• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu động đất khiến 1000 người chết, Afghanistan trước nguy cơ khủng hoảng mọi mặt trận

Thế giới 24/06/2022 19:48

(Tổ Quốc) - Các nhóm cứu trợ hôm thứ Năm đã nỗ lực tiếp cận nạn nhân của trận động đất mạnh làm rung chuyển miền đông Afghanistan gần đây. Trận động đất này đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và tàn phá một khu vực lớn tại nước này.

Một trận động đất mạnh 5,9 độ Richter đã xảy ra vào đầu ngày thứ Tư gần thành phố Khost cạnh biên giới Pakistan và số người chết dự kiến sẽ còn tăng lên do nhiều ngôi nhà trong khu vực này được làm bằng gỗ mỏng, bùn và các vật liệu dễ bị hư hại khác.

Các cơ quan nhân đạo đang tập trung về khu vực này, nhưng vị trí xa xôi của nơi này đang làm khó các nỗ lực cứu hộ.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng Cơ quan về Người tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) đã gửi thành công viện trợ và hỗ trợ nhân đạo đến các gia đình ở các tỉnh Paktika và Khost để đáp ứng nhu cầu của khoảng 4.000 người.

Người phát ngôn Stéphane Dujarric cho biết "đã đáp ứng các nhu cầu ưu tiên bao gồm nơi trú ẩn khẩn cấp và các mặt hàng phi thực phẩm, hỗ trợ thực phẩm, y tế, nước, cũng như hỗ trợ vệ sinh"

Ông nói thêm rằng Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng xác nhận đã dự trữ lương thực đủ để phục vụ ít nhất 14.000 người ở tỉnh Paktika bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Ít nhất 18 xe tải đang trên đường đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất, mang theo hàng hóa khẩn cấp, bao gồm bánh quy năng lượng cao và các thiết bị lưu trữ di động", thông báo của WFP đưa ra hôm thứ Năm cho biết.

UNICEF Afghanistan cũng đã tweet rằng họ có thể phân phát "bộ dụng cụ vệ sinh, bộ dụng cụ mùa đông, bộ dụng cụ bếp gia đình khẩn cấp, lều, chăn, quần áo ấm và bạt" cho những người bị ảnh hưởng ở Paktika và Khost.

Trận động đất xảy ra cùng với đợt mưa và gió mùa lớn từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 6 đã cản trở nỗ lực tìm kiếm và di chuyển bằng trực thăng.

Tình hình thực địa ảm đạm

Hiện tại, sự trợ giúp đang bị hạn chế do một số tổ chức đã rút khỏi nước này sau khi Taliban nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái. Hôm thứ Tư, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã huy động "tất cả các nguồn lực" từ khắp nơi trên toàn Afghanistan. Tuy nhiên, như một quan chức của WHO nói, "các nguồn lực ở đây đã quá tải khi không chỉ hỗ trợ cho khu vực này".

Thêm vào đó, sự chần chừ của cộng đồng quốc tế khi phải làm việc với Taliban và "bộ máy hành chính rất lộn xộn, nơi rất khó thu thập thông tin từ một nguồn" đã dẫn đến những lỗ hổng liên lạc của các đội cứu hộ, Baheer - người sáng lập nhóm cứu hộ Save Afghans from Hunger cho biết.

Hậu động đất khiến 1000 người chết, Afghanistan trước nguy cơ khủng hoảng mọi mặt trận - Ảnh 1.

Một khu vực lớn tại Afghanistan đã bị ảnh hưởng nặng nề trong trận động đất này. Ảnh: Getty.

Ông nói thêm: "Cốt lõi của mọi thứ là vấn đề chính trị đang tạo ra khoảng cách về thông tin, liên lạc, không chỉ giữa các quốc gia và Taliban mà còn giữa các tổ chức viện trợ quốc tế và Taliban".

Baheer đưa ra một ví dụ về cách ông trở thành một người cung cấp thông tin cho WFP và các tổ chức viện trợ khác, thông báo với họ rằng Bộ Quốc phòng Afghanistan đề nghị đưa viện trợ từ các tổ chức nhân đạo tới các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bằng đường không.

Trong khi đó, tình hình trên thực địa rất thảm khốc. Liên Hợp Quốc cho biết 2.000 ngôi nhà được cho là đã bị phá hủy. Hình ảnh từ tỉnh Paktika bị ảnh hưởng nặng nề cho thấy những ngôi nhà chỉ còn là bụi và đống đổ nát.

Hsiao-Wei Lee, Phó giám đốc quốc gia WFP tại Afghanistan, mô tả tình hình trên thực địa là "rất ảm đạm", nơi nhiều ngôi làng "bị tàn phá hoàn toàn hoặc 70% đã sụp đổ". Bà nói: "Sẽ mất nhiều tháng và nhiều năm xây dựng lại. Nhu cầu hỗ trợ lớn hơn rất nhiều so với chỉ cung cấp thực phẩm".

Ảnh hưởng nghiêm trọng từ khủng hoảng kinh tế

Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan đã kéo dài nhiều năm, do hậu quả của xung đột và hạn hán, thì tình hình này đã trở nên nguy ngập hơn sau khi Taliban tiếp quản chính quyền hồi năm ngoái. Để trừng phạt Taliban, Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối và cắt đứt nguồn tài trợ quốc tế.

Mỹ không còn hiện diện ở Afghanistan nữa sau khi chính phủ Afghanistan trước đây do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ và quân đội nước này rút lui vội vã. Giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ không có quan hệ chính thức với chính phủ Taliban.

Các lệnh trừng phạt trên đã làm tê liệt nền kinh tế Afghanistan và khiến nhiều người trong số 20 triệu người của nước này rơi vào tình trạng đói nghèo nghiêm trọng. Hàng triệu người Afghanistan không có việc làm, nhân viên chính phủ không được trả lương và giá thực phẩm tăng vọt.

Theo dự thảo báo cáo của Martin Griffiths, người đứng đầu Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA), dù viện trợ nhân đạo không nằm trong các lệnh trừng phạt, nhưng vẫn có những trở ngại, trong đó có việc chính quyền Taliban "tìm cách đóng vai trò trong việc lựa chọn người thụ hưởng và chuyển hỗ trợ cho những người trong danh sách ưu tiên của chính họ" và "hệ thống ngân hàng chính thức tiếp tục bị chặn chuyển tiền".

Văn bản này cũng cho biết: "Khoảng 80% tổ chức (đã trả lời khảo sát giám sát của OCHA) đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc chuyển, nhận tiền viện trợ từ bên ngoài. Hơn 60% tổ chức nói rằng việc thiếu tiền mặt sẵn có tại nước này cũng là một trở ngại trong hoạt động của họ".

Baheer cũng nói rằng các lệnh trừng phạt "đang làm tổn thương chúng tôi" khi người Afghanistan đang phải vật lộn để gửi tiền cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

"Thực tế là chúng tôi hầu như không có hệ thống ngân hàng, không có tiền mới được in và không có kiều hối được đưa vào trong 9 đến 10 tháng qua, tài sản của chúng tôi bị đóng băng ... các biện pháp trừng phạt này không tốt", ông nói.

Ông nói thêm: "Các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa là các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu vào các cá nhân cụ thể chứ không phải là trừng phạt cả một quốc gia và toàn thể dân tộc."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ