• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình trở lại thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran

Thế giới 08/11/2021 12:18

(Tổ Quốc) - Quá trình trì hoãn kéo dài trong cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran đang cản trở quá trình trở lại thỏa thuận hạt nhân.

"Trì hoãn quá lâu"

Theo trang Business Insider, tuần trước, nhà đàm phán hàng đầu của Iran tại Vienna - ông Ali Bagheri đã thông báo Tehran sẽ tiếp tục cuộc đàm phán về vấn đề thỏa thuận hạt nhân vào ngày 29/11 tới sau bốn tháng trì hoãn kể từ tháng 6 năm nay.

Hành trình trở lại thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran - Ảnh 1.

Khu vực nhà máy hạt nhân Natanz hôm 17/4. Ảnh: AP

Quá trình trì hoãn đàm phán kéo dài giữa Washington và Tehran đang đặt ra sự chú ý về việc liệu khoảng cách có thể thu hẹp và Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) có thể khôi phục lại vào cuối tháng này hay không. Trong bối cảnh hiện tại, con đường khả thi để giải quyết các khác biệt và khôi phục lòng tin giữa các bên chỉ có thể thông qua kênh ngoại giao.

"Nếu không thể gia hạn, thỏa thuận hạt nhân Iran nhiều khả năng sẽ sụp đổ và Iran tiếp tục sẽ tăng cường năng lực hạt nhân", ông Sanam Vakil – Phó Giám đốc và là nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu cấp cao của chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House cho biết.

Theo ông Sanam Vakil, Iran dường như đang thực hiện các chiến thuật trì hoãn đối với JCPOA trong vài tháng qua. Ngay khi lên nắm chính quyền, tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã chủ trương bổ nhiệm lại đội ngũ nhân sự cấp cao trong các vị trí ngoại giao quan trọng và tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hạt nhân. Và chính điều này đang làm phức tạp thêm kế hoạch trở lại JCPOA của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với các thành viên còn lại trong thỏa thuận. Các động thái này đã khiến cho Washington và các bên liên quan trong JCPOA là Anh và châu Âu thất vọng bởi họ liên tục đặt hy vọng thỏa thuận hạt nhân có thể sớm quay trở lại. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bày tỏ "thất vọng đặc biệt" với chiến thuật trì hoãn của Iran, cho rằng "thời gian không còn nhiều nữa" và phương án B vẫn đang tiếp tục xem xét.

Theo Business Insider, các bất đồng giữa hai bên xoay quanh các vấn đề như nới lỏng trừng phạt, giám sát từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đảm bảo dài hạn để bảo vệ thảo thuận và các đàm phán tiếp theo nhằm giải quyết các vấn đề nổi bật trong khu vực. Quan điểm của Iran vẫn duy trì lập trường cứng rắn. Tehran muốn Washington nới lỏng trừng phạt từng áp dụng vào năm 2018. Một khi các trừng phạt có thể nới lỏng thì Tehran sẽ quay lại tuân thủ theo đúng quy định.

Bất đồng giữa Mỹ và Iran

Ông Sanam Vakil đưa ra ba vấn đề gây nên rào cản trong hành trình trở lại thỏa thuận hạt nhân như sau:

Đầu tiên, việc Iran trì hoãn có thể được hiểu dựa trên kinh nghiệm của nước này trong việc tham gia JCPOA vào năm 2016. Có thể, Iran nhận thức lợi ích kinh tế không nhiều từ lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thứ hai là vấn đề đảm bảo. Tehran hy vọng sẽ bảo vệ nền kinh tế của mình nếu Mỹ bất ngờ rút khỏi JCPOA chẳng hạn. Điều này từng thấy tín hiệu rõ nét trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Nếu khả năng trở lại thỏa thuận hạt nhân, Iran muốn thấy các biện pháp có thể bảo vệ nền kinh tế của đất nước, thay vì một cú sốc từng xảy ra trong chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Thứ ba là căng thẳng về quá trình giám sát của IAEA ở các cơ sở của Tehran. Iran đã cho phép cơ quan này tiếp cận và sử dụng camera giám sát trong các cơ sở vào tháng 4 năm nay nhưng lại không cho phép các thanh tra IAEA đến gần khu vực lắp ráp máy ly tâm TESA Karaj.

Hiện tại, chương trình hạt nhân Iran tiếp tục phát triển và đạt được tiến bộ đáng kể. Theo Business Insider, trong tháng 1/2021, Tehran bắt đầu làm giàu  uranium ở mức 20%. Vào tháng 4, Tehran bắt đầu làm giàu  uranium ở mức 60%. Tính đến ngày 30/8, Iran đã làm giàu uranium đạt mức 2.441 kg – vượt mức giới hạn của JCPOA, trong khi quy định tối đa là 202,7kg.

Chiến lược của chính quyền Iran đang ảnh hưởng đến tiến trình trở lại thỏa thuận hạt nhân. Trước đó, ông Biden từng đặt kỳ vọng có thể sớm quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran ngay khi lên nắm chính quyền. Tuy nhiên, kế hoạch đã trì hoãn khá lâu và chính quyền mới của Mỹ đang dốc sức tập trung vào cuộc chiến chống Covid, giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Afghanistan. Quá trình chậm trễ về thời gian của Washington đang trì hoãn cơ hội quay trở lại đàm phán như kế hoạch ban đầu.

Mỹ từng triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo hỗ trợ khủng hoảng Covid tại Iran nhằm mong muốn xây dựng lòng tin và thể hiện thiện chí với Iran. Tuy nhiên, đến hiện tại, căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang.

Trong tuần này, Đặc phái viên Iran của chính quyền Tổng thống Biden – Rob Malley dự kiến sẽ gặp gỡ các bên ký kết JCPOA cùng với một số đối tác khu vực. Tổng thống Biden dự kiến cũng sẽ ở châu Âu để tham dự thượng đỉnh G20. Đây được xem là tín hiệu thể hiện cam kết tiếp tục của Washington với đồng minh truyền thống của Mỹ. Trong khi đó, Tehran có thể cũng mong muốn nhanh chóng chấm dứt tình trạng bế tắc hiện tại và đang có kế hoạch trở lại Vienna sắp tới./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ