• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu năm 2018: Cuộc chiến viết lại DNA Facebook của Mark Zuckerberg

Thế giới 08/02/2019 09:04

(Tổ Quốc) - Ông chủ Facebook nói rằng mạng xã hội này đã "thay đổi về cơ bản" DNA của mìnhsau các vụ bê bối trong năm 2018.

Tuy nhiên, Mark Zuckerberg biết rằng anh phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để định hình lại Facebook, theo Financial Times (FT).

Khởi đầu năm 2019, giá cổ phiếu của mạng xã hội này đã mất hơn một phần tư giá trị trong năm 2018, tinh thần nhân viên sụt giảm và các nhà chức trách toàn cầu đều đang tranh luận về việc có nên thực hiện các quy tắc nghiêm ngặt hơn đối với Facebook - thế giới ảo đã được xây dựng cho khoảng 2 tỷ người.

Trong bài viết đầu năm mới, tỷ phú Zuckerberg thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng người sáng lập Facebook cũng đã chỉ ra những thay đổi của họ như sử dụng 30.000 người làm việc về các vấn đề an toàn và đầu tư hàng tỷ đô la vào bảo mật mỗi năm.

Công ty này cũng đã giới thiệu các tùy chọn bảo mật mới và khiến hoạt động quảng cáo có mục tiêu trở nên minh bạch hơn bằng cách đăng tải cơ sở dữ liệu về những quảng cáo mang tính chính trị.

Hậu năm 2018: Cuộc chiến viết lại DNA Facebook của Mark Zuckerberg - Ảnh 1.

Năm 2018, sức ảnh hưởng của Facebook đã dấy lên nhiều tranh cãi trên khắp thế giới. (Nguồn: FT)

"Hôm nay, chúng tôi là một công ty rất khác so với chúng tôi năm 2016, hoặc thậm chí một năm trước". "Về cơ bản, chúng tôi đã thay đổi DNA của chúng tôi để tập trung hơn vào việc ngăn chặn sự nguy hại trong tất cả các dịch vụ của chúng tôi và chúng tôi đã thay đổi một cách có hệ thống một phần lớn công ty của chúng tôi để ngăn chặn tác hại này", ông Zuckerberg chia sẻ trong bài phát biểu đầu năm 2019.

Gia tăng nguy cơ với Facebook

Tuy nhiên, những thay đổi này có thể là quá ít, quá muộn, khi các chính trị gia ngày càng đặt câu hỏi về quy mô và ảnh hưởng của công ty này. Tại Hoa Kỳ, Nghị sĩ Dân chủ David Cicilline tin rằng đã đến lúc chính phủ phải vào cuộc. Facebook và các nền tảng công nghệ lớn khác không có khả năng tự điều chỉnh, ông nói.

Vào tháng 3/2018, Facebook đã buộc phải đưa ra một lời xin lỗi công khai lớn, sau khi có thông tin tiết lộ về sự rò rỉ thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng cho Cambridge Analytica, công ty phân tích dữ liệu làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump 2016.

Đây là lời xin lỗi đầu tiên mà mạng xã hội này đưa ra trong suốt cả năm, khi họ đã liên tục bị chỉ trích vì không bảo vệ dữ liệu của người dùng khỏi bị lạm dụng – điều đã khiến người dùng, nhà quản lý và chính trị gia trên khắp thế giới đặt câu hỏi liệu ông Zuckerberg có quan tâm tới vấn đề trên.

Vào tháng 11/2018, các thành viên quốc hội từ Argentina, Brazil, Canada, Ireland, Latvia, Singapore, Pháp, Bỉ và Anh đã chỉ trách ông Zuckerberg vì từ chối bị thẩm vấn bởi một ủy ban quốc tế về tin tức giả và thông tin giả mạo được triệu tập ở London.

Đến cuối năm 2018, công ty này là mục tiêu của nhiều chỉ trích về cách xử lý khủng hoảng.

Một cựu giám đốc điều hành của Facebook đã mô tả năm 2018 là năm mà công chúng biết rằng công ty này đã phát triển "khá mạnh mẽ".

"Công ty này (Facebook) đã len lỏi vào mọi thành phần của xã hội: chính trị, thể thao, tin tức, mọi thứ", ông nói.

Nguồn cơn sóng gió

"Hạt giống" của các vấn đề trên đã được gieo từ nhiều năm trước năm 2018, khi các nhà lãnh đạo của công ty đã cho rằng sự tăng trưởng doanh thu và việc người dùng cung cấp dữ liệu là một điều tốt cho mạng xã hội này và cả thế giới.

Zeynep Tufekci, giáo sư tại Đại học Bắc Carolina và là chuyên gia về kết nối công nghệ và xã hội, cho biết năm vừa qua đã cho Facebook thấy rằng, mô hình kinh doanh của họ - thu thập lượng lớn dữ liệu để cải thiện quảng cáo có mục tiêu đã làm xói mòn rất nhiều niềm tin từ người dùng.

Một khi những dữ liệu này được thu thập theo mô hình kinh doanh kiểu vậy, sự vi phạm, rò rỉ, việc sắp xếp chia sẻ dữ liệu được quản lý tồi và những người dùng bình thường sẽ cảm giác rõ ràng hơn rằng họ không được tôn trọng, cô nói.

Văn hóa doanh nghiệp của Facebook được mô phỏng theo phương châm ban đầu của họ: Di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ. Nhưng David Kirkpatrick, một nhà báo công nghệ và tác giả của The Facebook Effect, cho rằng trên hết, công ty này đã được thúc đẩy bởi lợi nhuận.

Từ lâu, họ đã tập trung vào lợi nhuận phi thường của mình và tìm mọi cách có thể để phục vụ các nhà quảng cáo tốt hơn. . . và họ đã bỏ qua việc chi tiền cho quản trị và việc kiểm soát thận trọng, ông nói.

Kate Losse, một nhân viên thời kì đầu tiên của Facebook và là tác giả của The Boy Kings, một cuốn sách về nhà sáng lập Facebook chia sẻ rằng, động lực cạnh tranh của Facebook đã khiến họ "chơi quá tay" theo những cách bắt đầu gây tổn hại cho công ty mình.

Các nhà phê bình nói rằng, bất chấp những tuyên bố khăng khăng của Zuckerberg về việc đã điều chỉnh cách làm việc, công ty này chưa học được nhiều bài học từ năm ngoái - và những thách thức của họ sẽ chỉ trở nên phức tạp hơn khi tìm cách giải quyết các vấn đề về uy tín trong khi đối phó với sự tăng trưởng chậm lại.

Con đường tăng trưởng?

Trong những tháng gần đây, sức mạnh tuyệt đối về tài chính của Facebook đã cho phép họ ném tiền vào các vấn đề của mình, đáng chú ý là tăng gấp đôi số người điều hành để xem xét hàng chục nghìn nội dung.

Hầu hết các cổ đông không chia sẻ mối quan tâm của các nhóm xã hội dân sự và họ sẽ tập trung vào doanh thu vượt lên bất kỳ thứ gì khác.

Brian Wieser, một nhà phân tích tại Pivotal Research

Nhưng tính linh hoạt tài chính của công ty này có thể bị hạn chế hơn khi các nhà đầu tư trở nên lo lắng về việc tăng trưởng chậm lại. Công ty đã giảm 120 tỷ USD vốn hóa thị trường của mình chỉ trong một ngày vào tháng 7/2018, khi có cảnh báo về việc chậm tăng trưởng doanh thu và số lượng người dùng trì trệ tại các thị trường phát triển.

Nếu bỏ lỡ các mục tiêu của mình, Facebook có thể cảm thấy cần phải chuyển hướng các nguồn lực để giữ cho các cổ đông hài lòng - và tăng tốc, thay vì tạm dừng trong việc theo đuổi tăng trưởng.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ