• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu Covid-19, Đông Nam Á chung tay cùng khu vực sẵn sàng trước đại dịch

Thế giới 27/12/2022 10:45

(Tổ Quốc) - Các quốc gia trong khu vực đang chung tay và cùng xây dựng các nguồn lực, trong đó có sản xuất vaccine, để sẵn sàng khi đại dịch tiếp theo xảy đến, theo Straits Times.

Đại diện y tế từ các nước ASEAN gần đây đã gặp nhau tại Seoul và một số người đã nói về những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình phổ cập vắc xin để bảo vệ người dân của họ khi đại dịch hoành hành.

Vượt lên khó khăn của các quốc gia đang phát triển

Tiến sĩ Sunate Chuenkitmongkol, Phó giám đốc Viện vaccine quốc gia Thái Lan, cho biết các nước đã học được trong đại dịch rằng khi nhu cầu về vaccine vượt xa nguồn cung, "sức mạnh đàm phán của nhà cung cấp lớn hơn của người mua".

Điều này có nghĩa là các nước giàu có thể tiêm vaccine, trong khi các nước có thu nhập từ trung bình đến thấp gặp khó khăn hơn. Một số nước sản xuất được vaccine cũng ưu tiên đảm bảo nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu ra bên ngoài.

Tiến sĩ Riamiza Momin, chuyên gia tư vấn về các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Brunei, cho biết họ chưa có khả năng sản xuất vaccine và dân số quy mô nhỏ khiến việc mua vaccine trong đại dịch trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, họ đã có thể tiếp cận với vaccine thông qua hợp tác khu vực và quốc tế, bao gồm cả với Singapore, Trung Quốc, Australia và Nhật Bản.

Hậu Covid-19, Đông Nam Á chung tay cùng khu vực sẵn sàng trước đại dịch - Ảnh 1.

Các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang nỗ lực phát triển năng lực vaccine. Ảnh: ST.

Để đảm bảo rằng các nước được chuẩn bị tốt hơn cho các trường hợp khẩn cấp trong tương lai, vào tháng 12, một số quốc gia đã tập trung tại Diễn đàn hợp tác vaccine lần thứ 2 ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, do Hàn Quốc, Mỹ và Australia đồng tài trợ.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Cho Hyun-dong, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, phát biểu: "Chúng ta cần tận dụng tối đa sự hợp tác hiện tại để tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai. Trong ba năm qua, chúng ta đã trực tiếp trải nghiệm tầm quan trọng của hành động đoàn kết chống lại mối đe dọa chung từ Covid-19. Chúng ta đã hiểu được hiệu quả của sự phản ứng chung và tầm quan trọng của việc tiếp cận bình đẳng với vắc xin và phương pháp điều trị."

Ông Cho Hyun-dong cũng đánh giá cao về cách các quốc gia ASEAN thành lập Quỹ ứng phó với đại dịch Covid-19 của ASEAN và Quỹ dự trữ vật tư y tế khu vực, để giúp đưa ra phản ứng nhanh chóng tại cấp độ khu vực.

Ông cũng cho biết Hàn Quốc là một trong những nước đóng góp sớm nhất cho Quỹ Ứng phó Covid-19 của ASEAN, cung cấp 6 triệu USD hỗ trợ khả năng phát hiện dịch bệnh của khu vực.

Thúc đẩy năng lực sản xuất vaccine

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ định Hàn Quốc là trung tâm đào tạo sản xuất sinh học toàn cầu cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang tìm cách sản xuất các sản phẩm sinh học, chẳng hạn như vaccine, insulin, kháng thể đơn dòng và phương pháp điều trị ung thư.

Hàn Quốc là quốc gia thứ hai được WHO chỉ định, sau Nam Phi, là trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine RNA (mRNA) toàn cầu. Ngân hàng Phát triển Châu Á và Hàn Quốc sẽ chịu chi phí đào tạo.

Chương trình đào tạo về quy trình sản xuất vaccine đã bắt đầu vào tháng 7 và cho đến nay, tổng cộng 257 học viên từ 38 quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tham gia chương trình. Học viên đang được cung cấp đào tạo kỹ thuật và thực hành để đảm bảo thực hiện được các yêu cầu sản xuất và vận hành tốt.

Ông Cho cho biết Hàn Quốc mong muốn mở rộng chương trình này để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc tự cung cấp vaccine trong khu vực. Nhiều cơ sở đào tạo đang được xây dựng và sẽ đi vào hoạt động tại Andong vào năm 2025 và Hwasun vào năm 2026.

Ông Philip Goldberg, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cũng cho biết: "Các khoản đầu tư giúp tăng khả năng phục hồi và khả năng thích ứng của các hệ thống y tế sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với các phản ứng khẩn cấp."

Ông nói: "Các quốc gia cần phải thay đổi cách tiếp cận bình thường, đổ các nguồn lực khi có đại dịch hoành hành và rút các nguồn lực đó khi mối nguy hiểm trước mắt qua đi. Thay vào đó, họ cần cam kết đầu tư bền vững vào hệ thống y tế.

Bà Catherine Raper, Đại sứ Australia tại Hàn Quốc, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong đại dịch. Bà cho biết Australia đã chia sẻ hơn 52 triệu liều vaccine Covid-19 với các đối tác trong khu vực cho đến nay, cung cấp hơn 3 triệu liều cho các quốc gia ở Thái Bình Dương và hơn 49 triệu liều cho Đông Nam Á.

Bà nói thêm rằng đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của việc có nhiều loại vaccine và nhà sản xuất đa dạng, đồng thời hoan nghênh mục đích của diễn đàn là "thúc đẩy các mạng lưới và mối liên kết để cải thiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin trong khu vực của chúng ta".

Một số quốc gia ASEAN, chẳng hạn như Indonesia và Thái Lan, cũng chia sẻ về việc các quốc gia của họ đang tăng cường các cơ sở sản xuất vaccine.

Giáo sư Benjamin Seet, phó giám đốc điều hành của Tập đoàn Y tế Quốc gia, người đã lãnh đạo các nỗ lực của Singapore trong việc xác định và mua vaccine chống lại Covid-19, cho biết Singapore không có cơ sở sản xuất vaccine của riêng mình. Giáo sư Seet cho biết: "Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là hợp tác với các công ty ở Singapore để đáp ứng nhu cầu trong nước và khu vực".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ