(Tổ Quốc) - Thường được coi là một đối tác quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, sự vắng mặt của Ngoại trưởng Nga trong một hội nghị trực tuyến liên quan, đã gây bất ngờ lớn.
Tháng trước, hội nghị về Sáng kiến Vành đai và Con đường do Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị chủ trì đã diễn ra trực tuyến. Sự kiện có sự tham dự của các quan chức cấp bộ trưởng từ 25 quốc gia và cả Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên sự vắng mặt của đại diện đến từ nước Nga – Ngoại trưởng Sergei Lavrov, lại gây ra sự chú ý lớn. Ông Lavrov chỉ gửi tới một thông cáo và người thay thế ông dự hội nghị là một đại sứ.
Thực tế là, ngay từ đầu Nga khó có thể được tính là một bên tham gia vào sáng kiến tham vọng của Trung Quốc. Mặc dù có mối quan hệ thân thiết trong những năm gần đây và từng thể hiện sự cam kết với dự án, nhưng Moscow lại là một đối tác khá "lỏng lẻo". Trang Foreign Policy nhận xét, việc Bộ trưởng Lavrov không tham gia hội nghị trực tuyến trên cho thấy một sự thay đổi trong cách tiếp cận: Nga không còn cảm thấy phải nhất nhất tuân theo Sáng kiến Vàng đai và Con đường. Để tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng cơ sở và đầu tư tại "sân sau" của Nga, gây tác động tới ảnh hưởng của Moscow tại các nước thuộc Liên Xô cũ, Trung Quốc ít nhất cần nhận được sự đồng thuận ngầm từ Nga. Điều cuối cùng mà Bắc Kinh muốn là sự phản đối của Moscow trong thời điểm sáng kiến đang đối mặt với những phản ứng trái ngược từ nhiều đối tác. Bất kỳ bước lùi nào từ Nga cũng sẽ được châu Âu và Mỹ nhìn nhận như một điểm dễ tổn thương trong mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Động thái của Nga chứng tỏ lợi ích thật sự của họ nằm ở đâu. "Nga không phải là một phần của Vành đai và Con đường. Họ chỉ ủng hộ cho mục tiêu toàn cầu của Trung Quốc chừng nào nó còn phù hợp với lợi ích của Nga", học giả cấp cao Igor Denisov của Viện Quan hệ Quốc tế Liên Bang tại Moscow chỉ ra.
Luận điểm trên có phần đi ngược lại những phát biểu của cả Nga và Trung Quốc xung quanh Vành đai và Con đường. Kể từ năm 2014, Bắc Kinh luôn coi Moscow là một đối tác quan trọng nhất của chương trình. Thậm chí ngay cả trong đại dịch COVID-19, truyền thông Trung Quốc vẫn ca ngợi, mối liên kết giữa Trung Quốc và Nga trong Vành đai và Con đường đã giúp gia tăng thương mại giữa Trung Quốc với châu Âu.
Về phần mình, Nga hiếm khi từ chối cơ hội để chứng tỏ quan hệ với Trung Quốc. Không chỉ thường xuyên tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh, Tổng thống Vladimir Putin còn thúc đẩy mối liên quan giữa sáng kiến của Trung Quốc với Liên minh Kinh tế Âu-Á, một tổ chức đa quốc gia do Nga dẫn đầu. Năm 2015, các nước đã thống nhất tích hợp hai sáng kiến với nhau.
Tuy nhiên, bất chấp sự hòa hợp trước công luận, hầu như không có một bằng chứng rõ ràng cho thấy Nga là quốc gia đối tác chính thức của Vành đai và Con đường. Trong số 40 dự án giao thông được Liên minh Kinh tế Âu-Á đề xuất với Trung Quốc năm 2017, tất cả đều bị từ chối. Tới năm 2019, Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận "dán nhãn" Vành đai và Con đường cho bất kỳ dự án nào của Liên minh.
Các quan hệ chiến lược giữa hai nước được đánh giá là hầu như tồn tại bên ngoài khuôn khổ của BRI. Đối với Nga, đầu tư từ Trung Quốc là rất cần thiết để lấp đầy khoảng trống mà các công ty phương Tây để lại kể từ sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực từ năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc vào Nga nhìn chung vẫn rất thấp. Năm 2017, tổng giá trị FDI từ Trung Quốc chỉ đạt 140 triệu USD trong tổng số 25,4 tỷ USD FDI của Nga. Tỷ lệ này quá ít nếu nhìn vào 50 tỷ USD mà Trung Quốc đã "bơm" cho nước láng giềng Pakistan thông qua các dự án thuộc Vành đai và Con đường.
Sự mâu thuẫn giữa những ca ngợi của Trung Quốc về tầm quan trọng của Nga trong Vành đai và Con đường – và thực tế hầu như không có cơ hội từ sáng kiến, đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Nga không hài lòng. Ngoài những dự án lớn nhận được sự đồng tình từ giới tinh hoa chính trị Nga, các dự án không có tiếng tăm thường không kêu gọi được quan tâm và đầu tư từ Trung Quốc. Một thống kê từ Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai 2019 khẳng định điều trên khi trong số 283 dự án được thực thi của Trung Quốc, chỉ có 15 dự án có liên quan tới Nga.
Theo ông Jonathan Hillman, giám đốc Dự án Tái kết nối châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, tình trạng tham nhũng và cơ sở hạ tầng kém phát triển của Nga từ lâu đã là những yếu tố gây trở ngại cho đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng. Trong 91 dự án thuộc một chương trình hợp tác giữa Đông bắc Trung Quốc và Viễn Đông Nga (bắt đầu từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2018), chỉ có 15 dự án đang trong giai đoạn tiến hành vào năm 2015.
Sau nhiều năm tham dự "chắp vá", việc Nga công khai tách rời Vành đai và Con đường diễn ra trong bối cảnh sáng kiến đang gặp nhiều thách thức. Một cuộc điều tra gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ra, 20% dự án của Vành đai và Con đường bị "ảnh hưởng nghiêm trọng" bởi đại dịch toàn cầu và 30 tới 40% "bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó". Lo ngại về suy thoái toàn cầu đã khiến các đối tác của Trung Quốc phải xem xét lại tính khả thi của các dự án Vành đai và Con đường ở quốc gia họ. Điều này dẫn tới tình trạng tái đàm phán thậm chí là hủy bỏ dự án.
Hiện vẫn chưa rõ, liệu sự tham gia của Nga trong Sáng kiến Vành đai và Con đường có tiếp tục bị thu hẹp nữa không. Theo học giả Bobo Lo từ Viện Lowy, có ý kiến cho rằng Moscow không được tiến gần hơn với Bắc Kinh nhằm chứng tỏ với thế giới mình là một thực thể chiến lược độc lập. Trung Quốc hẳn cũng nhận thức rõ được tiềm năng của Nga trong quan hệ quốc tế. Ngày càng giữ vị thế nổi bật hơn trong quan hệ song phương với Nga, Bắc Kinh sẽ phải cẩn trọng gấp bội khi xử lý vấn đề vai trò của Moscow trong Vành đai và Con đường.