• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu chiến thắng của Macron: Pháp và châu Âu chưa hết nguy cơ

Thế giới 25/04/2022 13:59

(Tổ Quốc) - Trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022, ông Macron đã giành chiến thắng với 58,5% phiếu bầu, trong khi đối thủ cực hữu Le Pen chỉ giành được 41,5% phiếu bầu.

Chiến thắng này đã đưa ông Macron trở thành nhà lãnh đạo Pháp đầu tiên tái đắc cử vị trí này trong suốt 20 năm qua và phần nào khiến các đồng minh phương Tây nhẹ nhõm. Nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo của chính trị gia 44 tuổi có lập trường trung hòa này sẽ giúp Pháp và châu Âu thoát khỏi cơn địa chấn nếu bà Marine Le Pen lên cầm quyền. Nhiều đồng minh đã lo ngại việc bà Le Pen lên nắm quyền sẽ thay đổi cơ bản mối quan hệ của Pháp với Liên minh châu Âu và phương Tây, trong bối cảnh khối này và các đồng minh đang phải dựa vào Paris để duy trì vai trò dẫn đầu trong một số vấn đề, đáng chú ý nhất là cuộc xung đột ở Ukraine.

"Chúng ta có thể tin tưởng vào nước Pháp trong 5 năm nữa", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã viết trên Twitter vào tối Chủ nhật.

Hậu chiến thắng của Macron: Pháp và châu Âu chưa hết nguy cơ - Ảnh 1.

Dù ông Macron đã giành chiến thắng chung cuộc, chênh lệch không cao trong tỷ lệ bỏ phiếu cho ông và phe cực hữu lần này là một tín hiệu đáng lo ngại. Ảnh: AP.

Phe cực hữu lên ngôi giữa một nước Pháp chia rẽ

Trong khi bà Le Pen đã thua cuộc, tỷ lệ phiếu bầu khá cao lần này vẫn là một thành tựu đối với nữ chính trị gia này và đảng cực hữu Pháp. Bà Le Pen cho rằng tỷ lệ bỏ phiếu của mình là "một chiến thắng chói sáng", nói rằng "trong trận thua này, tôi vẫn nhận thấy có niềm hy vọng".

Việc vượt qua ngưỡng 40% phiếu bầu là điều chưa từng có đối với phe cực hữu Pháp. Bà Le Pen đã bị ông Macron đánh bại với tỉ lệ phiếu áp đảo 66% và 34% vào năm 2017 và cha bà cũng chỉ giành được chưa đến 20% phiếu bầu khi tranh cử với ông Jacques Chirac vào năm 2002.

Tỷ lệ phiếu bầu cao cho bà Le Pen trong cuộc bỏ phiếu này đã cho thấy nền chính trị cực hữu của bà đang đến gần hơn với cử tri. Chiến dịch vận động mạnh mẽ về giá cả sinh hoạt của bà Le Pen đã thu hút được nhiều cử tri lao động tại nông thôn và các trung tâm công nghiệp cũ.

Kết quả bầu cử lần này cũng cho thấy một nước Pháp đang ngày càng chia rẽ. Trong khi nhiều cử tri cánh tả, không ủng hộ ông Macron và bà Le Pen, đã miễn cưỡng đến các điểm bỏ phiếu chỉ để ngăn bà Le Pen thắng cử và không vui vẻ gì khi bỏ phiếu cho ông Macron, thì một số người chọn ở nhà và không đi bầu. Theo Bộ Nội vụ Pháp, tỷ lệ bỏ phiếu trắng của cử tri trong cuộc bầu cử lần này là 28%, cao nhất kể từ năm 2002 đến nay.

Theo BBC, nước Pháp không chỉ bị chia cắt bởi các đảng phái, mà lập trường của người dân còn rất khác biệt giữa các trung tâm đô thị giàu có (đặc biệt là Paris) và các thị trấn và làng mạc xa xôi; giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người theo chủ nghĩa quốc tế; giữa người giàu với người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Ông Macron còn hàng loạt thách thức

"Thách thức lớn nhất của ông Macron sẽ là gắn kết mọi người trong một quốc gia đang bị chia cắt rõ rệt về lập trường, nơi phe cực hữu nhận được tới 41% phiếu bầu. Bà Le Pen sẽ cố gắng hết sức để tận dụng kết quả bầu cử tích cực lần này cho cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Sáu", Tara Varma, nhà chính sách cấp cao kiêm người đứng đầu văn phòng Paris của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, viết trong một email.

"Chiến thắng của ông Macron cũng đồng nghĩa với việc nước Pháp sẽ theo đuổi một dự án đầy tham vọng đối với châu Âu. Ông ấy sẽ chủ trương tăng cường chương trình nghị sự về chủ quyền của châu Âu: về công nghệ, về quốc phòng, về chống ép buộc trong hoạt động kinh tế", bà Varma nói thêm.

Mục tiêu mới và lớn tiếp theo của ông Macron sẽ là cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 tới. Lực lượng cánh hữu đã tỏ ra là một sức mạnh đáng gờm và có thể thay đổi cán cân quyền lực nếu thành viên của họ giành được nhiều ghế trong quốc hội. Trong khi đó, ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Melenchon cũng đã thu hút được gần 22% phiếu bầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống, chỉ đứng thứ ba sau bà Le Pen và ông Macron. Kết quả bỏ phiếu đầy bất ngờ này có thể là một dấu hiệu cho thấy cánh tả sẽ tập hợp lại và thành lập một mặt trận thống nhất, thách thức sự kìm kẹp từ chính đảng của Macron trong cơ quan lập pháp.

Dù Tổng thống Pháp có quyền lực đáng kể trong chính phủ nước này, nhưng nếu đảng của ông Macron mất đa số trong Quốc hội, thì cơ quan lập pháp sẽ bầu một thủ tướng mới từ phe đối lập và tình hình này sẽ cản trở khá nhiều khả năng điều hành chính phủ của tổng thống.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ