• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu dừng triển khai khí tài khủng, căn cứ Mỹ, Nhật "nhạy cảm" hơn trước tấn công tên lửa?

Thế giới 29/06/2020 15:10

(Tổ Quốc) - Việc Nhật Bản dừng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore do Mỹ sản xuất là một trở ngại lớn cho an ninh khu vực, theo bài viết của Stephen Bryen trên trang Asia Times.

Theo bài viết này, động thái của Nhật Bản dường như họ "không muốn kẹt giữa" căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, hoặc một cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Ngày 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono cho biết Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản đã đưa ra quyết định hủy bỏ việc mua hai hệ thống Aegis Ashore dự kiến triển khai ở Akita và Yamaguchi. Lệnh hủy bỏ phản ánh một quyết định của toàn chính phủ dưới thời Thủ tướng Abe.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, nước này sẽ dựa vào Patriot và Aegis gắn trên tàu để phòng thủ tên lửa và bảo vệ các tài sản và cơ sở hạ tầng quan trọng ở Nhật Bản. Còn theo bài viết trên Asia Times, Patriot chưa phải là một câu trả lời phù hợp để bảo vệ các lực lượng Nhật Bản và Mỹ cùng các căn cứ của họ.

Hậu dừng triển khai khí tài khủng, căn cứ Mỹ, Nhật "nhạy cảm" hơn trước tấn công tên lửa? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ Aegis Ashore của Mỹ tại Kauai, Hawaii. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Patriot là một hệ thống yếu về phòng thủ và Nhật Bản cũng không có đủ loại khí tài này, ngay cả khi chúng hoạt động đầy đủ để bảo vệ tất cả các căn cứ của Nhật Bản và Mỹ. Ngày nay, Mỹ duy trì các căn cứ không quân lớn tại Misawa, Yokota và Kadena trên Okinawa.

Nhật Bản triển khai tiêm kích F-35 của mình tại Misawa và sẽ sớm trở thành nơi vận hành F-35 lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra còn có một cơ sở không quân của Hải quân Mỹ tại Atsugi và một căn cứ hải quân Mỹ lớn tại Yokosuka – nơi triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ.

Patriot chưa đủ sức bảo vệ toàn bộ

Các hệ thống Aegis trên biển hiện có trong kho vũ khí của Nhật Bản, ngay cả khi được tăng cường trên nhiều tàu hơn trong tương lai, không thể bảo vệ đầy đủ cho Nhật Bản trong khi hệ thống Aegis Ashore triển khai trên bờ thì có thể.

Patriot là một thiết kế cũ và đã được nâng cấp nhiều lần. Dù vậy, cho tới nay thì hiệu suất hoạt động của hệ thống này tương đối không đạt yêu cầu.

Cả Saudi Arabia và UAE, đều triển khai Patriot, đã bị tấn công bởi các tên lửa đạn đạo đến từ Yemen. Trong một số trường hợp, Patriot đã bắn trúng tên lửa phóng tới nhưng hầu như là khi tên lửa đã ở rất gần mục tiêu cuối cùng, cách mục tiêu khoảng nửa dặm và ở độ cao từ 600 - 800 m. Kinh nghiệm vận hành cho thấy Patriot gặp khó khăn trong việc phân biệt đầu đạn với thân tên lửa khi chúng tách ra.

Các tên lửa hiện đại nhất của Iran, bao gồm Burkhan H2 ở Yemen, có thể tách đầu đạn ở giai đoạn cuối cùng một cách chính xác để làm cho việc tiêu diệt đầu đạn trở nên khó khăn hơn.

Hệ thống tên lửa SM-3 của Mỹ an toàn hơn nhiều so với Patriot vì nó không sử dụng đầu đạn nổ. Aegis cũng sử dụng đầu đạn động học, tiêu diệt mục tiêu bằng cách phân rã tên lửa đang bay tới.

Trung Quốc chọn lọc mục tiêu?

Theo bài viết của Stephen Bryen trên trang Asia Times, các chuyên gia từng cảnh báo về việc Trung Quốc đang thực hành nhắm vào các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản cùng với các căn cứ quân sự của chính Nhật Bản. Hai quan chức Hải quân Mỹ là Chỉ huy Thomas Shugart và Javier Gonzalez, đã nêu ra việc này vào năm 2017. Kết luận của họ dựa trên mô phỏng theo hoạt động của Trung Quốc và dựa trên thông tin tình báo.

Năm 2018, cả Nga và Trung Quốc đều cảnh báo Nhật Bản bằng những từ ngữ cứng rắn là không được triển khai Aegis Ashore. Năm 2019, Triều Tiên đã đưa ra những cảnh báo tương tự. Toàn bộ hoạt động ngoại giao gần đây của Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên không được tiết lộ nhưng quyết định dừng triển khai hệ thống này của Nhật Bản dường như cho thấy họ phải chịu nhiều áp lực.

Về tính chất hoạt động, điều quan trọng là có thể bảo vệ các căn cứ không quân và hải quân khỏi các cuộc tấn công tên lửa. Do đó, Nhật Bản trước đây đã chọn giải pháp khả thi với Aegis Ashore, đây là một quyết định chiến lược hợp lý và quan trọng. Việc lùi lại và hủy bỏ thỏa thuận Aegis Ashore khiến các cơ sở quốc phòng của Nhật Bản và Mỹ bị phơi bày ra một cách nguy hiểm. Quyết định của Nhật Bản cũng đặt ra những vấn đề ở Washington về mức độ tin cậy của Nhật Bản, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng.

Liệu Nhật Bản sẽ cho phép Mỹ hành động để ngăn chặn quân sự Trung Quốc hay Triều Tiên? Các lực lượng Hoa Kỳ ở Nhật Bản tại Kadina hay Okinawa sẽ được hành động tự do, hay Nhật Bản sẽ ngăn họ phản ứng lại các động thái gây hấn?

Và ngay cả khi Nhật Bản không phải là trở ngại chính trị đối với hành động của Mỹ, liệu Trung Quốc hay Triều Tiên có thể có các hành động đánh bật các căn cứ trên đất liền của Mỹ và Nhật Bản? Stephen Bryen kết luận rằng việc hủy bỏ Aegis Ashore là một trở ngại lớn cho an ninh khu vực và khiến các căn cứ của Nhật Bản và Hoa Kỳ dễ bị tấn công.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ