• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu IS: Mỹ, Iraq chưa yên về sóng gió người Kurd

Thế giới 31/08/2017 22:59

(Tổ Quốc) - Washington quan ngại tình trạng bất ổn sắc tộc gia tăng tại Iraq khi người Kurd sắp tổ chức trưng cầu dân ý.

Người Kurd sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào tháng tới – điều các quan chức Mỹ và Iraq đang lo ngại rằngsẽ dẫn tới sự tan rã của Iraq trong bạo lực ngay khi nước này sắp sửa xóa sổ được hoàn toàn nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trong khi đó, những người Iraq gốc Arab đang đi tị nạn cũng lo lắng rằng họ sẽ không được trở về nhà sau cuộc trưng cầu dân ý trên. "Chúng tôi sẽ mất tất cả mọi thứ trong cuộc trưng cầu dân ý này", ông Mahmood chia sẻ từ một trại tị nạn ở Baghdad, nơi ông sống trong một lều chật hẹp với vợ, ba con và gia đình người em.

"Chúng tôi nghĩ rằng việc xóa sổ IS tại Mosul sẽ chấm dứt bạo lực này", người đàn ông 32 tuổi này nói. "Tuy nhiên, người Kurd lại đang đưa ra những đòi hỏi của họ."

Tiềm ẩn xung đột sắc tộc

Cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến được tổ chức vào ngày 25/9 là đề xuất của chính phủ khu vực Kurdistan (KRG) – đang kiểm soát vùng lãnh thổ gần bằng quy mô của Ireland và khoảng 5.2 triệu dân tại Iraq. Kể từ năm 1991, Kurdistan đã có được quyền tự trị rộng hơn theo hiến pháp Iraq, với lực lượng an ninh riêng và có quyền kiểm soát nhập cư.

Trong khi Washington và Baghdad phản đối cuộc trưng cầu - ngay cả chỉ diễn ra trong khu vực trên, KRG báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng tổ chức cuộc bỏ phiếu tại một khu vực rộng lớn hơn – nơi có nhiều sắc tộc tồn tại ở miền bắc Iraq và lực lượng người Kurd Peshmerga đang đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi những kẻ cực đoan IS.

Theo các quan chức Iraq, trong ba năm chiến tranh, các chiến binh Peshmerga đã giành thêm được nhiều vùng lãnh thổ tranh chấp từ các nước láng giềng Ả Rập. Do đó, họ cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý sẽ củng cố những thay đổi về nhân khẩu học do xung đột gây ra, dấy lên những chỉ trích lâu dài của cộng đồng Ảrập Sunni, và có thể gây nên xung đột giữa người Kurd và người Ả Rập tại các khu vực tranh chấp xung quanh các tỉnh Kirkuk, Nineveh, Diyala và Salahudin.

Theo các quan chức Mỹ và Iraq, các vụ tranh chấp hệ lụy trên giữa người Kurd và người Ả Rập sẽ không thể giải quyết một cách dễ dàng, đặc biệt ở vùng giàu dầu tại Kirkuk – nơi sinh sống của nhiều sắc tộc, trong đó người Kurd chiếm đa số. Peshmerga đã kiểm soát thành phố này từ tháng 6/2014, sau khi quân đội Iraq rút khỏi miền Nam và để IS tiến vào những vùng giáp với Kurdistan tại Iraq.

Cờ của chính quyền Iraq và KRG tung bay tại Kirkuk. (Nguồn: Reuters)

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết: "Chúng tôi phản đối cuộc trưng cầu dân ý vì một số lý do. "Điều then chốt là khả năng xảy ra bạo lực, đặc biệt nếu cuộc bỏ phiếu được tổ chức ở những vùng đất tranh chấp như Kirkuk."

Trong khi đó, người Iraq gốc Ả Rập cáo buộc KRG lợi dụng sự bận tâm của Baghdad chống lại IS để chiếm Kirkuk, nơi các nhà chức trách khu vực đã biểu quyết  tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý sắp tới – bất chấp sự phản đối từ đại diện cộng đồng người Ả rập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc trưng cầu dân ý cũng sẽ làm gia tăng sự chia rẽ sắc tộc và bất ổn tại Iraq- chủ yếu là người Hồi giáo Shiite trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia vào mùa xuân tới, theo một quan chức Mỹ. Nước láng giềng Iran đang cố gắng khai thác những căng thẳng này để vận động đưa ứng cử viên Iraq thích hợp - những người Shiite cứng rắn - lên nắm quyền, quan chức trên cảnh báo.

Phần lớn người Kurd ở Iraq là người Hồi giáo Sunni, trong khi chính quyền Baghdad có đa số là người Shiite. Người Ả Rập chiếm khoảng 75% dân số cả nước Iraq và người Kurd khoảng 15%, theo một báo cáo của CIA.

Hàng loạt thách thức và bất ổn

Mặc dù nhiều người Kurd lạc quan về cuộc trưng cầu dân ý, một khu vực tự trị người Kurd độc lập sẽ phải đối mặt với những thách thức tài chính đáng kể. Giống như chính phủ Iraq ở Baghdad, chính phủ Kurdistan có một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ - nguồn nhiên liệu đã giảm xuống mức thấp lịch sử trong năm nay. Sự bùng nổ về khai thác bất động sản trong khu vực này cũng đã  kết thúc vào năm 2014 khi các cần cẩu xây dựng nằm rải rác thủ phủ Erbril, giờ đây đứng im lìm.

Các quan chức Mỹ đang kêu gọi Tổng thống chính quyền KRG Masoud Barzani hoãn bỏ phiếu, một phần vì sợ rằng sự mất ổn định ở Iraq sẽ lan rộng khắp ra khắp khu vực – hiện đã và đang có nhiều biến động lớn. Nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại cuộc trưng cầu dân ý có thể làm cho những công dân người Kurd muốn rời khỏi Ankara, như người Kurd ở Syria đang xây dựng khu vực bán tự trị của họ ở phía bắc nước này.

Trong khi đó, Mỹ  cũng quan ngại rằng cuộc trưng cầu dân ý này sẽ phá vỡ sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ Kurdistan và Baghdad, một liên minh quan trọng trong việc đánh bại IS. Quân đội Iraq, được Mỹ hỗ trợ, đang bắt tay với nhóm dân quân Shiite và Peshmerga đã đẩy lìu được IS ra khỏi Mosul chính và gần đây đã ghi được một chiến thắng quan trọng vào Chủ nhật tại thị trấn Tal Talar , gần biên giới Syria. Khi IS vẫn còn khả năng tập hợp lại thì sự hợp tác trên vẫn là sống còn.

Khi không có sự cam kết của ông Barzani để hoãn cuộc trưng cầu dân ý, các quan chức Mỹ đề nghị rằng kết quả của cuộc bỏ phiếu chỉ nên mang tính biểu tượng hơn là ràng buộc. Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ cho biết Washington đã không nhận được lập trường rõ ràng từ Erbil về điều đó, tuy nhiên, nói thêm rằng người Kurd đã cho biết "họ sẽ không tách rời Iraq ngay lập tức".

Vào tháng Sáu, Quốc hội Mỹ đã đe dọa sẽ cắt giảm ngân sách  cho Peshmerga nếu thực hiện cuộc trưng cầu dân ý. Quan chức Hoa Kỳ trên nói rằng ông Barzani có lẽ đã không dự đoán được phản ứng dữ dội này nhưng vẫn không thể từ bỏ một cuộc thăm dò ông đã công khai tuyên bố.

Chính phủ ở Baghdad cũng cảnh báo chống lại cuộc trưng cầu dân ý. Thủ tướng Haider al-Abadi cho hay, "Tôi tuyên bố và nhìn thấy rõ ràng rằng người Kurd sẽ không được hưởng lợi từ sự độc lập này, và sự độc lập này sẽ tạo ra nhiều thách thức hơn là lợi ích". Hôm thứ Ba vừa qua, ông còn cho rằng cuộc trưng cầu không hợp pháp.

(Theo WSJ)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ