(Tổ Quốc) - Từ Lễ Tạ ơn cho đến thời gian năm mới, do lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế và lo ngại về nguy cơ quá tải du lịch, nhu cầu đi nghỉ lễ của người Mỹ đã giảm, theo tờ Smart Brief.
Theo một nghiên cứu về du lịch kỳ nghỉ mới của Deloitte, chỉ 31% người Mỹ dự định đi du lịch từ giữa Lễ Tạ ơn đến giữa tháng Một năm tới. Tỷ lệ này giảm đáng kể so với 42% được khảo sát vào năm 2021.
"Cân nhắc về tài chính là yếu tố lớn nhất làm suy giảm nhu cầu đi du lịch trong năm nay - 37% người không đi du lịch cho biết đó là lý do để họ không đi nghỉ lễ. Dữ liệu này cũng cho thấy tác động của việc giá cả tăng cao đối với nhu cầu đi lại vẫn đang kéo dài", chuyên gia Mike Daher của Deloitte nói.
Đoàn tụ gia đình
Cũng theo nghiên cứu của Deloitte, trong số những người đi nghỉ lễ đợt này, động lực chính là để gặp gia đình và bạn bè. 15% người Mỹ dự định lên đường vào cuối tuần Lễ Tạ ơn, trong khi 14% sẽ đi vào Giáng sinh và Năm mới. Ngân sách du lịch kỳ nghỉ trung bình của năm nay, cả phương tiện đi lại và chỗ ở, sẽ ước tính vào khoảng 1,287 USD cho mỗi chuyến đi.
Chuyên gia Daher cho biết: "Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, sự đông đúc khi di chuyển và nguy cơ hủy chuyến được dự đoán cao, nhưng nhiều du khách vẫn có thể tận dụng tối đa mùa đi nghỉ lần này. Mặc dù số lượng khách sẽ ít đi hơn, nhưng những người quyết định đi chơi lần này, cả bằng đường bộ và đường không, có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn năm ngoái."
Khi số lượng người đi du lịch ít đi, du khách quyết tâm đi chơi cũng mong đợi chuyến đi suôn sẻ hơn và nhiều trải nghiệm thú vị hơn. "Khi ngành du lịch chuẩn bị cho một kỳ nghỉ lễ có lượng khách thấp hơn, các nhà cung cấp sẽ tập trung vào trải nghiệm khách hàng và nỗ lực phục vụ nhu cầu của những người vẫn muốn đi chơi, để họ có thể tận hưởng trong suốt đợt nghỉ lễ lần này và cả năm mới", chuyên gia Daher nói thêm.
Nhu cầu nhà nghỉ giảm
Ngành công nghiệp lưu trú đang phải đối mặt với ảnh hưởng lớn nhất trong mùa lễ này. Khoảng 59% khách du lịch có khả năng sẽ ở cùng bạn bè và những người thân, trong khi chỉ có 35% sẽ ở trong khách sạn, giảm 2% so với năm ngoái. Số lượng khách thuê nhà ở tư nhân cũng sẽ giảm 2%. Yếu tố kinh tế và sở thích cá nhân là những động lực chính dẫn đến sự thay đổi trong nhu cầu về chỗ ở hiện nay.
Daher giải thích: "Sự giảm nhẹ về ý định du lịch nói chung chủ yếu là do số lượng người Mỹ muốn đi nghỉ dưỡng hay ở trong nhà trọ có trả tiền giảm đi. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cho rằng các khách sạn và dịch vụ cho thuê tư nhân vẫn sẽ hoạt động tốt trong mùa lễ năm nay vì các chuyến đi thăm bạn bè và người thân đang có tỷ lệ tương tự như năm 2021".
Xu hướng du lịch kết hợp làm việc
Số người đi du lịch kết hợp với làm việc chiếm một phần đáng kể trong số khách đi chơi trong những ngày lễ. Hơn 25% khách du lịch có kế hoạch làm việc. Trên thực tế, những người có kế hoạch làm việc trong các kỳ nghỉ lễ sẽ có thời gian đi nghỉ hơn. Độ tuổi lớn nhất của khách du lịch theo xu hướng này là từ 18 đến 34 (37%), tiếp theo là những người từ 35 đến 54 tuổi (27%).
Tuy nhiên, những người kết hợp đi du lịch cá nhân và công tác sẽ chi tiêu ít hơn so với những người khác. Họ sẽ tận hưởng các ưu đãi và giảm giá, cũng như sẽ tránh di chuyển vào những ngày cao điểm tốn kém hơn.
"Các khách sạn, hãng hàng không và các đơn vị khác trong ngành du lịch khác nên tập trung vào các ưu đãi cho nhóm này, nêu bật lợi ích của những ngày không cao điểm và cách để tận dụng tối đa ngân sách của họ. Ngoài ra, việc cung cấp các tiện nghi công nghệ cũng như phát triển không gian để đáp ứng công việc có thể giúp thu hút nhóm lao động từ xa", ông Daher nói.
Khoảng thời gian đi nghỉ trung bình
Lễ tạ ơn là thời điểm du lịch bận rộn nhất trong kỳ nghỉ lễ này. Tuy nhiên, các chuyến đi này thường không kéo dài. Ước tính khoảng 80% những người đi du lịch trong lễ Tạ ơn sẽ có chuyến đi chỉ vài ngày hoặc một tuần.
Để so sánh, gần một nửa số người đi du lịch trong tháng Giêng sẽ đi nghỉ hơn một tuần. Khoảng 50% khách du lịch trong các kỳ nghỉ sẽ đi máy bay, con số này tăng so với mức 37% của năm ngoái.
Mặc dù năm nay có ít khách du lịch hơn, nhưng các công ty vẫn có cơ hội tạo dựng mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng.
Chuyên gia Daher nói: "Càng ngày, sự quan tâm của các khách hàng cá nhân càng trở thành cuộc chiến cạnh tranh mới với các công ty đang hướng tới các mối quan hệ trực tiếp và thân thiết với khách hàng. Họ mở rộng nhiều kênh tiếp cận mới, xây dựng thương hiệu mới, mô hình dịch vụ mới và cả cơ chế hoạt động mới để đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Xu hướng này, cùng với các dịch vụ được cá nhân hóa và chuyển phương pháp từ tiếp cận thị trường đại chúng truyền thống sang các thông điệp cùng ưu đãi ngày càng cá nhân hơn là mục tiêu ngành du lịch đang phát triển".