(Tổ Quốc) - Chuyên gia nhận xét về lý do tại sao mặc dù ngân sách quốc phòng ít hơn Mỹ, Trung Quốc… nhưng quân đội Nga vẫn sở hữu sức mạnh đáng gờm.
Sau một thập kỷ đầu tư hết sức vào hiện đại hóa quân đội, Nga giờ đây đang sở hữu một nền quốc phòng vững mạnh có thể phục vụ cho những tham vọng duy trì vị thế cường quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của kết quả trên là do Nga đã thúc đẩy mức độ sản xuất vũ khí – thiết bị nội địa và chấp nhận chi nhiều ngân sách hơn cho việc nâng cấp và thu mua.
Bắt đầu từ năm 2011, ngân sách quốc phòng Nga đã gia tăng. Điều này không chỉ giúp nâng lương cho quân nhân mà nó còn cho phép quân đội sở hữu thêm các vũ khí và thiết bị hiện đại với số lượng lớn, cũng như tiến hành nhiều hoạt động huấn luyện và tập trận hơn.
Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Nga vẫn còn kém xa so với Mỹ, Trung Quốc, Arab Saudi, Ấn Độ hay Pháp; nhưng Moscow lại dành nhiều tiền hơn cho việc mua sắm vũ khí và thiết bị mới.
"Tỷ lệ mua thiết bị mới và hiện đại cùng tỷ lệ dành cho công tác nghiên cứu và phát triển cao hơn đáng kể so với các cường quốc khác", ông Richard Connolly, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Nga, châu Âu và Âu-Á tại Đại học Birmingham (Anh) nói trong một hội thảo mới đây tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (Mỹ).
Nga cũng hưởng lợi từ khả năng sản xuất quân sự cao, khiến quân đội có thể tự chế tạo hầu hết các vũ khí mình cần ngay trên lãnh thổ Nga.
"Nga có tỷ lệ phụ thuộc vào nhập khẩu rất thấp", ông Connolly chỉ ra. "Trong 5 năm gần đây, bởi vì lệnh trừng phạt, Nga trở nên tự chủ hơn rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất vũ khí và họ không mua nhiều hàng hóa [từ nước ngoài]".
Kể từ năm 2015, Nga đã sở hữu thêm 250 tên lửa đạn đạo tầm xa; tới cuối năm 2018, gần 1.000 trực thăng tại Nga đã được hiện đại hóa. Ngoài ra, trong 8 năm qua, Nga đã có thêm hơn 1.000 máy bay chiến đấu mới hoặc đã được nâng cấp – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong cùng thời kỳ.
Hơn 3,5 triệu người Nga đang làm việc trong lĩnh vực quốc phòng – khiến tỷ lệ dân số làm các công việc phục vụ cho các mục đích quốc phòng lên tới 5%.
Những điều trên "đã củng cố vị thế của Nga như một cường quốc địa chính trị và khẳng định lời tuyên bố của giới lãnh đạo nước này về vị thế 'cường quốc' của Nga", ông Connolly đánh giá trong một bài báo xuất bản hồi tháng 10.
"Ngay cả khi tình trạng kinh tế không tốt, Nga vẫn đảm bảo dành ra một khoản ngân sách lớn cho chi tiêu quốc phòng", ông cho biết trong hội thảo tại Washington.