng năm thứ tư liên tiếp, điều này đã làm giảm đi triển vọng mua các tàu ngầm Trung Quốc, thì thỏa thuận chuyển giao quốc phòng Thái-Nhật đã được ký kết và tiết lộ trong chuyến thăm chính thức của ông Kishida tới Bangkok vào đầu tháng này.

Trong bối cảnh môi trường an ninh đang xấu đi nhanh chóng, Nhật Bản chắc chắn sẽ tăng cường sự hiện diện quốc phòng ở Đông Nam Á và ảnh hưởng của Nhật Bản trong chương trình hiện đại hóa quân đội Thái Lan chắc chắn sẽ tăng lên. Việc sụt giảm doanh thu vũ khí của Nga trong khu vực này sẽ càng có lợi cho Nhật Bản. Điều đó nói lên rằng, hợp tác quân sự của Nhật Bản với Thái Lan (và cả ASEAN nói chung) sẽ đi đến đâu phần lớn phụ thuộc vào khả năng của Nhật Bản trong việc theo đuổi các mục tiêu an ninh của mình mà không thực sự dấy lên quan ngại từ Trung Quốc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ